Viêm chân răng sưng mủ là một trong những dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm tại chỗ hoặc lây lan trong khoang miệng. Đây là dấu hiệu rõ ràng của việc các bệnh lý răng miệng đã tiến triển lên mức độ nặng hơn và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu như người bệnh không có các phương án điều trị thích hợp.
Menu xem nhanh:
1. Định nghĩa tình trạng viêm chân răng sưng mủ
Theo giải phẫu răng, lớp ngoài cùng của cấu trúc chính là men răng, sau đó đi dần vào trong là ngà răng và tủy răng. Tủy răng nằm ở bên trong cùng của cấu trúc răng được cấu tạo hình dạng hốc, ở giữa trống để các tổ chức có tác dụng nuôi răng như mạch máu, thần kinh, mô liên kết,… tập trung.
Phần chân răng và bộ phận mà chúng ta không thể quan sát được bằng mắt thường. Đây là bộ phận nằm ở vị trí xương ổ răng và được bao phủ bên ngoài bằng các mô lợi hay còn được mọi người gọi là nướu răng.
Chân răng bị viêm sưng mủ là tình trạng của lợi hoặc tủy răng bị viêm nhiễm do sự tấn công của vi khuẩn, gây ra tình trạng nhiễm trùng và tạo ra một ổ áp xe ở xung quanh vùng cuống răng, lợi hay xung quanh chân răng. Đây là tình trạng viêm nhiễm tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ sức khỏe của răng miệng người bệnh mà thẩm chỉ còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện.
2. Đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm chân răng sưng mủ?
Theo các chuyên gia, chân răng viêm nhiễm và sưng mủ thường do 2 nguyên nhân chính gây ra:
2.1. Chân răng sưng mủ do bệnh viêm nha chu gây ra
Khi người bệnh có những thói quen vệ sinh răng và cả khoang miệng chưa tốt, các vụn thức ăn cũng như mảng bám vẫn còn bị mắc kẹt ở các kẽ răng hoặc nằm sâu ở bên dưới lợi, cao răng không được vệ sinh thường xuyên hoặc sử dụng các loại vật nhọn, dễ gây tổn thương cho răng nướu để xỉa răng,… đều là những nguyên nhân khiến cho lợi của người bệnh bị sưng viêm.
Nếu người bệnh mắc viêm nha chu, miệng của người bệnh sẽ xuất hiện một mùi hôi khó chịu, vùng lợi nhảy cảm và dễ chảy máu hơn bình thường, lợi sưng đỏ, phồng rộp và che đi một phần thân răng,…
Nếu như tình trạng viêm nhiễm ở nướu răng không được can thiệp điều trị ngay, lợi chảy máu ngày càng nhiều và thường xuyên hơn, mảng bám và thức ăn thừa nằm yên ở kẽ răng,… đều là những môi trường cực kỳ thuận lợi để hại khuẩn có thể phát triển mạnh mẽ, khiến cho lợi của người bệnh bị nhiễm trùng nặng.
Đây cũng là thời điểm mà chân răng của người bệnh xuất hiện mủ, áp xe nướu hoặc cả là tụt lợi, tiêu xương,… khiến cho răng bị lung lay cũng như có thể gây ra tình trạng mất răng.
2.2. Tủy răng gặp vấn đề nghiêm trọng
Khi răng của người bệnh mắc một số bệnh lý như sâu răng, răng bị sứt mẻ do chấn thương hoặc chân răng bị viêm nhiễm lâu ngày, lây lan dần xuống vùng cuống răng,… đều gây ảnh hưởng xấu đến tủy răng.
Nếu như các bệnh lý kể trên không được điều trị đúng thời điểm bằng các phương pháp chuyên sâu để có thể điều trị triệt để bệnh lý, tủy răng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, sự viêm nhiễm ngày càng lan rộng ra hơn và có thể gây ảnh hưởng sang cả các răng xung quanh vùng bị viêm nhiễm.
Lúc này, tủy sẽ có nguy cơ bị chết đi, răng mất cơ quan có thể nuôi dưỡng nên yếu dần, lung lay và cuối cùng là mất răng.
2.3. Chân răng sưng mủ bởi các nguyên nhân khác
Vùng chân răng bị viêm nhiễm và mưng mủ có thể do nhiều nguyên nhân khác như:
– Trường hợp răng khôn mọc lệch
– Khớp cắn bị chấn thương
– Những người có tiền sử mắc bệnh rối loạn nội tiết, đái tháo đường,…
– Hệ miễn dịch của cơ thể yếu nên khiến cho hại khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây viêm nhiễm
3. Làm thế nào để nhận biết được tình trạng chân răng viêm nhiễm và mưng mủ?
Để có thể nhận biết được các dấu hiệu thường gặp của tình trạng chân răng viêm nhiễm và mưng mủ, người bệnh cần quan sát các dấu hiệu điển hình bao gồm:
– Răng đau nhức, khó chịu.
