Ung thư mỡ: Những thông tin quan trọng

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Minh Hương

Bác sĩ Ung Bướu

Ung thư mỡ là căn bệnh hẳn nghe mới lạ đối với chúng ta, tuy nhiên có căn bệnh này tồn tại. Đây cũng là căn bệnh hiếm gặp phát sinh từ các tế bào mỡ được tìm thấy trong các mô mềm. Cùng tìm hiểu chi tiết bệnh hình thành do đâu, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh ung thư mỡ là gì?

Ung thư mỡ (Liposarcoma) là một loại ung thư hiếm gặp phát triển trong mô mỡ. Khối u mỡ ác tính này có thể phát triển bất cứ đâu trong cơ thể, nhưng thường gặp ở các vị trí bao gồm bụng, đùi và phía sau đầu gối.

Bệnh ung thư mỡ là gì?

U mỡ ác tính là căn bệnh hiếm gặp, hay xảy ra ở người lớn tuổi là nam giới

2.1 Triệu chứng của bệnh ung thư mô mỡ

Triệu chứng của u mỡ ác tính phụ thuộc vào bộ phận cơ thể nơi ung thư hình thành.

Đối với ung thư mỡ xảy ra ở cánh tay và chân có thể sẽ gây ra các tình trạng:

– Cảm nhận khối mô đang phát triển dưới da

– Cảm thấy đau, sưng tấy xung quanh khối u

Đối với khối u mỡ ở bụng người bệnh có thể gặp các triệu chứng:

Đau bụng, sưng tấy

– Cảm giác no sớm hơn khi ăn

– Táo bón, đi ngoài ra máu

Hầu hết các khối u mỡ phát triển rất chậm và hiếm khi gây đau, người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trên cơ thể mình trừ khi nhận thấy một vết sưng lớn trên cánh tay hoặc chân và không bất biến, ngày càng lớn theo thời gian.

Triệu chứng và nguyên nhân của bệnh ung thư mô mỡ

Triệu chứng điển hình của ung thư mỡ là có vết sưng lớn, mà không biến mất. Mọi người nên cẩn trọng khi có những khối u cục sưng bất thường, nên đi thăm khám để xác định được nguyên nhân.

2.2 Nguyên nhân nào gây ra ung thư mỡ?

U mỡ ác tính xảy ra khi một số gen đột biến hoặc thay đổi khiến các tế bào mỡ nhân lên không kiểm soát hình thành khối u. Các nhà nghiên cứu đã xác định được ít nhất 20 đột biến gen khác nhau gây ung thư mỡ. Tuy nhiên lý do để biết tại sao các gen này đột biến chưa được xác định. Các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển của u mỡ ác tính:

– Xạ trị ung thư

– Tiếp xúc với các hóa chất tại nơi làm việc như vinyl clorua

– Hội chứng di truyền

– Nam giới từ độ tuổi 50 đến 65…

3. Mức độ nguy hiểm của khối u mỡ ác tính

Có nhiều loại ung thư mỡ, một số chẳng hạn như ung thư mỡ biệt hóa tốt (WDLS) hoặc u mỡ không điển hình ở các chi, có xu hướng phát triển chậm và không nguy hiểm đến tính mạng. Các loại khác chẳng hạn như ung thư mô mỡ dạng myxoid hoặc ung thư mô mỡ dạng biệt hóa (DDLS) có khả năng lây lan hoặc quay trở lại sau khi điều trị. U mỡ đa hình có thể rất hung dữ, phát triển nhanh chóng và lan rộng nhanh từ nơi bắt đầu đến các khu vực khác trên cơ thể.

4. Chẩn đoán và điều trị

4.1 Chẩn đoán xác định ung thư mô mỡ

Bác sĩ sẽ bắt đầu với khám lâm sàng, khai thác về các triệu chứng đang gặp phải, các vấn đề sức khỏe liên quan, bệnh sử… Sau đó người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm bao gồm:

Chụp cắt lớp vi tính (CT): Giúp xác định vị trí khối u bao gồm mức độ gần của chúng với các cơ quan chính và đánh giá kích thước khối u.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): Quét MRI giúp bác sĩ kiểm tra các dây thần kinh, mạch máu và các cơ gần đó có thể bị ảnh hưởng bởi u mỡ.

– Sinh thiết: Lấy mẫu mô từ khối u để kiểm tra tế bào khối u dưới kính hiển vi.

Xét nghiệm phân tử và di truyền : Những xét nghiệm này xác định loại u mỡ ác tính.

Chẩn đoán và điều trị ung thư mô mỡ

Chẩn đoán u mỡ ác tính thông qua CT Scan

4.2 Điều trị u mỡ ác tính như thế nào?

Việc điều trị ung thư mô mỡ phụ thuộc vào dạng ung thư, ung thư đã lan rộng hay không, nếu đã lan rộng thì đã đến cơ quan nào. Nhiều phương pháp điều trị được kết hợp để điều trị cho căn bệnh ung thư này, có thể là:

– Phẫu thuật loại bỏ khối u và các mô khỏe mạnh xung quanh, bao gồm cả các tế bào khối u cực nhỏ.

– Xạ trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật, đặc biệt nếu người bệnh mắc tình trạng u mỡ ác tính dạng myxoid. Xạ trị cũng có thể được thực hiện sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư mô mỡ tái phát.

– Hóa trị sử dụng thuốc gây độc tế bào để tiêu diệt ung thư, thuốc có thể dưới dạng đường uống hoặc tiêm qua tĩnh mạch. Không phải tất cả các loại ung thư mô mỡ đều nhạy cảm với hóa trị. Kiểm tra chi tiết các tế bào ung thư có thể xác định được liệu hóa trị có thể giúp ích người bệnh trong việc kiểm soát tế bào ác tính hay không. Hóa trị có thể được chỉ định để điều trị các khối u mỡ khi mà phẫu thuật không thể loại bỏ được chúng. Hoặc hóa trị cũng có thể được chỉ định sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư mỡ nào còn sót lại. Hoặc cũng có thể được sử dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u mỡ ác tính.

4.3 Một số lưu ý trong điều trị

Khi đã được chẩn đoán xác định mắc u mỡ ác tính, người bệnh cần suy nghĩ tích cực, tiếp nhận điều trị một cách thoải mái, chủ động đưa ra các câu hỏi cho bác sĩ để có thêm thông tin, kiến thức về căn bệnh này và làm thế nào để bản thân có cơ hội thoát bệnh hoặc có cuộc sống chất lượng. Nhìn chung người bệnh có thể:

– Cần nhiều hơn một cuộc phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc loại bỏ khối u tái phát.

– Cần điều trị bổ sung hoặc thay vì phẫu thuật nhiều lần, người bệnh có thể cần các phương pháp điều trị khác để có thể giữ cho khối u không lan rộng.

– Cần điều trị liên tục theo đúng lộ trình của phác đồ để kiểm soát được khối u.

– Cần theo dõi lâu dài, kể cả sau khi đã hoàn tất điều trị. Người bệnh cần đảm bảo các cuộc hẹn tái khám đúng lịch trình…

Trên đây là các thông tin chính về bệnh ung thư mỡ, hy vọng người bệnh có thêm thông tin hữu ích về căn bệnh hiếm gặp này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital