Trong quá trình nuôi trẻ, rất nhiều cha mẹ phân vân về việc: không biết trẻ sơ sinh có cần uống nước hay không? Bên cạnh đó, cũng có nhiều cha mẹ cho con uống nước “tráng miệng” sau khi bú. Vậy cho trẻ uống thêm nước có tác hại gì hay không? Hãy cùng tìm hiểu điều này trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
Trẻ sơ sinh có cần uống nước?
Rất nhiều gia đình vẫn cho rằng trẻ không chỉ cần bú sữa mà còn cần uống nước để tránh làm khô môi, để “tráng miệng” sau khi bú… Nhưng trên thực tế, trẻ sơ sinh không cần và cũng không nên uống nước!
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, do thận của trẻ sơ sinh còn yếu khiến khả năng làm việc vẫn chưa hoàn thiện. Sữa mẹ đã cung cấp một lượng nước đầy đủ, việc uống thêm nước chỉ khiến lượng nước trong cơ thể bé bị dư thừa và dễ giải phóng natri ra ngoài cơ thể. Nếu bé uống quá nhiều nước, bé có nguy cơ mất càng nhiều natri và gây ra tình trạng nhiễm độc nước rất nguy hiểm.
Triệu chứng của việc nhiễm độc nước bao gồm: bé hay cáu kỉnh, quấy khóc, thường rơi vào trạng thái ngủ lơ mơ và có các dấu hiệu thay đổi tâm thần khác do não bộ bị ảnh hưởng khi thiếu natri trong máu. Ngoài ra bé có thể có các triệu chứng khác như thân nhiệt thấp, mặt bị sưng phù, co giật.
Bên cạnh đó, việc cho bé uống nước cũng khiến bé có cảm giác no và không muốn bú sữa, khiến bé bị thiếu chất, chậm lớn. Nếu nguồn nước không đủ an toàn với trẻ, trẻ còn có thể mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa.
Các chuyên gia cho biết: cha mẹ không cần lo lắng việc trẻ không được cung cấp đủ lượng nước yêu cầu bởi sữa mẹ hoàn toàn là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và đầy đủ nhất cho trẻ trong giai đoạn từ 0 – 6 tháng tuổi. Đối với trẻ uống sữa công thức, cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ theo công thức ghi sẵn trên hộp và không tự ý cho trẻ uống các thức uống khác.
Nếu còn lo lắng bé khát nước, mẹ có thể cho bé bú ngay để cung cấp lượng nước kịp thời. Ngoài ra, việc cho trẻ bú càng nhiều, cơ thể mẹ sẽ càng tiết nhiều sữa để cung cấp cho nhu cầu của bé. Trẻ bú sữa nhiều cũng sẽ có được một hệ miễn dịch tốt, được bảo vệ và phát triển khỏe mạnh hơn.
Khi nào có thể cho trẻ uống nước?
Sau 6 tháng, khi bé bắt đầu ăn dặm cha mẹ có thể cho bé bổ sung thêm một lượng nước hợp lý để bé làm quen (lưu ý bé có thể không uống ngay mà phun nước phì phì như một trò chơi – điều này là bình thường và không có vấn đề gì hết bởi đây là thức uống hoàn toàn mới lạ với trẻ).
Bên cạnh đó, do trẻ còn uống sữa mẹ nên nhu cầu về nước khá ít, cho trẻ uống nước trong giai đoạn này sẽ giúp làm sạch khoang miệng, bổ sung nước tránh táo bón… Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên cho trẻ uống quá 50 – 100 ml/ ngày.
Khi trẻ từ 1 tuổi trở lên có thể uống nước theo nhu cầu. Cha mẹ chỉ cần lưu ý:
– Không cho trẻ uống nước trước bữa ăn để tránh làm loãng dịch vị, có hại cho hệ tiêu hóa và làm trẻ lười ăn. Tốt nhất nên tạo thói quen cho trẻ uống nước sau khi ăn.
– Không cho trẻ uống nhiều nước trước khi đi ngủ để tránh tè dầm, làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
– Ở giai đoạn này, trẻ vẫn cần được ưu tiên ăn nhiều hơn uống nước để đảmbảo đủ dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển.