Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do Hepatitis C virus (HCV) gây ra, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho sức khỏe và kinh tế gia đình. Theo thống kê hàng năm có tới khoảng 3% dân số mắc viêm gan siêu vi C và có khoảng 170 triệu người lành đang mang virus.
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan C là bệnh gì?
Đây là bệnh do virus gây ra, có khả năng lây truyền từ người này sang người khác. Do đó, việc phòng bệnh là vô cùng khó khăn và cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị hoàn toàn triệt để. Không phải tất cả mọi người đểu có khả năng mắc bệnh như nhau, dưới đây mà một số đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm gan C:
– Nhân viên y tế, những người thường xuyên phải tiếp với kim tiêm, dịch nhầy của người bệnh.
– Đối tượng tiêm chích ma túy.
– Không sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.
– Người nhiễm HIV.
– Người xăm mình, các thủ thuật thẩm mỹ, khám răng,… tại các cơ sở với những vật dụng y tế không đảm bảo.
2. Triệu chứng viêm gan C
Viêm gan siêu vi C chủ yếu lây truyền qua đường máu hoặc các sản phẩm của máu. Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng có một khoảng thời gian ủ bệnh khá dài (từ 15- 160 ngày). Khởi phát bệnh thường âm ỉ, các triệu chứng không rõ ràng và rất ít khi phát hiện bệnh và chẩn đoán được ở giai đoạn này. Phần lớn người bệnh chỉ đi khám khi có các triệu chứng lâm sàng rầm rộ, rõ nét như vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, gan lớn và đau.
Tuy vậy, các triệu chứng vàng da, vàng mắt đôi khi biểu hiện nhẹ, không rõ ràng khiến người bệnh dễ bỏ qua mặc dù bệnh đang trong thời kỳ viêm nặng. Giai đoạn bệnh toàn phát có thể kéo dài khoảng 6 – 8 tuần rồi bệnh có thể sẽ dần tự hết (thường là dạng cấp tính). Tuy nhiên trường hợp khỏi chỉ chiếm 20 – 30% trong tổng số trường hợp mắc bệnh.
Viêm gan virus C nếu không được điều trị triệt để, thường xuyên tái phát, có nguy cơ chuyển sang thể mạn tính, nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn tới xơ gan, thậm chí ung thư gan.
3. Tác hại của bệnh viêm gan C
Theo phác đồ của Bộ Y tế, viêm gan siêu vi C có chỉ định điều trị khi thời gian mắc bệnh lý này kéo dài trên 6 tháng hoặc nhiễm bệnh ở bệnh nhân xơ gan có chỉ số fibrotest > F2. Bệnh nếu không điều trị kịp thời, mức độ nặng của bệnh có thể cao hơn rất nhiều so với viêm gan B.
3.1. Nguy cơ gây xơ gan do viêm gan C
Biến chứng đầu tiên của bệnh viêm gan siêu vi C là xơ gan. Xơ gan gây ra những tổn thương cho các tế bào gan khỏe mạnh, tạo nên vết sẹo và những mô sợi. Chúng ngăn cản và làm chậm dòng chảy của máu qua gan, gây ứ trệ máu trong hệ thống tiêu hóa. Nếu tình trạng xơ gan không được điều trị đúng cách nguy cơ suy gan là tương đối cao.
3.2. Suy gan
Khi người bệnh bị xơ gan do viêm gan siêu vi C, nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển càng nghiêm trọng hơn. Bởi các mô sẹo do virus gây tổn thương tiếp tục phát triển làm cho chức năng gan suy giảm, lâu dần dẫn tới suy gan. Suy gan có những dấu hiệu nhận biết đặc trưng như: Vàng da, vàng mắt, cổ trướng, chân tay phù nề,…
Xơ gan và suy gan do viêm gan siêu vi C, việc điều trị kháng virus là điều cần thiết và quan trọng nhằm phòng tránh và hạn chế tối đa biến chứng.
3.3. Ung thư gan
Ung thư gan là biến chứng muộn và cũng là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh lý gan mật. Khi người bệnh nhiễm virus HCV thì nguy cơ mắc ung thư gan sẽ gấp 12 lần so với những người bình thường. Và trên thực tế, ung thư gan thường xảy ra ở những người mắc xơ gan.
Ngoài ra một số yếu tố khác tác động, làm tăng nguy cơ ung thư gan như: Lạm dụng rượu bia, hút thuốc, béo phì, hàm lượng sắt trong gan cao,…
4.4. Biến chứng khác
Bệnh lý viêm gan virus C bên cạnh việc tốn công, hủy hoại tế bào gan thì chúng còn gây ra một số ảnh hưởng tới các bộ phận và hệ cơ quan khác trong cơ thể. Khi nhiễm virus HCV, cơ thể sản sinh ra kháng thể, chính kháng thể này đã tạo ra những phản ứng gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác của cơ thể như tổn thương dây thần kinh, tổn thương thận, nổi mẩn ngứa, đau khớp,…
4. Phòng ngừa viêm gan siêu vi C
4.1. Đối với người chưa nhiễm bệnh
– Không quan hệ tình dục mà không có phương pháp bảo vệ đối với người không rõ về tình trạng sức khỏe, không quan hệ với nhiều bạn tình. Chung thủy một vợ một chồng.
– Không xăm hình, xỏ khuyên ở những cơ sở không đảm bảo sạch sẽ, dụng cụ không được tiệt trùng.
– Ngay cả khi chưa mắc bệnh viêm gan siêu vi C, bạn cũng nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân gây hại như: Khói thuốc, rượu bia, chất kích thích,… nhằm tránh làm tổn thương tới gan.
– Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm và kịp thời có phương pháp điều trị phù hợp.
4.2. Đối với người bị viêm gan C
Trong trường hợp bạn đang mắc viêm gan siêu vi C, cần phòng ngừa để tránh lây nhiễm sang người khác bằng cách:
– Để riêng những dụng cụ cá nhân có khả năng gây trầy xước, chảy máu tránh dính sang các dụng cụ cá nhân của người khác.
– Không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, quan hệ trong thời kỳ kinh nguyệt.
– Luôn dự trữ và sử dụng găng tay y tế để phòng khi bị thương hoặc khi cần chăm sóc người khác.
– Khi có vết thương hở cần băng lại cẩn thận bằng gạc sạch không để dính máu ra các vật dụng khác hoặc tiếp xúc với người khác.
– Trong thời gian bị nhiễm viêm gan siêu vi C người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để nắm rõ tình trạng bệnh của bản thân.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc cơ bản về bệnh viêm gan C là gì? Hệ thống Y tế Thu Cúc với hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia y tế, y bác sĩ có trình độ cao, đảm bảo chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác, xác định đúng giai đoạn hiện tại của bệnh để có biện pháp điều trị thích hợp nhất.