Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Thu Hằng

Bác sĩ Gây mê hồi sức

Những năm trở lại đây số lượng người mắc các bệnh về dạ dày ngày càng tăng. Đặc biệt độ tuổi mắc bệnh ngày có xu hướng trẻ hóa. Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ở mỗi người không giống nhau vì vậy bạn cần tìm hiểu rõ để giúp phát hiện bệnh sớm.

1. Các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày phổ biến 

Các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên cơn đau thường xuất hiện khi đói hoặc khi ăn quá no, lúc làm việc quá sức. 

Một số trường hợp bệnh tiến triển âm thầm, triệu chứng không rõ ràng dễ nên người bệnh dễ chủ quan. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân khi bị viêm dạ dày đều có những triệu chứng điển hình dưới đây. 

1.1 Đau bụng vùng thượng vị

Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày phổ biến là đau tức vùng bụng trên hay còn gọi là vùng thượng vị. Người bệnh thường có cảm giác đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Cơn đau đau tập trung nhất ở vùng bụng đến ngực đôi khi lan ra cả sau lưng. 

Đau bụng vùng thượng vị có tính chất cấp tính. Cơn đau  thường diễn ra theo đợt từ khoảng 1-2 tuần sau đó giảm dần và biến mất cho  đến đợt sau. 

1.2 Chướng bụng, khó tiêu, ăn uống kém 

Bệnh viêm dạ dày thường khiến bệnh nhân chán ăn. Nguyên nhân là dạ dày gặp vấn đề khiến chức năng hoạt động kém. Thức ăn khi đưa vào dạ dày tiêu hóa chậm dẫn tới đầy bụng khiến người bệnh không có cảm giác đói. 

1.3 Nôn, buồn nôn

Triệu chứng này không chỉ xuất hiện ở người bị viêm dạ dày mà các bệnh lý khác ở hệ tiêu hóa cũng như vậy. Người bệnh thường buồn nôn, nôn sau khi ăn. Dịch nôn kèm theo thức ăn và dịch vị dạ dày làm tổn thương niêm mạc thực quản. Bệnh nhân bị nôn nhiều còn dẫn tới mất nước, rối loạn điện giải, hạ huyết áp, trụy tim mạch,…

1.4 Ợ rát, ợ hơi là triệu chứng của bệnh viêm dạ dày

Đây là triệu chứng khá phổ biến khi bị viêm dạ dày. Bệnh nhân thường bị ợ hơi, ợ chua kèm theo triệu chứng đau rát vùng thượng vị. Thức ăn hoặc hơi thức ăn trào lên thực quản hoặc họng. 

1.5 Đi ngoài có lẫn máu

Niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng có thể gây ra xuất huyết hệ tiêu hóa. Dấu hiệu nhận biết là người bệnh đi ngoài ra phân có màu đen, màu hắc ín, lẫn máu. Tình trạng này kéo dài khiến bệnh nhân bị thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp,…Chảy máu dạ dày không được kiểm soát có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. 

Nếu chỉ dựa trên các triệu chứng thì rất khó xác định chính xác bệnh lý. Vì vậy mọi người cần nắm rõ các dấu hiệu đồng thời tới bệnh viện thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán. 

Đau thượng vị triệu chứng của bệnh viêm dạ dày

Đau thượng vị triệu chứng của bệnh viêm dạ dày

2. Các nguyên nhân gây ra bệnh viêm dạ dày phổ biến

Nguyên nhân gây viêm dạ dày cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Sở dĩ số lượng người bị viêm dạ dày ngày càng nhiều do một số nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt và ăn uống không khoa học. 

2.1 Ảnh hưởng của vi khuẩn

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ở hệ tiêu hóa trong đó có viêm dạ dày. Vi khuẩn HP sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sống trong lớp nhầy của dạ dày. Khi có điều kiện thuận lợi chúng sẽ sinh sôi và hoạt động mạnh mẽ.

Vi khuẩn HP tiết ra loại men có khả năng phá hủy lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc làm hoại tử tế bào dạ dày gây viêm loét. 

2.2 Tác dụng phụ của thuốc gây ra triệu chứng của bệnh viêm dạ dày

Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau và một số loại thuốc dùng trong điều trị xương khớp có thể gây ra các tác dụng phụ. Thành phần của  thuốc có thể gây ảnh hưởng và làm viêm loét dạ dày. Vì vậy bạn không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có yêu cầu của bác sĩ. Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc giảm đau bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn loại thuốc lành tính, ít gây ảnh hưởng tới dạ dày. 

2.3 Do thói quen ăn uống

Chế độ dinh dưỡng và ăn uống ảnh hưởng trực tiếp tới dạ dày. Nếu bạn thường xuyên ăn uống thất thường, bỏ bữa, ăn các đồ chua cay, uống nhiều bia rượu,…thì lớp niêm mạc dạ dày sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tình trạng này kéo dài không chỉ làm tăng nguy cơ mắc viêm dạ dày mà còn có thể dẫn tới ung thư dạ dày

2.4 Stress, đầu óc thường xuyên căng thẳng

Khi bạn bị stress sẽ khiến hệ thống thần kinh tắt các lưu lượng máu và kích thích dạ dày tiết ra nhiều dịch tiêu hóa. Trong dịch tiêu hóa có chứa rất nhiều acid để phục vụ cho quá trình tiêu hóa thức ăn. 

Khi dạ dày rỗng và tiếp xúc với hàm lượng acid trong dạ dày cao sẽ dẫn tới viêm loét trên một hoặc nhiều vùng. 

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh

3. Các biến chứng khi bị viêm dạ dày

Viêm dạ dày được đánh giá là bệnh không quá nguy hiểm và có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nặng nề. 

3.1 Xuất huyết dạ dày

Chảy máu dạ dày là một trong những biến chứng thường gặp nhất của viêm dạ dày mạn tính. Niêm mạc của dạ dày bị tổn thương nặng tới mức chảy máu. Dấu hiệu nhận biết là người bệnh có thể đi ngoài hoặc nôn ra máu. 

Trường hợp chảy máu dạ dày nặng có thể đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. 

3.2 Biến chứng thủng dạ dày 

Các ổ viêm loét theo thời gian sẽ bào mòn lớp niêm mạc tạo thành lỗ thủng. Người bệnh sẽ có một số dấu hiệu khi bị thủng dạ dày như: 

– Đau thượng vị dữ dội như có dao đâm

– Khó thở

– Bụng cứng đờ

– Toát nhiều mô hôi, người lạnh toát

– Huyết áp tụt 

– Mặt mũi tái xanh

Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu trên bạn nên tới bệnh viện ngay lập tức.

3.3 Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là biến chứng nguy hiểm nhất ở hệ tiêu hóa. Khi này trên bề mặt của niêm mạc dạ dày đã xuất hiện các khối u ác tính. Ung thư dạ dày là bệnh khá phổ biến và có nguy cơ di căn cao. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn thì việc điều trị thành công có xác xuất vô cùng thấp. 

Viêm dạ dày có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Viêm dạ dày có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

4. Chế độ dinh dưỡng cần nhớ khi bị viêm dạ dày

Viêm dạ dày là bệnh ở đường tiêu hóa vì vậy chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn. Xây dựng một chế độ ăn uống đúng cách và khoa học sẽ ngăn ngừa tiến triển của bệnh. 

4.1 Các nguyên tắc khi ăn uống

– Ăn thật chậm và nhai kỹ để gia tăng sự bài tiết nước bọt. Việc làm này giúp giảm gánh nặng lên dạ dày và trung hòa acid dạ dày

– Đồ ăn nên được thái nhỏ, nấu chín mềm

– Nên chia nhỏ bữa ăn để hạn chế tình trạng dạ dày rỗng 

– Thức ăn sau khi nấu chín cần được ăn luôn, tránh để thức ăn nhiều ngày

– Sau khi ăn nên nghỉ ngơi ít nhất nửa tiếng

4.2 Chế độ ăn 

Nhóm thực phẩm nên bổ sung trong bữa ăn hàng ngày

– Các loại rau xanh, trái cây tươi ( trừ các loại có vị cay và chua) 

– Thịt nạc, ức gà, cá,…

– Các loại ngũ cốc nguyên hạt

– Bổ sung chất đạm có nguồn gốc từ các loại thực vật

Các loại thực phẩm nên hạn chế ăn khi bị viêm dạ dày

– Đồ chiên rán chứa nhiều dầu mỡ, đồ đóng hộp

– Đồ uống có chất kích thích và cồn: Cafe, rượu bia, trà,…

– Các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ đông lạnh,…

Bổ sung đầy đủ nhóm dinh dưỡng giúp nâng cao sức đề kháng

Bổ sung đầy đủ nhóm dinh dưỡng giúp nâng cao sức đề kháng

Hiểu rõ về các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày sẽ góp phần giúp bạn phát hiện bệnh sớm. Bệnh viêm dạ dày được điều trị sớm sẽ có cơ hội khỏi hoàn toàn và ngược lại nếu phát hiện muộn thì việc điều trị vô cùng khó khăn. Viêm dạ dày là bệnh rất dễ tái nhiễm vì vậy mọi người cần có ý thức giữ gìn sức khỏe. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital