Trẻ bị sốt kéo dài: Nguyên nhân và cách xử trí

Tham vấn bác sĩ

Hệ miễn dịch còn non yếu nên việc bị sốt, bị ốm vặt là điều bình thường ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sốt kéo dài liên tục quá 3 ngày không khỏi thì lại đáng lo ngại. Nguyên nhân trẻ sốt kéo dài là gì và cách xử trí như thế nào? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

1. Triệu chứng trẻ bị sốt kéo dài

Trẻ bị sốt kéo dài - Biểu hiện trẻ bị sốt kéo dài

Trẻ sốt quá 3 ngày không khỏi kèm theo các triệu chứng khác

Thân nhiệt bình thường của trẻ nhỏ từ 36,5 – 37,5 độ C. Khi bị sốt, mức nhiệt có thể tăng lên 38 – 39 độ C và kèm theo một số triệu chứng khác. Sốt kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, mất nước, thậm chí nếu để sốt cao dẫn tới co giật sẽ vô cùng nguy hiểm.

Một số biểu hiện khi trẻ sốt kéo dài như sau:

– Khi đo nhiệt độ thấy thân nhiệt trẻ tăng so với bình thường, kéo dài quá 3 ngày không hạ.

– Trẻ bị đau đầu hay đau nhức toàn thân.

– Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc liên tục.

– Sắc mặt trẻ nhợt nhạt, cáu kỉnh hơn bình thường.

2. Nguyên nhân tại sao trẻ bị sốt kéo dài?

Nguyên nhân sốt kéo dài ở trẻ có thể là phản ứng bình thường sau tiêm phòng hay do các bệnh nhiễm virus, vi trùng gây ra. Một số bệnh cảm sốt thông thường như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng… cũng có thể là các bệnh nghiêm trọng như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não…

1.1. Trẻ sốt kéo dài do nhiễm virus

Vì hệ miễn dịch còn yếu, trẻ dễ dàng bị các loại virus tấn công gây sốt kéo dài. Tình trạng sốt do virus gây ra thường chấm dứt sau 5 – 7 ngày. Một số loại virus gây sốt kéo dài ở trẻ như sau:

– Virus cúm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây sốt ở trẻ nhỏ. Khi nhiễm virus cúm, đầu tiên trẻ bị nghẹt mũi, sau đó hắt hơi, ho khan, đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi, kèm theo sốt nhẹ từ 37,5 – 38 độ C. Nếu tình trạng nặng hơn, trẻ sốt cao, khó chịu, chán ăn, quấy khóc.

– Virus sởi: Trẻ nhỏ cũng dễ mắc bệnh sởi, triệu chứng cơ bản là sốt cao liên tục, ho nhiều và mạnh, mắt đỏ, chảy nước mũi. Đến ngày thứ 4 phát bệnh sẽ xuất hiện ban đỏ toàn thân.

– Virus Rubella: Đây là virus gây bệnh sốt phát ban ở trẻ, thời gian ủ bệnh có thể lên tới 2 tuần. Khi phát bệnh, trẻ sẽ sốt nhẹ kéo dài kèm theo viêm đường hô hấp trên, nổi hạch ở cổ, sau tai và vùng chẩm. Tiếp theo sẽ xuất hiện ban đỏ thành từng nốt nhỏ hay thành cụm, không đau, không ngứa.

– Virus sốt xuất huyết: Trẻ sẽ sốt cao đột ngột, kéo dài từ 2 – 7 ngày kèm theo các chấm hay mảng xuất huyết dưới da. Khi bệnh nặng hơn, trẻ sẽ bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, thậm chí chảy máu nội tạng.

– Virus bệnh tay – chân – miệng: Ngoài sốt kéo dài, khi bị tay – chân – miệng trẻ sẽ xuất hiện các nốt phồng rộp ở bàn tay, bàn chân, sau đó lan đến bên trong miệng. Việc này khiến trẻ đau khi ăn, chán ăn, mệt mỏi, quấy khóc nhiều.

– Virus thủy đậu: Ban đầu, trẻ sẽ sốt kéo dài, đau đầu, đau toàn thân, xuất hiện các nốt ban đỏ. Các nốt này dần trở nên phồng rộp, phỏng nước, bắt đầu ở mặt, ngực và lưng, sau đó lan đến khắp cơ thể; sau 2- 3 ngày các nốt sẽ khô lại, bị đóng vảy. Tình trạng mọc mụn nước chia thành nhiều đợt khác nhau. Bệnh thủy đậu có thể phòng tránh nhờ tiêm vắc xin.

1.2. Trẻ sốt kéo dài do nhiễm vi trùng

Không chỉ virus, các loại vi trùng cũng là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ hay bị sốt kéo dài. Một số bệnh do vi nhiễm vi trùng có thể kế đến như viêm họng – viêm amidan, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu…

– Viêm họng, viêm amidan: Trẻ bị sốt cao đột ngột tới 39 – 40 ̊C và sốt kéo dài. Các triệu chứng đi kèm là đau họng, đau khi nuốt, khàn tiếng, ho khan, mệt mỏi, viêm tấy hạch vùng cổ.

– Viêm đường hô hấp như viêm phổi, viêm khí quản…: Trẻ sẽ có triệu chứng ho có đờm, ho ra máu, đau ngực, khó thở… đi kèm với sốt kéo dài.

– Viêm đường tiết niệu như viêm bàng quang, viêm cầu thận…: Trẻ xuất hiện triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục hay hồng, phù – đau thắt lưng kèm theo sốt kéo dài.

– Viêm gan, mật: Triệu chứng điển hình là sốt cao kéo dài, vàng da, vàng mắt và đau ở vùng gan.

– Viêm màng não: Trẻ sốt kéo dài liên tục kèm đau đầu, đau dữ dội, buồn nôn, nôn vọt, nôn nhiều liên tục, cổ cứng, cổ không cử động được. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến co giật, liệt nửa người, hôn mê, lúc này dễ để lại biến chứng nghiêm trọng cho hệ thần kinh.

– Nhiễm trùng máu: Đây là bệnh nguy hiểm, trẻ sốt kéo dài liên tục, chán ăn, nôn tất cả, ngủ li bì, mạch nhanh, nhịp thở nhanh bất thường có thể phát ban…

1.3. Trẻ sốt kéo dài do các nguyên nhân khác

Trẻ bị sốt có thể do bị sốt rét, thương hàn hay do bệnh lao. Triệu chứng cụ thể như sau:

– Bệnh sốt rét: Trẻ bị sốt cao kéo dài, người rét run làm thế nào cũng không đỡ, mồ hôi đầm đìa, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ toàn thân.

– Bệnh thương hàn: Trẻ bị sốt cao kéo dài liên tục hơn 5 ngày kèm theo nôn mửa, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.

– Bệnh lao: Trẻ sốt kéo dài liên tục, ho nhiều, ho ra máu, biếng ăn, sụt cân, dùng kháng sinh thường không khỏi.

3. Nên làm gì khi trẻ bị sốt kéo dài?

Thấy con bị sốt cao kéo dài, quấy khóc liên tục, mệt mỏi, chán ăn, phụ huynh nào cũng lo lắng không yên. Trong tình huống này, phụ huynh nên đưa con đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn phương hướng điều trị hiệu quả, chấm dứt tình trạng này. Ngoài ra, ba mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau đây, cũng sẽ giúp cải thiện tình trạng:

Trẻ bị sốt kéo dài - Cách đo nhiệt độ cho bé

Sử dụng nhiệt kế kẹp nách để đo nhiệt độ cho trẻ thường xuyên.

Xác định rõ thân nhiệt trẻ: Sử dụng nhiệt độ kẹp nách để đo nhiệt độ, không nên dùng nhiệt độ điện tử. Phải kẹp sát nhiệt độ vào nách trẻ tối thiểu 3 phút, thân nhiệt của trẻ là số hiện trên nhiệt độ cộng thêm 0,3 – 0,4 độ C.

– Nếu thân nhiệt từ 37 – 37,5 độ C: Hạ nhiệt cho bé bằng cách nới lỏng hoặc cởi bớt quần áo, tuyệt đối không đắp chăn, đo nhiệt độ tối thiểu 1 tiếng/ lần.