– Nỗi đau nhức lan dần ra khắp hàm, tai, thậm chí cả cổ của người bệnh
– Người bệnh không thể ăn nhai bình thường do luôn cảm thấy đau.
– Phần lợi viêm nhiễm, sưng to, đỏ và đau khi chạm vào.
– Răng bị đau có hiện tượng lung lay, răng có cảm giác bị trồi lên và đổi màu.
– Dưới hàm hoặc ở vùng cổ xuất hiện hạch
– Người bệnh có khả năng bị sốt cao do viêm nhiễm gây ra
– Vùng chân răng viêm nhiễm có nốt nổi lên ở lợi, mủ có thể chảy ra khi bị tác động vào
4. Cách điều trị viêm chân răng có mủ sao cho hiệu quả và triệt để
Để có thể điều trị tình trạng chân răng bị viêm nhiễm và mưng mủ, người bệnh nên đến thăm khám Nha sĩ tại các cơ sở nha khoa chất lượng để có thể tìm ra những phương pháp can thiệp sớm nhất.
4.1. Nguyên tắc điều trị bệnh lý viêm chân răng và sưng mủ
Để có thể ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm lây lan cũng như tình trạng nhiễm trùng trở nặng, các bác sĩ sẽ tuân thủ theo nguyên tắc chữa trị như sau:
– Trước hết, bác sĩ sẽ phải cô lập hoàn toàn được vùng nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh
– Tiếp đến là điều trị các triệu chứng khiến cho người bệnh khó chịu, giảm thiểu tình trạng viêm sưng, đau đớn, khó chịu….
– Cuối cùng, bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật chuyên môn để có thể loại bỏ hoàn toàn được ổ nhiễm trùng khi tình trạng viêm nhiễm đã được kiểm soát và có thể thực hiện các thủ thuật này an toàn, không gây ra biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
4.2. Các kỹ thuật chuyên môn mà bác sĩ sẽ sử dụng để loại bỏ vùng viêm nhiễm
– Chích, rạch ổ viêm nhiễm bị áp xe:
Bác sĩ sẽ cắt một vết rất nhỏ, vừa đủ để có thể dẫn lưu khối mủ thoát ra ngoài tại vị trí viêm sưng.
– Lấy dị vật:
Nếu như vùng viêm nhiễm có mắc kẹt các dị vật như tăm, xương,… thì bác sĩ sẽ thực hiện gắp dị vật ra để tình trạng viêm nhiễm có thể suy giảm.
– Điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm vùng xung quanh răng:
Để có thể điều trị các bệnh lý này, bác sĩ sẽ thực hiện cạo vôi răng, vệ sinh sạch sẽ các vụn thức ăn và mảng bám mắc lại ở chân răng và dưới lợi,…
– Điều trị cơ quan tủy răng:
Nếu như răng bị hỏng tủy, bác sĩ sẽ cần điều trị tủy răng bằng cách loại bỏ tủy đã chết, làm sạch hốc rỗng chứa tủy trước khi trám lại và bọc sứ để bảo vệ răng.
– Cắt cuống răng:
Đây là một kỹ thuật nhỏ, diễn ra nhanh chóng có tác dụng loại bỏ hoàn toàn ổ viêm nhiễm tại phần cuống răng.
– Nhổ bỏ răng:
Nếu như tình trạng viêm và nhiễm trùng đã phát triển lên mức độ nghiêm trọng, răng không thể cứu được do bị hỏng nặng, bác sĩ buộc phải nhổ bỏ răng hỏng đi để bảo vệ các răng xung quanh an toàn.
– Nếu như ổ nhiễm trùng đã phát triển lên thành các nang to trong xương và lây lan sang các răng khác khiến cho vùng tổn thương to rộng, bác sĩ buộc phải điều trị tận gốc thay vì điều trị theo nguyên nhân. Khi ấy, việc điều trị sẽ phức tạp và tốn thời gian cũng như chi phí hơn rất nhiều. Có nhiều trường hợp, việc điều trị quá khó khăn, ngay cả bác sĩ cũng không thể khắc phục hoàn toàn được tình trạng viêm nhiễm này.
Để có thể ngăn ngừa tình trạng viêm chân răng sưng mủ, người bệnh cần đảm bảo việc vệ sinh sạch sẽ hàng ngày cũng như có lối sống lành mạnh với các bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, hạn chế hút thuốc và sử dụng các chất kích thích có thể gây tổn thương cho răng.
Mong rằng những thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng mưng mủ ở chân răng cũng như có các phương pháp điều trị, phòng ngừa thích hợp.