Menu xem nhanh:
1. Miếng dán hạ sốt có tác dụng gì?
Miếng dán để hạ sốt thực chất là miếng dán lạnh. Có thành phần chủ yếu là hydrogel, không tan trong nước, hút một lượng nước khá lớn ở vùng da được dán miếng dán, hấp thụ nhiệt và phân tán ra ngoài tại vùng da này, không có tác dụng toàn thân. Tổ chức y tế thế giới cũng khuyến cáo không sử dụng biện pháp chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ. Hơn nữa việc hạ sốt cho trẻ phải thực hiện hạ sốt toàn thân chứ không phải chỉ riêng một bộ phận.
Chúng chỉ có tác dụng làm mát trong một khoảng thời gian ngắn nhất định, sau đó vùng da được dán miếng dán sẽ nhanh chóng trở lại nhiệt độ ban đầu tức là trẻ vẫn có thể sốt.
Hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh được miếng dán giúp hạ sốt có thể thay được thuốc trong điều trị sốt cho trẻ em. Vì vậy, phụ huynh không nên chỉ dùng miếng dán thay thế cho thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt.
Biện pháp đúng khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C là cho con uống thuốc hạ sốt loại paracetamol. Đây là loại thuốc hạ sốt an toàn vì nếu dùng hạ sốt ibuprofen trong trường hợp bé bị sốt xuất huyết sẽ gây nguy hiểm cho con. Do đó paracetamol nên được sử dụng để hạ sốt cho con khi bé sốt từ 38,5 C độ, còn sốt dưới 38,5 độ C thì chưa cần cho con uống thuốc hạ sốt.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên áp dụng các biện pháp như|: mặc quần áo thoáng mát, cho con uống nhiều nước (bú nhiều với trẻ vẫn còn bú mẹ), lau nước ấm ở các vị trí cổ, nách, bẹn để giúp bé hạ nhiệt (hạ sốt).
2. Tác hại khi sử dụng miếng dán giúp hạ sốt
Không phải là sản phẩm chữa bệnh, không thể thay thế được thuốc hạ sốt. Nếu lạm dụng có thể gây ra nhiều tác hại không tốt cho sức khỏe của trẻ:
2.1. Tác dụng ít
Do chỉ có tác dụng nhất thời, hạ sốt một vùng cụ thể (khu vực có dán miếng dán) nên không hạ sốt toàn thân cho bé. Hơn nữa, miếng dán để hạ sốt chủ yếu là chườm lạnh, Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo là không nên sử dụng chườm lạnh khi bé bị sốt vì không đem lại hiệu quả.
2.2. Gây biến chứng nặng
Nhiều phụ huynh “đinh ninh” dùng miếng dán để hạ sốt trẻ sẽ “đỡ sốt” nên trong những trường hợp trẻ sốt quá cao mà mẹ chỉ dùng miếng dán để hạ sốt sẽ không có tác dụng, điều này càng làm chậm trễ việc dùng thuốc hạ sốt, gây nguy hiểm cho trẻ, bé có thể phải đối diện với nguy cơ bị co giật và biến chứng về não.
2.3. Kích ứng da
Da trẻ vốn rất mỏng manh và nhạy cảm, rất dễ bị kích ứng bởi một số thành phần trong miếng dán có thể gây dị ứng da của bé.
2.4. Ảnh hưởng tới hệ hô hấp
Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, hệ hô hấp chưa thực sự hoàn thiện, một số loại miếng dán có thành phần menthol. Những trẻ sốt do viêm phổi, việc dùng miếng dán giúp hạ sốt khiến hệ hô hấp của trẻ càng tổn thương do phải hoạt động nhiều hơn, gây khó khăn cho bác sĩ trong việc điều trị.
3. Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa nhi
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai Khoa – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc:
– Tuyệt đối không dùng miếng dán giúp hạ sốt khi trẻ bị dị ứng hoặc sốt do viêm phổi.
– Không được lạm dụng và không được dùng trong thời gian dài.
– Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C cần cho con uống thuốc hạ sốt loại paracetamol theo đúng liều lượng. Đồng thời áp dụng các biện pháp như mặc quần áo thoáng; lau ấm các vị trí cổ, nách, bẹn; cho bé uống nhiều nước (tăng cường bú với những trẻ vẫn đang bú mẹ).
– Nếu trẻ không giảm sốt, mẹ hãy cho con đi thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa nhi, để bé được chẩn đoán, phát hiện nguyên nhân gây sốt và có biện pháp điều trị phù hợp.