– Nếu thân nhiệt cao từ 38 – 38,5 độ C: Hạ nhiệt cho trẻ bằng cách cởi bớt quần áo; chườm nước ấm vào các vị trí trán, cổ, nách và bẹn; lau toàn thân bằng nước ấm; cho bé uống thuốc hạ sốt thông thường. Thực hiện liên tục cho tới khi thân nhiệt hạ xuống còn 37,5 độ C.

– Nếu thân nhiệt trên 38,5 độ C trở lên: Cho trẻ uống paracetamol theo đúng liều lượng, cân nặng ghi trên chỉ định trong tờ hướng dẫn hoặc theo đúng chỉ định của dược sĩ, bác sĩ; không tự ý điều chỉnh liều lượng. Nếu trẻ không uống được thuốc hoặc uống vào nôn hết thì sử dụng thuốc đặt hậu môn.

– Cho trẻ uống nhiều nước: Điều này cũng giúp giảm thân nhiệt, chống mất nước. Có thể cho trẻ uống nước bình thường hoặc tốt hơn là nước hoa quả tươi để bổ sung vitamin.

– Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xác định rõ nguyên nhân và có cách điều trị đúng nhất.

Chú ý: Ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế khi phát hiện các triệu chứng như sau:

– Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt kéo dài.

– Sốt kéo dài quá 3 ngày liên tục, dùng thuốc vẫn không hạ.

– Sốt quá cao 40 – 41 độ C (vừa dùng thuốc hạ sốt vừa đưa đi viện ngay).

– Sốt kèm theo ngủ li bì, nôn, thở gấp, thở yếu, khó thở, tiêu chảy, phân thấy máu.

– Trẻ hay buồn ngủ, buồn ngủ bất thường, ngủ nhiều, ngủ sâu, khó lay tỉnh.

– Sắc mặt nhợt nhạt, da hơi tái xanh.

– Sở thấy bàn tay, bàn chân bé lạnh băng.

– Trẻ yếu hơn bình thường, quấy khóc liên tục, phát ra tiếng kêu the thé

– Trẻ tức ngực, khó thở, buồn nôn hoặc nôn mửa.

– Xuất hiện các nốt phát ban toàn thân.

4. Không nên làm gì khi trẻ bị sốt kéo dài?

Khi trẻ sốt kéo dài, sốt mãi không hạ, phụ huynh nào cũng tìm đủ mọi cách hạ sốt cho con. Tuy nhiên, cần bình tĩnh, tỉnh táo, tránh thực hiện một số điều sau đây:

– Không tự ý dùng thuốc tại nhà nếu trẻ bị dị ứng.

– Không tự ý dùng thuốc tại nhà nếu trẻ có tiền sử bị viêm gan, vàng da, tắc mật.

– Trẻ dưới 6 tuổi không được dùng thuốc cảm cúm.

– Không tự ý cho trẻ sử dụng Aspirin vì có thể gây hội chứng Reye.

– Tuyệt đối không dùng nước lạnh, nước đá lau người cho trẻ.

– Không sử dụng cồn hay rượu lau người hạ sốt cho trẻ.

– Tuyệt đối không cho trẻ uống nước chanh.

– Không sử dụng cùng lúc thuốc hạ sốt và thuốc đặt hậu môn sẽ gây quá liều.

– Không giật tóc, vỗ vào người trẻ khi có biểu hiện co giật.

5. Phòng ngừa sốt kéo dài ở trẻ như thế nào?

Trẻ bị ốm sốt thường do các bệnh nhiễm virus, vi trùng gây ra. Do đó, để phòng bệnh, phụ huynh nên thực hiện một số điều sau đây:

– Tiêm đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

– Vệ sinh sạch sẽ cho bé hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Người lớn che miệng, quay đi chỗ khác khi hắt hơi và ho.

– Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm cho bé: Chọn nguồn cung cấp đảm bảo, rửa sạch trước khi chế biến.

– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn đủ chất để hệ miễn dịch của trẻ mạnh mẽ hơn.

Trẻ bị sốt kéo dài- cách phòng tránh trẻ bị sốt kéo dài

Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch

Trên đây là những thông tin phụ huynh cần nắm rõ khi trẻ bị sốt kéo dài. Dù rất lo lắng, sốt ruột, phụ huynh cần nhớ rõ những điều nên làm và không nên làm để hạ sốt cho bé, tuyệt đối không nghe theo lời khuyên không có căn cứ, tránh khiến bệnh nặng thêm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital