Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO, để phòng bệnh do vi khuẩn Hib như viêm màng não mủ, viêm phổi,… các bậc phụ huynh nên cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 2 tuổi tiêm vacxin Hib. Cùng tham khảo bài viết dưới đây nhằm hiểu rõ hơn về loại vắc xin này.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về vi khuẩn Hib
1.1. Vi khuẩn Hib
Vi khuẩn Hib hay còn gọi là Haemophilus influenzae type b là một vi khuẩn gram âm, không di động và không sinh nha bào. Vi khuẩn này lan truyền qua không khí hoặc các tiếp xúc trực tiếp với phân. Haemophilus influenzae được chia thành hai chủng có vỏ và không vỏ, trong đó Haemophilus influenzae type b có vỏ PRP là yếu tố độc lực chính.
Vi khuẩn Hib gây ra các bệnh lý bao gồm:
– Viêm phổi.
– Nhiễm trùng máu.
– Viêm màng não.
– Viêm nắp thanh quản.
– Viêm mô tế bào.
– Viêm màng ngoài tim có mủ.
– Viêm nội tâm mạc.
– Viêm tủy xương.
Những trường hợp mắc bệnh do vi khuẩn Hib rất khó phân biệt về mặt lâm sàng so với việc mắc bệnh do những tác nhân khác.
1.2. Đối tượng nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn Hib
Tỉ lệ mắc bệnh do vi khuẩn Hib cao nhất ở các quần thể chưa tiêm vacxin Hib, đặc biệt là trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi.
Khi mới sinh, hệ thống miễn dịch của trẻ rất tốt nhờ kháng thể được nhận từ khi còn trong bào thai hay còn gọi là miễn dich thụ động. Tuy nhiên, miễn dịch thụ động không tạo được đề kháng lâu dài bởi những kháng thể này bắt đầu giảm mạnh trong 6 tháng kế tiếp. Trong khi đó, hệ thống miễn dịch của trẻ phải đến 3 – 4 tuổi mới hoàn thiện và cơ thể mới chủ động sản xuất đầy đủ kháng thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Điều đó có nghĩa trong khoảng từ 6 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn trống miễn dịch, trẻ nhạy cảm với vi khuẩn trong đó có Hib.
Trong số những bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn Hib, viêm màng não là bệnh phổ biến và khó phân biệt tác nhân gây bệnh nhất bởi những triệu chứng tương đồng gồm sốt, nhức đầu, sợ ánh sáng, cứng cổ, nôn và thay đổi trạng thái tâm thần. Trong trường hợp nặng có thể xuất hiện hôn mê và co giật. Trẻ sơ sinh mắc bệnh thường có những triệu chứng ít đặc trưng hơn như nôn, không muốn bú mẹ, khó chịu. Tỉ lệ tử vong của bệnh ở những nước đang phát triển có thể lên đến 40%, trong trường hợp sống sót có nguy cơ 15% bị biến chứng nặng lâu dài như tràn dịch não, bại não, động kinh, mù và điếc.
Bệnh phổ biến thứ hai gây ra bởi vi khuẩn Hib là nhiễm khuẩn huyết, chiếm khoảng 1/4 tất cả trường hợp mắc Hib xâm lấn.
2. Vacxin Hib: Loại vacxin, đối tượng sử dụng và phác đồ tiêm
Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ CDC, để đề phòng bệnh do vi khuẩn Hib, các bậc phụ huynh nên cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 2 tuổi tiêm vacxin Hib.
Trẻ em trên 5 tuổi và người trưởng thành không cần tiêm vacxin Hib, tuy nhiên vacxin Hib vẫn có thể được khuyến nghị cho trẻ lớn hoặc người trưởng thành mắc bệnh thiếu máu, bệnh hồng cầu hình liềm, trước khi cắt bỏ lá lách, sau khi ghép tủy xương hoặc người từ 5 – 18 tuổi nhiễm HIV.
2.1. Vacxin Hib dạng phối hợp
Hiện tại, đang lưu hành 2 loại vacxin phối hợp phòng bệnh do vi khuẩn Hib là:
– Vacxin Pentaxim 5 trong 1 với khả năng phòng 5 bệnh gồm ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi, viêm màng não do Hib.
– Vacxin Infanrix Hexa 6 trong 1 với khả năng phòng 6 bệnh gồm 5 bệnh trên và viêm gan B.
Cả 2 loại vacxin trên đều được khuyến cáo tiêm khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi. Ưu điểm lớn nhất của những loại vacxin Hib dạng phối hợp là chúng giúp giảm số mũi tiêm, hạn chế đau đớn cũng như tiết kiệm thời gian cho gia đình.
2.2. Vacxin Hib dạng đơn
Vacxin Quimi – Hib giúp đề phòng các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn Hib gây ra ở trẻ nhỏ như viêm màng não mủ, viêm mũi họng, thanh quản, viêm phổi, viêm xương tủy,… Vacxin Quimi – Hib bản chất là vacxin đơn, tức việc tiêm phòng Quimi – Hib chỉ giúp cơ thể chủ động tạo kháng thể đối với tác nhân xấu duy nhất là vi khuẩn Hib. Theo đó, phác đồ tiêm vacxin Quimi – Hib như sau:
– Trẻ dưới 1 tuổi: Thời điểm tiêm 3 mũi Quimi – Hib sẽ rơi vào mốc trẻ được 2 – 4 – 6 tháng tuổi, thời gian nghỉ giữa các mũi tiêm phải được đảm bảo không ít hơn 2 tháng.
– Trẻ 15 – 18 tháng tuổi: Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm mũi thứ 4 hay còn gọi là mũi nhắc lại, cần đảm bảo thời điểm tiêm cách mũi thứ 3 tối thiểu 2 tháng. Nếu trẻ được áp dụng chương trình tiêm chủng mở rộng, thời điểm này trẻ không cần tiêm thêm vacxin Quimi – Hib vì thành phần kháng nguyên của vi khuẩn Hib đã tích hợp sẵn trong vacxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.
– Trẻ trên 1 tuổi: Nếu vì bất kỳ lý do gì mà trẻ chưa thực hiện tiêm phòng, trong giai đoạn này trẻ cần được tiêm 1 mũi vacxin Quimi – Hib.
Trong tất cả trường hợp, vacxin Quimi – Hib phải được tiêm bắp. Vị trí tiêm phù hợp với trẻ dưới 2 tuổi là vùng trước bên đùi, với trẻ lớn hơn thì tiêm vào vùng cơ delta ở bắp tay.
Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay tiêm dịch vụ đều có các vacxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 (trong những loại vacxin này đã có sẵn thành phần đề phòng vi khuẩn Hib) do đó vacxin Quimi – Hib chủ yếu được sử dụng làm vacxin trong mũi tiêm nhắc lại cho trẻ trên 1 tuổi. Trong trường hợp trẻ trên 1 tuổi đã được tiêm mũi nhắc lại bằng vacxin 5 trong 1 hay 6 trong 1 thì không cần thực hiện tiêm vacxin Quimi-Hib.
2.3. Lưu ý
Một số điểm cần lưu ý khi thực hiện tiêm phòng cho trẻ là:
– Không chỉ định tiêm cho trẻ đã có tiền căn dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vacxin Hib.
– Cần theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút sau khi tiêm vacxin Hib.
– Địa điểm tổ chức tiêm phòng cần chuẩn bị sẵn adrenalin và corticosteroids để cấp cứu kịp thời trong trường hợp xuất hiện phản ứng quá mẫn hoặc sốc phản vệ.
– Đa số trường hợp vacxin Hib được ghi nhận dung nạp tốt, ít gây phản ứng phụ cho trẻ. Tuy nhiên một số trẻ sau khi tiêm có thể xuất hiện các triệu chứng tại chỗ như đau, mẩn đỏ, ngứa, sốt nhẹ, nổi ban, buồn nôn, khó chịu và chán ăn. Hầu hết những phản ứng này chỉ dừng lại ở mức độ nhẹ và tự biến mất sau vài ngày.
Trên đây là những thông tin về vacxin Hib. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy liên hệ Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp nhé.