Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh nếu không có biện pháp khắc phục, trẻ có thể phải đối mặt với tình trạng gầy xanh, không tăng cân và dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy khi trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thực quản, ba mẹ tuyệt đối không nên chủ quan.

Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh

Chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh thường gặp ở những tháng đầu đời, điển hình là trẻ <1 tuổi và dân gian thường gọi là “trớ”. Đây là tình trạng trẻ nôn ran sau khi ăn bột hoặc bú sữa có hiện tượng nôn ói ra ngoài.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh
Hình ảnh mô tả hiện trào ngược dạ dày thực quản. (ảnh minh họa)

Một số nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh:

Hệ tiêu hóa của trẻ còn kém

Trẻ sơ sinh trong những năm tháng đầu đời hệ tiêu hóa còn chưa ổn định, giai đoạn này rất nhạy cảm nên khả năng hấp thu dưỡng chất trong sữa còn hạn chế, từ đó gây nên tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.

Dạ dày chưa sẵn sàng thực hiện chức năng

Thực quản (ống dẫn thức ăn) nối miệng và dạ dày của trẻ có một van điều khiển ở vòng thực quản dưới. Khi trẻ bú, vòng này nở ra cho phép sữa đi qua, sau đó đóng lại để giữ sữa trong dạ dày. Ở trẻ em, vòng thực quản chưa được hoàn thiện khiến cho axit và sữa trong dạ dày có thể trào ngược lên trên thực quản khiến trẻ quấy khóc và khó chịu.

Sai lầm khi chăm sóc trẻ

Phần lớn trẻ bị nôn “trớ” là do bố mẹ cho trẻ bú quá nhiều, khi vừa cho bú xong thì lại đặt trẻ nằm xuống hoặc cho trẻ dùng một số thức ăn không phù hợp. Tư thế bú không đúng, sữa và không khí trong dạ dày cùng dâng lên, qua tâm vị trào ngược lên thực quản và ra ngoài. Những sai lầm đó gây nên chứng trào ngược dạ dày (trớ sữa sinh lý – GER). Tuy nhiên, nếu tình trạng trên kéo dài sẽ dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày bệnh lý (GERD).

Biểu hiện trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh

Biểu hiện bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh nếu không có biện pháp khắc phục, trẻ có thể phải đối mặt với tình trạng gầy xanh, không tăng cân và dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp. (ảnh minh họa)

Trẻ sơ sinh khi mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản thường nôn trớ, kèm theo một hoặc một số triệu chứng sau đây:

  • Nôn ói nhiều đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi.
  • Ho
  • Nghẹn, khó nuốt thức ăn
  • Thở khò khè
  • Ăn kém, chậm tăng cân
  • Đau bụng

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản kéo dài nếu không được điều trị bé có thể bị khàn tiếng, hen suyễn, mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn… Bệnh kéo dài để lại nhiều biến chứng, đầu tiên là tình trạng viêm thực quản với các mức độ khác nhau, trong đó nặng nề nhất là barret thực quản có thể dẫn đến ung thư.

Cách chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

Ba mẹ nên hiểu tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở bé là trào ngược dạ dày thực quản sinh lý hay là trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý. Từ đó có biện pháp xử trí thích hợp.

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày, thực quản nếu không đỡ ba mẹ nên cho bé đi thăm khám với bác sĩ để có biện pháp xử trí tốt nhất. (ảnh minh họa)

Đối với trào ngược dạ dày thực quản sinh lý

Nếu trẻ chị bị trào ngược dạ dày thực quản trong một thời gian ngắn, vài tháng đầu đời chúng có thể khỏi dần theo thời gian. Tuy nhiên ba mẹ nên chú ý cách chăm sóc để giảm bớt triệu chứng của trẻ và khiến con dễ chịu hơn như:

  • Đối với trẻ bú mẹ: Nên cho bú bầu vú bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải). Sau đó, chuyển bé sang bú bầu bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.
  • Đối với trẻ bú bình: Để đầu núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng. Khi bú xong, bế trẻ cao đầu trong 15-20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Không để trẻ bú nằm dễ bị sặc, trớ sữa và không tâng bé lên xuống sau khi bú.

Khi trẻ bú ba mẹ không nên trêu đùa, khiến bé cười dễ gây sặc sữa và nôn trớ. Không nên ép trẻ ăn quá nhiều, chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết. Thời gian tối thiểu giữa hai lần bú là 2 giờ, tối đa là 4-5 giờ.

Đối với trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý

Khi trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và tìm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử trí tốt nhất cho con.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital