Bất cứ lý do nào dẫn đến thay đổi nồng độ pH ở môi trường âm đạo đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm âm đạo, nhất là viêm âm đạo do nấm Candida albicans. Khi bị viêm nhiễm âm đạo do nấm người bệnh cần lưu ý những gì, đâu là phương pháp điều trị bệnh viêm âm đạo hiệu quả? Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về bệnh trong bài viết này nhé!
Menu xem nhanh:
1. Viêm âm đạo do nấm là gì?
Thông thường ở môi trường âm đạo có độ pH cân bằng và khỏe mạnh thì nấm men Candida albicans chỉ tồn tại ở dạng bào tử và không gây bệnh. Khi môi trường âm đạo bị mất cân bằng, nấm Candida albicans gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và gây ra bệnh viêm nhiễm âm đạo do nấm.
Viêm nhiễm âm đạo do nấm Candida albicans phát triển quá mức sẽ gây ra kích ứng, viêm, ngứa, đau rát, tiết dịch khu vực âm đạo. Cụ thể:
– Khí hư ra nhiều bất thường, màu trắng và vón cục, bám vào nhau thành từng mảng
– Vùng âm đạo người bệnh có cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu
– Vùng âm đạo có cảm giác bỏng rát, đau rát khi đi tiểu, đặc biệt là đau rát khi quan hệ tình dục
– Trường hợp viêm âm đạo nặng có thể dẫn đến sưng tấy, phù nề âm hộ, môi lớn, môi bé và lan ra cả bẹn, đùi
Ngoài những triệu chứng khó chịu trên, viêm nhiễm âm đạo do nấm còn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lý và sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Đặc biệt, nếu viêm âm đạo để kéo dài và không điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm khác:
– Nhiễm khuẩn huyết
– Suy giảm hệ miễn dịch
– Ảnh hưởng chức năng sinh sản
2. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm âm đạo do nấm
Viêm nhiễm âm đạo do nấm Candida albicans có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến, bạn nên tránh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh:
– Vệ sinh âm đạo không đúng cách khiến âm đạo bị nhiễm trùng, do đó độ pH bị thay đổi tạo điều kiện cho nấm phát triển
– Thụt rửa âm đạo, dùng thuốc xịt âm đạo làm mất cân bằng môi trường âm đạo
– Sử dụng băng vệ sinh không đạt chuẩn, băng vệ sinh kém chất lượng
– Thường xuyên mặc đồ lót chật, ẩm ướt, đồ lót không thoáng mồ hôi, không thay đồ lót thường xuyên
– Quan hệ tình dục không được an toàn dẫn đến viêm nhiễm
Ngoài ra, một số người thuộc nhóm dưới đây cũng là đối tượng dễ bị viêm nhiễm, có nguy cơ mắc bệnh nấm âm đạo cao hơn bình thường:
– Phụ nữ sử dụng kháng sinh: thuốc kháng sinh ngoài tác dụng tiêu diệt những vi khuẩn gây hại thì những vi khuẩn có lợi trong âm đạo cũng bị thuốc tiêu diệt dẫn đến mất cân bằng môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho nấm phát triển và gây viêm nhiễm.
– Phụ nữ bị tăng nồng độ estrogen: khi nồng độ estrogen tăng nguy cơ viêm nhiễm cũng tăng cao. Nhóm phụ nữ có thể bị tăng nồng độ estrogen là phụ nữ có thai, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai estrogen liều cao, phụ nữ đang điều trị bằng liệu pháp thay thế nội tiết,…
– Phụ nữ bị suy giảm hệ miễn dịch (dùng thuốc corticosteroid, nhiễm HIV, tiểu đường,…) có nguy cơ bị viêm nhiễm âm đạo do nấm Candida albicans cao hơn bình thường.
– Người bị tiểu đường: một số nghiên cứu chỉ ra rằng khi lượng lượng glucose trong máu tăng cao sẽ khiến cho dịch âm đạo chứa nhiều glucose hơn. Lượng glucose dư thừa khiến cho tế bào nấm men có điều kiện sinh sôi và phát triển mạnh, từ đó gây ra tình trạng nấm âm đạo.
– Phụ nữ đang điều trị ung thư: phương pháp hóa trị hoặc xạ trị mà đối tượng đang sử dụng có thể làm giảm bớt lượng bạch cầu, mà bạch cầu lại là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát nấm men. Bạch cầu giảm, nấm men có điều kiện phát triển mạnh mẽ gây ra viêm âm đạo. Ngoài ra các loại thuốc điều trị ung thư cũng có thể làm hệ thống miễn dịch bị mất cân bằng và tăng nguy cơ âm đạo bị viêm nhiễm.
3. Phương pháp điều trị viêm nhiễm âm đạo do nấm
Phương pháp điều trị viêm âm đạo do Candida albicans phụ thuộc vào mức độ bệnh và tần suất nhiễm của người bệnh.
Thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc uống đơn liều với fluconazole hoặc dùng thuốc mỡ, thuốc đạn chứa miconazole/clotrimazole.
Nếu bệnh nhân đang có thai, việc sử dụng kem bôi hoặc thuốc đạn sẽ được ưu tiên chỉ định để đảm bảo an toàn.
Trong trường hợp phương pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả hoặc tình trạng nấm của bạn nặng, tái đi tái lại nhiều lần. Các bác sĩ sẽ xem xét đến một trong 3 chỉ định: điều trị dài ngày, sử dụng thuốc uống đa liều hoặc sử dụng liệu pháp kháng Azole cho người bệnh.
– Phương pháp điều trị dài ngày: Bác sĩ có thể sẽ kê toa cho người bệnh dùng thuốc chống nấm sử dụng hàng ngày trong thời gian 2 tuần liên tiếp, sau đó mỗi tuần dùng thuốc một lần trong 6 tháng tiếp theo.
– Sử dụng thuốc uống đa liều: Bác sĩ có thể sẽ kê cho bạn dùng hai hoặc ba liều thuốc uống chống nấm âm đạo.
– Liệu pháp kháng Azole: Bác sĩ cho bạn sử dụng thuốc dạng viên nang để đưa vào âm đạo, thuốc chỉ được chỉ định trong trường hợp nấm Candida albicans kháng với các thuốc chống nấm thông thường.
Bên cạnh điều trị theo chỉ định của bác sĩ, để tăng hiệu quả điều trị người bệnh nên tuân thủ lưu ý vệ sinh âm đạo sạch sẽ đúng cách, tránh tích tụ sự ẩm ướt ở âm đạo, mặc quần áo vải thấm hút, thay quần lót thường xuyên…
Nếu các triệu chứng vẫn còn nhiều hoặc trở nên trầm trọng hơn trong quá trình điều trị, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra chuyên sâu và hỗ trợ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.