Viêm lộ tuyến cổ tử cung có nên đốt không là nỗi băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ khi mắc bệnh lý này. Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể xảy ra. Những vấn đề liên quan đến cách điều trị này sẽ được chia sẻ cụ thể qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đốt viêm lộ tuyến là gì?
1.1. Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng thế nào?
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng các tế bào tuyến ở trong phát triển lan ra phía ngoài cổ tử cung. Tại đây, các tế bào này vẫn tiết dịch như ở trong cổ tử cung. Điều này vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ra tình trạng viêm nhiễm tại cổ tử cung.
Khi mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung, người bệnh sẽ có những triệu chứng như:
– Khí ra ra nhiều, có màu sắc và mùi bất thường.
– Vùng kín có cảm giác ngứa ngáy, sưng tấy, đau rát.
– Đau, rát, khó chịu, chảy máu khi quan hệ tình dục.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường gặp ở những chị em đang trong độ tuổi sinh nở, tỉ lệ mắc lên đến 85%. Bệnh không chỉ khiến chị em gặp phải nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày mà còn là mối nguy hại lớn với sức khỏe sinh sản. Viêm lộ tuyến nếu không điều trị sớm và dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần có thể gây vô sinh, hiếm muộn, ung thư cổ tử cung.
1.2. Các phương pháp đốt lộ tuyến cổ tử cung phổ biến hiện nay
Đốt viêm lộ tuyến cổ tử cung là phương pháp điều trị ngoại khoa khá phổ biến bằng cách sử dụng nhiệt tác động lên các vùng viêm lộ tuyến. Từ đó loại bỏ các tế bào đã bị tổn thương và chấm dứt các triệu chứng bệnh như âm đạo tiết dịch quá nhiều hay chảy máu âm đạo bất thường. Hiện nay có 2 phương pháp đốt lộ tuyến như sau:
– Đốt điện: là phương pháp sử dụng dòng điện cao tần để phá hủy các tế bào đã bị tổn thương ở vùng lộ tuyến.
– Đốt laser: là phương pháp sử dụng tia laser để chiếu vào các tế bào lộ tuyến, tiêu diệt các tế bào bị bệnh, đồng thời kích thích các tế bào biểu mô hồi phục nhanh.
2. Cần biết: Viêm lộ tuyến cổ tử cung có nên đốt không?
Đốt viêm lộ tuyến được xem là phương pháp điều trị an toàn, triệt để và mang lại hiệu quả cao nên được nhiều cơ sở y tế áp dụng. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần áp dụng phương pháp này. Theo các chuyên gia Sản khoa, viêm lộ tuyến cổ tử cung có nên đốt không, bác sĩ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau để quyết định như mức độ bệnh, tình trạng bệnh, sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân…
Nếu bệnh mới ở cấp độ 1 (cổ tử cung chỉ bị viêm nhẹ, vùng lộ tuyến chiếm dưới ⅓ bề mặt cổ tử cung) thì người bệnh không cần diệt tuyến bằng phương pháp đốt. Lúc này chỉ cần sử dụng thuốc đặt phụ khoa đặc trị kết hợp với việc vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách, sinh hoạt khoa học, hợp lý và kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị thì tình trạng bệnh sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi.
Nhưng nếu chị em đã bị viêm lộ tuyến cổ tử cung diện rộng (từ độ 2 đến độ 3) thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng can thiệp ngoại khoa, trong đó đốt lộ tuyến là phương pháp phổ biến và được áp dụng nhiều nhất. Tuy nhiên trước khi đốt diệt tuyến, bệnh nhân vẫn cần điều trị bằng nội khoa để tình trạng viêm nhiễm ổn định rồi mới tiến hành đốt.
3. Quy trình đốt viêm lộ tuyến
Tại hầu hết các cơ sở y tế, quy trình đốt viêm lộ tuyến sẽ được thực hiện theo các bước sau:
– Kiểm tra sức khỏe tổng quát để bác sĩ nắm được tiền sử các bệnh, tình trạng đông cầm máu.
– Điều trị tình trạng viêm nhiễm phụ khoa thật ổn định. Thông thường đốt viêm lộ tuyến chỉ áp dụng khi không kèm theo các bệnh lý phụ khoa khác như viêm phần phụ, viêm âm đạo….
– Bác sĩ sẽ thực hiện đốt viêm lộ tuyến sau khi sạch kinh 2-3 ngày và không quá ngày thứ 10 của chu kỳ kinh để tránh viêm nhiễm.
4. Đốt lộ tuyến có ảnh hưởng gì không?
Đốt lộ tuyến là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, thực hiện nhanh và ít gây đau đớn đối với chị em mắc viêm lộ tuyến diện rộng độ 2,3. Tuy nhiên cũng như bất cứ phương pháp điều trị nào khác, đốt lộ tuyến cũng có thể có những ảnh hưởng không mong muốn như:
– Đốt quá sâu sẽ gây sẹo cứng, làm giảm tính đàn hồi ở cổ tử cung. Điều này dễ gây vỡ rách cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ sinh thường.
– Kỹ thuật đốt không đúng khiến cổ tử cung bị chít hẹp, gây ứ đọng máu kinh, làm cản trở quá trình tinh trùng gặp trứng để thụ thai, từ đó gây ra vô sinh, hiếm muộn.
– Đốt lộ tuyến không triệt để và quá trình chăm sóc sau đốt lộ tuyến kém có thể khiến bệnh tái phát trở lại sau thời gian ngắn, dẫn đến phải đốt diệt tuyến nhiều lần.
Chính vì vậy khi cần phải đốt lộ tuyến, chị em nên lựa chọn các cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ giỏi, trình độ chuyên môn và tay nghề cao, thao tác chính xác để không làm tổn thương cổ tử cung.
5. Sau khi đốt viêm lộ tuyến cổ tử cung, cần làm gì để nhanh hồi phục
Đốt lộ tuyến cổ tử cung được đánh giá là một trong những phương pháp điều trị có thời gian hồi phục trung bình. Cụ thể, thời gian để hồi phục hoàn toàn các tổn thương ở cổ tử cung sau khi diệt tuyến là từ 6-8 tuần. Tuy nhiên, thời gian hồi phục có thể được rút ngắn hơn nếu người bệnh lưu ý:
– Thực hiện đốt lộ tuyến ở những cơ sở y tế uy tín, trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có chuyên môn tốt.
– Tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ sau khi thực hiện thủ thuật.
– Kiêng quan hệ tình dục trong khoảng thời gian 6-8 tuần để cổ tử cung hồi phục hoàn toàn.
– Giữ gìn vệ sinh vùng kín, không thụt rửa âm đạo.
– Không tắm bồn.
– Tránh các hoạt động mạnh như khiêng vác vật nặng, bơi lội, chạy nhảy.
– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, omega 3… để có lợi cho sự hồi phục của cổ tử cung. Đồng thời tránh các thực phẩm cay nóng, chất kích thích, đồ uống có gas…
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, các chị em đã giải đáp được thắc mắc “Viêm lộ tuyến cổ tử cung có nên đốt không” và có thêm nhiều kiến thức xung quanh phương pháp này. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện được các bệnh từ sớm, từ đó việc điều trị được nhanh chóng và hiệu quả hơn.