Menu xem nhanh:
Viêm nội nhãn ở trẻ em là gì?
Viêm nội nhãn ở trẻ em là tình trạng viêm do nhiễm khuẩn của dịch kính, mô võng mạc, màng bồ đào, có thể gây tổn hại nặng về giải phẫu và chức năng thị giác.
Viêm nội nhãn ở trẻ em là bệnh lý cấp cứu, phức tạp cần được phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ mù lòa. Bệnh thường tập trung chủ yếu ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cá biệt, trẻ từ 5 – 10 tuổi cũng mắc bệnh.
Nguyên nhân gây viêm nội nhãn ở trẻ em
Bệnh thường xuất hiện trên những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch hoặc có các bệnh lý toàn thân kèm theo như viêm cơ tim, viêm đường hô hấp trên, viêm đường ruột, viêm đường tiết niệu,… có những trường hợp có thể bắt gặp cả trên những trẻ hoàn toàn khỏe mạnh.
Nguyên nhân gây viêm nội nhãn ở trẻ em rất đa dạng, khó xác định chính xác nguyên nhân nhưng nhân tố chủ yếu gây viêm nội nhãn ở trẻ em là do vi khuẩn, gồm cả vi khuẩn Gr (+) và GR (-). Viêm nội nhãn ở trẻ sơ sinh thường gặp do trực khuẩn mủ màu xanh, phế cầu và cầu khuẩn nhóm B, còn viêm nội nhãn ở trẻ lớn hơn thường gặp do tụ cầu vàng hay não mô cầu. Bệnh có thể xuất phát khi mắt bị chấn thương bởi một dị vật đâm thủng mắt, mang theo vi trùng và mắt xuất hiện mủ. Nấm Candida cũng là tác nhân thường gặp gây viêm nội nhãn ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn. Bên cạnh đó cũng có thể do một số tác nhân gây bệnh ít gặp như ký sinh trùng (T. gondii, T. carnis, ấu trùng sán)… hay virus (Herpes, Zonna, virut cự bào) gây bệnh,…
Viêm nội nhãn ở trẻ em nếu được phát hiện sớm sẽ giảm nguy cơ mù lòa
Biểu hiện viêm nội nhãn ở trẻ em
Trẻ bị viêm nội nhãn cấp tính thường có các biểu hiện như mắt đột ngột chuyển đỏ, bé sợ ánh sáng, chói mắt, đau nhức mắt nhiều, mắt nhìn mờ. Mi mắt của con có thể sưng nề và tấy đỏ. Có thể nhìn thấy mủ trong mắt cùng các biểu hiện đi kèm có thể như sốt, buồn nôn, ho, đau đầu,…
Khi kiểm tra trực tiếp mắt của bé thấy giác mạc bị phù, có mủ, đồng tử có thể co nhỏ và dính, ánh đồng tử kém hồng hoặc vàng, không thể soi được võng mạc hoặc nếu soi được có thể các viêm mạch máu và viêm hắc võng mạc.
Xử trí khi nghi ngờ trẻ bị viêm nội nhãn
Khi thấy trẻ có các biểu hiện nghi ngờ viêm nội nhãn phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay khi mắt con bị đỏ. Bệnh nếu được phát hiện sớm có thể điều trị được. Nếu phát hiện muộn, mủ đã đặc lại sẽ co kéo ảnh hưởng đến giác mạc thì sẽ khó điều trị. Lúc đó mủ không những chỉ trong nội nhãn mà đã lan ra toàn nhãn. Đa phần những các phụ huynh đưa con đi thăm khám đã ở giai đoạn muộn nên rất khó xử trí và nguy cơ mù lòa cao.
Điều trị viêm nội nhãn ở trẻ em bằng cách nào?
Điều trị viêm nội nhãn cần điều trị tích cực ngay từ đầu nhằm điều trị ổ nhiễm khuẩn nguyên phát tại mắt. Phác đồ điều trị viêm nội nhãn ở Việt Nam hiện nay là tiêm kháng sinh hoặc kháng sinh chống nấm toàn thân (tĩnh mạch), tiêm kháng sinh nội nhãn (tiêm thẳng thuốc mắt), tra thuốc tại mắt và có thể chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính khi bệnh nặng, điều trị nội khoa không đỡ hoặc bệnh vẫn tiếp tục tiến triển.
Cắt dịch kính giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh, độc tố đồng thời làm cho thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm khuếch tán tốt hơn. Bên cạnh đó, các biến chứng của phẫu thuật có thể gồm có bong võng mạc, đục thể thủy tinh, tăng sinh xơ dịch kính võng mạc, tăng nhãn áp… Vì vậy, với những trẻ dưới 16 tuổi có viêm nội nhãn nội sinh thì phẫu thuật cắt dịch kính để loại bỏ tác nhân gây bệnh, phục hồi giải phẫu và phục hồi chức năng thị giác cho trẻ vẫn còn là vấn đề cần các chuyên gia hội chẩn.
Khi trẻ có các biểu hiện nghi ngờ viêm nội mạc mắt, cha mẹ nên cho con đến ngay cơ sở y tế uy tín để bé được kiểm tra, chẩn đoán và có biện pháp xử trí kịp thời, cần thiết.