Trào ngược dạ dày độ b: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản được phân thành nhiều cấp độ. Trong đó trào ngược dạ dày độ b ở giai đoạn thứ 3, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Tìm hiểu về các cấp độ của bệnh trào ngược dạ dày

– Trào ngược dạ dày là tình trạng trào ngược của dịch dạ dày bao gồm acid, dịch mật, men tiêu hóa, thức ăn… lên trên thực quản. Các chất dịch này sẽ tác động đến niêm mạc thực quản gây ra viêm loét với hàng loạt các triệu chứng khó chịu và có thể gây biến chứng nguy hiểm.

– Trào ngược dạ dày tiến triển theo nhiều cấp độ, từ nhẹ đến nặng. Việc phân chia các cấp độ trào ngược giúp đánh giá cụ thể tình trạng của từng bệnh nhân để có phương pháp điều trị hiệu quả. Theo đó, bệnh trào ngược dạ dày được phân thành 5 cấp độ là: Trào ngược độ 0, độ A, độ B, độ C và độ D.

Trào ngược dạ dày độ B là cấp độ đã bắt đầu gây nên những biến chứng nguy hiểm, việc tìm hiểu kỹ về nguyên nhân, triệu chứng sẽ giúp người bệnh nâng cao “cảnh giác” với căn bệnh này hơn.

trào ngược dạ dày độ b

Bệnh trào ngược dạ dày tiến triển qua 5 cấp độ từ nhẹ đến nặng: độ 0, độ A, độ B, độ C và độ D

2. Tìm hiểu về trào ngược dạ dày độ b

2.1. Trào ngược dạ dày độ b có những triệu chứng gì?

– Hình ảnh nội soi cho thấy ống thực quản có nhiều vết viêm loét, vết trợt niêm mạc kích thước lớn, có chiều dài trên 5mm nằm rải rác. Đặc biệt, các vết loét có thể ăn sâu xuống lớp cơ, thành thực quản.

– Tần suất các lần trào ngược nhiều hơn, người bệnh luôn phải đối diện với cảm giác nóng rát rất khó chịu.

– Các vết loét ở thực quản làm cho việc nuốt thức ăn có cảm giác đau và vướng ở cổ họng, người bệnh có thể bị nghẹn do thực quản co rút lại. Triệu chứng này rất điển hình và xuất hiện thường xuyên khi trào ngược dạ dày độ b.

– Người bệnh thường xuyên bị đau âm ỉ ở vùng thượng vị, cơn đau có thể xuất hiện vào bất cứ thời gian nào và kéo dài rất lâu

2.2. Trào ngược dạ dày độ b gây ra biến chứng nguy hiểm gì?

Trào ngược dạ dày độ B là hậu quả của việc bỏ lỡ thời điểm lý tưởng để chữa trị khi bệnh mới khởi phát ở giai đoạn nhẹ. Nếu tiếp tục chủ quan không có cách điều trị phù hợp, bệnh  sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

– Biến chứng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Các vết loét theo thời gian sẽ tăng dần về kích thước và mức độ xâm lấn gây chảy máu thực quản, hẹp thực quản, Barrett thực quản, loạn sản tế bào niêm mạc gây ung thư thực quản.

– Biến chứng ảnh hưởng đến hệ hô hấp: Acid dịch vị dạ dày có thể trào ngược đi vào thanh quản và phổi gây viêm đường hô hấp, viêm amidan, viêm phổi, ho kéo dài…

Diễn biến bệnh trào ngược dạ dày sẽ tiến triển đi qua từng giai đoạn, từ trào ngược cấp độ 0 đến trào ngược cấp độ D, giai đoạn sau sẽ nặng hơn và nguy hiểm hơn hơn giai đoạn trước. Nếu bạn lỡ bỏ qua thời gian chữa bệnh tốt nhất ở trào ngược cấp độ A, hãy tích cực điều trị trong giai đoạn trào ngược cấp độ B để ngăn chặn biến chứng đáng tiếc.

biến chứng của trào ngược dạ dày độ b

Nếu không được điều trị, trào ngược dạ dày độ b sẽ tiến triển nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, loét thực quản…

3. Điều trị trào ngược dạ dày cấp độ B như thế nào?

Để điều trị trào ngược dạ dày độ B, bạn cần:

– Đi khám chuyên khoa tại các bệnh viện uy tín để xác định chính xác tình trạng bệnh, biến chứng (nếu có). Đặc biệt lưu ý, người bệnh uống thuốc theo đơn, không tự ý thêm bớt thuốc và thay đổi thời gian sử dụng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.

– Tuân thủ hoàn toàn đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ về việc sử dụng thuốc cũng như các hướng dẫn về thay đổi lối sống.

4. Những nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày

– Trào ngược dạ dày do hậu quả của nhiễm HP dương tính, dẫn đến viêm loét dạ dày. Các bệnh lý dạ dày khiến dạ dày tăng co bóp và tăng sản xuất acid, đồng thời ảnh hưởng đến tâm vị tạo điều kiện cho các loại dịch trong dạ dày dễ dàng trào ngược lên.

– Thói quen ăn uống, sinh hoạt không tốt cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến trào ngược. Nếu bạn thường xuyên ăn đồ cay, đồ nóng, đồ chua, đồ nhiều dầu mỡ, thiếu rau xanh… và ăn quá no, ăn quá nhanh, hay ăn khuya sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày làm tăng nguy cơ trào ngược.

– Lạm dụng thuốc tây y như thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh hay thậm chí cả thực phẩm chức năng, thuốc tránh thai… cũng đều gây hại cho gan và dạ dày. Những thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ, làm bạn bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày… tăng nguy cơ trào ngược hơn.

– Những áp lực trong công việc và cuộc sống, học tập kéo dài, không được cân bằng khiến dạ dày tăng tiết dịch acid, thúc đẩy co bóp dạ dày mà khiến tâm vị mở rộng dẫn đến trào ngược. Ngoài ra việc căng thẳng kéo dài khiến bạn thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, thức ăn tồn đọng trong dạ dày quá lâu sinh ra nhiều hơi cũng là lý do dẫn đến trào ngược.

– Trào ngược dạ dày độ A nếu như không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ tiến triển đến giai đoạn nặng hơn là trào ngược dạ dày độ B.

5. Phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản bằng cách nào?

5.1. Điều bạn nên làm

– Bạn nên tăng cường bổ sung vào bữa ăn những thực phẩm có tính trung hòa acid như bột ngũ cốc, yến mạch, bánh mì…

– Bổ sung đạm dễ tiêu thông qua thịt động vật lạc, bỏ mỡ bỏ dạ, thịt thăn lợn, thịt ức gà…

– Bổ sung thêm nhiều chất xơ chứa trong các loại đậu đỗ, rau xanh…

– Nên ăn sữa chua hàng ngày vì nó tốt cho hệ tiêu hóa, tuy nhiện không được ăn sữa chua lúc bụng đói…

– Có thể sử dụng các bài thuốc dân gian tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa từ nghệ, mật ong…

– Chú ý đến vận động thân thể, tránh ngồi một chỗ quá lâu…

– Đến gặp bác sĩ ngay khi có những bất ổn về dạ dày để kịp thời thăm khám, chữa trị…

chế độ ăn

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ từ rau xanh tươi tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa

5.2. Điều bạn không nên làm

– Từ bỏ ngay các thói quen không tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa như ăn quá no, ăn khuya, thức khuya, nằm và vận động ngày sau ăn, mặc quần áo quá chật…

– Không nên tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, đồ hộp…

– Từ bỏ ngay thói quen hút thuốc lào, thuốc lá, uống bia rượu và đồ uống có gas, có đường…

– Hạn chế các suy nghĩ tiêu cực để tránh bị căng thẳng, trầm cảm…

Bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cơ bản về trào ngược dạ dày độ b, cũng như nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày nói chung. Đây là căn bệnh rất phổ biến và cũng dễ tái phát, do đó tuân thủ điều trị và thay đổi các thói quen ăn uống, sinh hoạt có ý nghĩa quan trọng giúp bạn có một dạ dày khỏe!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital