Đau thắt ngực là một triệu chứng bệnh động mạch vành điển hình. Có 2 loại đau thắt ngực phổ biến là ổn định và không ổn định với vị trí đau, tính chất đau, thời gian đau mà mức độ nguy hiểm khác nhau. Cùng tìm hiểu và phân biệt 2 loại đau thắt ngực này để nhận biết và điều trị sớm nhé.
Menu xem nhanh:
1. Đau thắt ngực – Triệu chứng bệnh động mạch vành điển hình
Các triệu chứng của bệnh động mạch vành rất đa dạng, xảy ra khi có sự thiếu hụt máu đến nuôi dưỡng cơ tim do động mạch vành bị thu hẹp.
Các triệu chứng của bệnh mạch vành gồm:
– Đau thắt ngực
– Đánh trống ngực, cảm thấy tim đập nhanh hơn bình thường
– Khó thở
– Đau hoặc đầy bụng
– Buồn nôn, nôn
– Chóng mặt
– Vã mồ hôi lạnh
– Ho khan
Trong đó, đau ngực là triệu chứng điển hình nhất của các bệnh nhân mắc bệnh mạch vành. Tuy nhiên không phải lúc nào cơn đau thắt ngực cũng biểu hiện giống nhau. Dựa vào đặc điểm các cơn đau, đau thắt ngực được chia thành 2 loại chính là: đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định.
2. Cách phân biệt các cơn đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định đều là những biểu hiện và căn cứ để xác định bệnh động mạch vành nhưng chúng khác nhau về tính chất cơn đau, thời gian đau và mức độ nguy hiểm.
2.1 Đặc điểm các cơn đau thắt ngực
– Đặc điểm của cơn đau thắt ngực ổn định
Các cơn đau thắt ngực ổn định thường xảy ra ở vùng sau của xương ức. Cảm giác đau thắt ngực thường được mô tả như có gì bóp chặt, đè nặng sau xương ức hoặc phía ngực trái. Đau có thể lan sang vai, lên quai hàm dưới, cổ hoặc ra phía trong tay trái. Một số trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy đau ở bên phải, vùng thượng vị, khiến nhiều người nhầm lẫn thành cơn đau dạ dày cấp.
Những cơn đau ngực ổn định thường diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.
– Đặc điểm của cơn đau thắt ngực không ổn định
Cơn đau thắt ngực không ổn định thường có các biểu hiện đặc trưng sau:
Cảm giác đau nhói bên ngực trái, phía tim
Đau lan ra cánh tay, ra phía sau xương ức hoặc lên cổ hoặc hàm
Cơn đau đột ngột nhưng dai dẳng với xu hướng ngày càng tăng lên và thường kéo dài trên 15 phút
Trong cơn đau kèm theo các biểu hiện: chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, khó thở, đánh trống ngực, choáng váng, vã mồ hôi lạnh ở vùng đầu, cổ…
2.2 Nguyên nhân gây các triệu chứng bệnh động mạch vành này
Cơn đau thắt ngực ổn định xuất hiện do sự hẹp cố định động mạch vành và các mảng xơ vữa mạch vành ổn định. Cụ thể khi mạch vành bị hẹp, lưu lượng máu đến nuôi cơ tim sẽ bị giảm và dẫn đến triệu chứng đau ngực.
Trong khi đó, đau thắt ngực không ổn định là một dạng của hội chứng mạch vành cấp. Cơn đau xuất hiện do sự giảm đột ngột của dòng máu mạch vành đến nuôi cơ tim. Nguyên nhân của tình trạng này thường là nứt vỡ mảng xơ vữa dẫn đến bít tắc đột ngột toàn bộ hoặc một phần lòng mạch. Đây là tình huống nguy hiểm, bệnh nhân cần được cấp cứu khẩn cấp.
2.3 Hoàn cảnh xuất hiện và cách khắc phục
Đau thắt ngực ổn định thường xuất hiện lặp đi lặp lại khi người bệnh gắng sức hoặc chịu gánh nặng tâm lý đến 1 mức độ nào đó. Với những trường hợp này, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi điều độ thì động mạch vành sẽ cung cấp đủ nhu cầu oxy của cơ tim và làm giảm hẳn các cơn đau.
Ngược lại, những cơn đau thắt ngực không ổn định có thể xảy ra đột ngột ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi, tâm lý thoải mái. Cơn đau thường xuất hiện và gây ra đau đớn về đêm và gần sáng. Cơn đau không giảm ngay cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi, đã ngừng gắng sức hoặc sử dụng thuốc giãn mạch.
2.4 Mức độ nguy hiểm của các loại đau ngực trong triệu chứng bệnh động mạch vành
Các cơn đau thắt ngực không ổn định vô cùng nguy hiểm, bởi có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh có thể tử vong đột ngột hoặc gánh chịu những di chứng nặng nề về sau nếu không cấp cứu kịp thời.
Các triệu chứng của cơn đau ngực thắt ngực không ổn định thường dữ dội, kéo dài hơn so với cơn đau thắt ngực ổn định. Các cơn đau sẽ xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ tăng dần và có thể trở nên tồi tệ hơn trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Các cơn đau thắt ngực ổn định tuy không gây nguy hiểm ngay nhưng cũng là tín hiệu cảnh báo bệnh mạch vành mà bạn cần chú ý. Bởi nếu đau thắt ngực do bệnh mạch vành không được nhận biết và điều trị sớm có thể trở thành đau thắt ngực ổn định do sự phát triển và nứt vỡ của các mảng xơ vữa.
Vì vậy, dù đau ngực với triệu chứng nào, bạn cũng nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi có dấu hiệu đau thắt ngực, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành một số thăm dò cần thiết để xem có phải bạn bị bệnh mạch vành hay không như: làm nghiệm pháp gắng sức, Holter điện tim, siêu âm Doppler tim, chụp CT động mạch vành…
3. Có phải cứ đau thắt ngực là mắc bệnh động mạch vành?
Các chuyên gia tim mạch cho biết 90% các trường hợp đau ngực là do bệnh mạch vành, tuy nhiên, không phải trường hợp nào đau ngực cũng có nguyên nhân từ bệnh này. Một số bệnh lý cũng có biểu hiện đau ngực gồm:
– Bệnh về phổi
– Cơn trào ngực dạ dày kịch phát
– Đau dây thần kinh liên sườn
– Zona thần kinh
Một số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mạch vành không có biểu hiện đau ngực, mà thay vào đó là các dấu hiệu mệt mỏi, đau bụng, khó thở,… Thường gặp nhất ở người bệnh đái tháo đường, phụ nữ mang thai và người già.
Bởi vậy, không nên chủ quan trước bất cứ triệu chứng bệnh động mạch vành nào. Khi có những bất thường dù là nhỏ nhất, hãy chủ động thăm khám sớm với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị sớm.