Triệu chứng của loét dạ dày – Cách điều trị và phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Phát hiện sớm các triệu chứng của loét dạ dày sẽ giúp việc điều trị và phục hồi bệnh dễ dàng hơn. Bên cạnh đó thì việc phát hiện bệnh sớm cũng giúp hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh loét dạ dày là gì?

Viêm loét dạ dày là bệnh lý phổ biến ở hệ tiêu hóa với đặc điểm là xuất hiện các tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Các triệu chứng của loét dạ dày khá đa dạng như: Đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn,…

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nếu bệnh không được điều trị sớm và đúng cách có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Loét dạ dày là bệnh lý phổ biến ở hệ tiêu hóa

Loét dạ dày là bệnh lý phổ biến ở hệ tiêu hóa

2. Nguyên nhân viêm loét dạ dày

Bệnh loét dạ dày có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân gây ra:

– Do nhiễm vi khuẩn HP: Vi khuẩn Helicobacter pylori có khả năng sống ở niêm mạc dạ dày và tiết ra độc tố gây ảnh hưởng tới dạ dày. Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

– Sử dụng thuốc giảm viêm, kháng đau thường xuyên: Các loại thuốc này nếu sử dụng trong thời gian dài gây ức chế chất bảo vệ niêm mạc gây ra viêm loét.

– Căng thẳng: Trạng thái stress, giận dữ, lo lắng khiến tăng tiết dịch vị dạ dày gây tổn thương niêm mạc tế bào.

– Chế độ ăn uống, sinh hoạt không tuân theo khoa học. Việc thường xuyên bỏ bữa, ăn uống thất thường, ăn quá no hoặc quá đói khiến dạ dày bị ảnh hưởng. Việc uống nhiều bia rượu, ăn đồ chua cay, chiên rán cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Giờ sinh hoạt, ngủ nghỉ thiếu lành mạnh cũng ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, trong đó có dạ dày.

– Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến còn các nguyên nhân do bệnh lý, tự miễn, hóa chất,…

Viêm dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Viêm dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

3. Các triệu chứng của loét dạ dày thường gặp

Theo nghiên cứu của Bộ Y Tế, phần lớn những người nhập viện do viêm loét dạ dày ở nước ta đều trong tình trạng nghiêm trọng, xuất hiện biến chứng gây khó khăn trong chữa trị. Vì vậy để khắc phục bệnh hiệu quả bạn cần nắm rõ các triệu chứng của loét dạ dày sớm.

3.1 Đau bụng vùng thượng vị

Đau bụng là dấu hiệu viêm loét dạ dày dễ nhận biết nhất. Người bệnh thường có cảm giác đau tức vùng bụng trên và âm ỉ lan ra sau lưng. Mức độ đau nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của viêm loét.

– Đau bụng âm ỉ: Người bệnh thường có cảm giác đau âm ỉ vùng trên rốn. Cơn đau không quặn thắt hoặc dữ dội như đau đại tràng nhưng khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống.

– Cơn đau xuất hiện theo chu kỳ. Một số người bệnh thường có cảm giác đau lúc ăn no, sau bữa ăn vài tiếng hoặc lúc bụng đói. Vi khuẩn HP gây kích thích sản sinh ra acid dạ dày. Vì vậy khi bụng đói thì lượng acid tiết ra nhiều nhưng không có thức ăn để thấm hút dịch acid dẫn tới đau nhức vùng bụng. Triệu chứng này sẽ giảm khi ăn các thức ăn có tính thấm hút: bánh mỳ, gạo rang,…Tuy nhiên vài tiếng sau khi ăn, acid dạ dày sẽ quay trở lại hoạt động ban đầu và gây đau nhức.

3.2 Buồn nôn và nôn ra máu

Buồn nôn và nôn là triệu chứng của loét dạ dày điển hình. Hiện tượng này xảy ra do các vết loét dạ dày gây đau khiến cho dạ dày phản xạ bằng cách thúc đẩy cơ vòng thực quản dưới giãn nở. Thức ăn bị đẩy ngược lên thực quản. Biểu hiện buồn nôn cho thấy chức năng co bóp và chuyển hóa thức ăn của dạ dày đã bị suy yếu. Sau khi nôn, người bệnh sẽ thấy đắng miệng do acid dạ dày trào ngược có kèm theo dịch mật. Việc nôn sẽ giúp tống thức ăn ứ đọng trong dạ dày ra ngoài khiến cơn đau giảm.

Nôn, buồn nôn trong thời gian dài có thể gây viêm loét thực quản, rách thực quản. Các vết loét ở dạ dày, thực quản sau khi liền sẽ để lại sẹo, hình thành mô gây tắc nghẽn đường chuyển hóa của thức ăn.

Dấu hiệu không thể bỏ qua của loét dạ dày là nôn ra máu. Nếu gặp hiện tượng này thì chứng tỏ tình trạng bệnh của bạn đang ở mức nghiêm trọng. Các vết loét đã ăn sâu và phá vỡ niêm mạc.

3.3 Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng rất hay gặp khi bị loét dạ dày. Người bệnh có thể bị táo bón xen kẽ đi ngoài. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do chức năng của dạ dày suy giảm, không còn hoạt động bình thường như trước.

3.4 Ợ hơi, ợ chua, ợ rát

Dạ dày bị loét khiến thức ăn không được tiêu hóa hết gây đầy hơi, chướng bụng. Thay vì hơi được tống ra khỏi cơ thể theo đường hậu môn thì chúng bị tích lại trong dạ dày. Dưới áp lực của cơ bụng, hơi được đẩy lên ống thực quản. Bên cạnh quá trình ợ hơi thì dịch acid tiết nhiều sẽ gây ra ợ chua.

3.5 Khối u trong dạ dày

Triệu chứng loét dạ dày nặng là xuất hiện các khối u trong dạ dày. Bạn có thể cảm nhận bằng cách dùng ngón tay sờ lên bụng. Khi sờ vào khối u bạn sẽ thấy bề mặt khối u không trơn nhẵn, có cảm giác căng cứng, khi ấn vào sẽ đau. Sự xuất hiện của khối u khiến bụng to bất thường. Ngay khi phát hiện dấu hiệu này bạn cần tới bệnh viện để thăm khám vì có thể đây là giai đoạn bệnh chuyển sang ung thư.

3.6 Ăn không ngon miệng, giảm cân đột ngột

Phần lớn các bệnh nhân thường gặp triệu chứng chán ăn, ăn không ngon miệng. Biểu hiện này xảy ra do các triệu chứng ợ chua, buồn nôn,…khiến người bệnh đắng miệng, mất vị giác.

Nếu bạn không ăn kiêng mà giảm cân đột ngột thì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp vấn đề về dạ dày. Dạ dày bị viêm loét sẽ khiến các hoạt động trở nên chậm hơn. Chất dinh dưỡng hấp thu kém hơn. Lâu dần cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất gây sút cân, suy nhược cơ thể.

Triệu chứng của loét dạ dày khá đa dạng

Triệu chứng của loét dạ dày khá đa dạng

4. Điều trị loét dạ dày

Việc điều trị loét dạ dày sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh. Các loại thuốc thường dùng trong điều trị loét dạ dày như:

– Kháng sinh trị vi khuẩn HP

– Thuốc bảo vệ niêm mạc

– Thuốc kháng và trung hòa acid

Bác sĩ cũng sẽ khuyến cáo người bệnh dừng uống các loại thuốc gây hại cho dạ dày, điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh căng thẳng,…

Bệnh nhân cũng nên ăn các đồ ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp,…Tránh các thực phẩm chứa nhiều acid, đồ chua cay, đồ ăn lạnh sẽ khiến bệnh tình càng thêm tồi tệ.

Khi bị đau, bệnh nhân cũng có thể uống một ít trà gừng ấm hoặc nghệ mật ong, sữa ấm loãng để hỗ trợ xoa dịu cơn đau.

5. Cần làm gì để phòng loét dạ dày

Để giúp phòng bệnh hiệu quả, chúng ta nên khắc phục từ các nguyên nhân gây bệnh.

– Ăn uống khoa học: Ăn ngủ đúng giờ, tránh ăn quá no hoặc bỏ bữa

– Hạn chế sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, đồ ăn chua cay

– Tăng cường tập luyện thể dục, tránh xa các trạng thái căng thẳng, lo âu

– Giữ vệ sinh trong ăn uống, nên sử dụng bát đũa riêng để tránh lây lan vi khuẩn HP

Chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ hỗ trợ các vết loét mau phục hồi

Chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ hỗ trợ các vết loét mau phục hồi

Trên đây là các triệu chứng của loét dạ dày phổ biến nhất. Mọi người nên chú ý tới các triệu chứng này giúp phát hiện sớm bệnh loét dạ dày để có hướng điều trị sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital