Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không và giải pháp điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Tình trạng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản được gọi là trào ngược dạ dày. Người bệnh cần cảnh giác vì bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản (hay trào ngược axit dạ dày) là tình trạng dịch dạ dày trào ngược từng lúc hoặc thường xuyên lên thực quản.

Hiện tượng trào ngược sinh lý thường không ảnh hưởng đến sinh hoạt và phát triển thể chất của cơ thể. Tuy nhiên, trào ngược bệnh lý diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra suy dinh dưỡng (ở trẻ em), viêm thực quản, suy giảm chức năng hô hấp và một số biến chứng khác, thậm chí tử vong.

Trào ngược dạ dày là gì

Dịch dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra chứng trào ngược axit

2. Trào ngược dạ dày gây ra các biến chứng nguy hiểm nào?

Để hoàn thành nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn, dạ dày tiết ra axit axit hydrochloric HCl giúp hoạt hóa enzyme pepsin để tiêu hóa protein. Axit này rất mạnh, các cơ quan không có cơ chế bảo vệ như niêm mạc dạ dày sẽ bị tổn thương khi tiếp xúc với dịch dạ dày. Niêm mạc sẽ bị ăn mòn, gây viêm nhiễm, xơ sẹo và dính, nặng nhất là ung thư.

Trào ngược dạ dày dẫn đến các biến chứng cụ thể như sau:

2.1. Viêm, loét thực quản

Axit dạ dày khi trào ngược thường xuyên sẽ làm tổn thương và gây viêm niêm mạc thực quản. Điều này dẫn đến các triệu chứng khó nuốt, nuốt đau, đau ngực, đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, nôn, chán ăn.

2.2. Hẹp thực quản

Thực quản bị viêm lâu dần sẽ bị xơ hóa, làm co rút và hẹp thực quản.

2.3. Trào ngược dạ dày gây Barrett thực quản

Barrett thực quản là tình trạng mô vảy ở vùng thấp thực quản bị biến đổi thành mô dạng cột với các tế bào giống như ở ruột. Đây là kết quả của sự tiếp xúc liên tục của lớp lót thực quản với axit dạ dạ dày, gây ra bởi tình trạng trào ngược axit lên thực quản.

Các tế bào đã bị biến đổi tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư thực quản. Chính vì vậy, những người mắc Barrett thực quản nên thực hiện nội soi dạ dày định kỳ để kiểm tra và phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư.

Trào ngược dạ dày gây Barrett thực quản

Barrett thực quản là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư thực quản

2.4. Ung thư thực quản

Đây là biến chứng đặc biệt nghiêm trọng của trào ngược dạ dày, mà Barrett thực quản là yếu tố nguy cơ chính. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản do trào ngược axit dạ dày bao gồm: nuốt nghẹn, đau dai dẳng sau xương ức, khàn tiếng, ho kéo dài, đau ngực, đôi khi có hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả hai bên.

Người bệnh sút cân nhanh chóng sau một thời gian mắc bệnh, có thể sút nhiều hơn 5kg trong vòng một tháng. Đồng thời, da khô sạm, nổi rõ nếp nhăn, đặc biệt nếp nhăn nổi rõ trên mặt và hai bàn tay.

2.4. Các biến chứng ngoài thực quản

Trào ngược axit có thể gây viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản hay viêm phổi do một lượng axit trào lên đường hô hấp trên. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể bị viêm tai, mòn răng, viêm tuyến giáp

3. Các nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thường gặp

Các nguyên nhân của bệnh trào ngược có thể đến từ thực quản, dạ dày và các cơ quan khác trong cơ thể.

3.1. Nguyên nhân do thực quản

Suy cơ thắt dưới thực quản

Cơ thắt dưới thực quản nối với dạ dày, giãn mở khi nuốt, sau đó sẽ co thắt và đóng kín, dịch dạ dày không thể trào ngược lên thực quản. Khi trương lực cơ bị giảm khiến dịch dạ dày trào ngược lên, dịch nhầy thực quản và nước bọt sẽ trung hòa axit dịch vị; đồng thời nhu động thực quản sẽ đẩy dịch này xuống lại dạ dày. Tuy nhiên, khi cơ thắt dưới thực quản bị suy giảm, hiện tượng trào ngược dạ dày sẽ diễn ra, làm tổn thương niêm mạc thực quản.

Suy cơ thắt thực quản gây ra bởi rối loạn nhu động thực quản, giảm tiết nước bọt (do hút thuốc lá…), các chất caffeine, rượu, thực phẩm nhiều mỡ, một số loại thuốc,…

Thoát vị hoành

Cơ hoành là “cánh cổng thành” vùng bụng, phân chia phần ổ bụng và khoang ngực. Cơ hoành co làm tăng sức mạnh cho cơ thắt dưới thực quản, ngăn ngừa chứng trào ngược. Khi bị thoát vị hoành, cơ hoành không còn nằm cùng mức với cơ thắt thực quản, không thống nhất trong hoạt động nên dễ gây ra trào ngược.

Nguyên nhân trào ngược dạ dày

Trào ngược axit có nguyên nhân từ thực quản, dạ dày hoặc các cơ quan khác trong cơ thể

3.2. Nguyên nhân tại dạ dày

Tình trạng trào ngược có thể đến từ nguyên nhân ứ đọng lại thức ăn tại dạ dày. Các chất trong dạ dày lưu thông chậm xuống ruột, tăng áp lực trong dạ dày, gây ra bởi chứng viêm dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị…

Áp lực ổ bụng tăng đột ngột khi ho, hắt hơi hoặc gắng sức cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh trào ngược.

3.3. Một số nguyên nhân khác

– Tăng tiết cortisol: Cortisol làm tăng axit và trương lực co bóp của dạ dày, đẩy dịch dạ dày trào ngược lên thực quản.

– Căng thẳng thường xuyên: Làm rối loạn nhu động thực quản, khiến cho cơ thắt thực quản trở nên nhạy cảm. Tình trạng giãn mở cơ xảy ra thường xuyên trong thời gian dài khiến dịch vị trào ngược lên thực quản.

– Thói quen ăn uống không lành mạnh: Ăn đồ ăn nhanh, đồ chiên rán; ăn quá no; ăn khuya; ăn hoa quả có tính axit khi đói;… sẽ gây áp lực là làm suy yếu cơ thắt thực quản, gây đóng mở bất thường, dẫn đến trào ngược.

– Những yếu tố bẩm sinh: Cơ thắt thực quản dưới yếu, sa dạ dày, thoát vị cơ hoành, chấn thương… Trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ thường được cho là hiện tượng bình thường với dấu hiệu điển hình là nôn trớ. Tình trạng này ở trẻ sẽ giảm dần khi lớn hơn và sẽ mất hẳn khi trưởng thành.

– Béo phì: Dạ dày và cơ thắt thực quản dưới chịu áp lực từ cân nặng khiến trương lực yếu đi, vì thế dễ dẫn đến chứng trào ngược hơn.

4. Cần làm gì để cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày?

Để phòng tránh và cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên xây dựng cho bản thân một chế độ ăn uống – sinh hoạt khoa học và lành mạnh.

4.1. Những việc nên làm khi bị trào ngược dạ dày

– Sử dụng các thực phẩm có khả năng trung hòa axit như các sản phẩm từ tinh bột (bột ngũ cốc, bột yến mạch, các loại bánh mì,…) giúp hạn chế sự bào mòn của axit trong dạ dày.

– Sử dụng thực phẩm có chất đạm dễ tiêu như thịt vịt, thịt lợn nạc, thịt lợn thăn,…

– Bổ sung chất xơ có trong các loại đậu như: đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu Hà Lan,…

– Ăn nhiều sữa chua bổ sung lợi khuẩn, giúp tăng hiệu quả tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng. Lưu ý rằng không nên ăn sữa chua lúc đói bụng.

– Sử dụng các thực phẩm hỗ trợ chữa trị có nguồn gốc thiên nhiên như: Nghệ, mật ong,…

– Tăng sức đề kháng, tránh béo phì bằng cách tập thể dục thể thao, hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo,…

– Thăm khám tiêu hoá định kỳ để kiểm soát hiệu quả sức khoẻ dạ dày – thực quản, phát hiện sớm bệnh và có biện pháp chữa trị kịp thời.

Thăm khám trào ngược dạ dày

Thăm khám tiêu hoá định kỳ là phương pháp hữu hiệu để phát hiện và điều trị các bệnh lý dạ dày

4.2. Những việc không nên làm

– Không nên duy trì các thói quen xấu như: Thức khuya, ăn quá no, nằm sau khi ăn,…

– Hạn chế tối đa các chất kích thích (rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…)

– Hạn chế sử dụng các loại đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các loại,…

– Hạn chế việc sử dụng các loại thực phẩm chứa hàm lượng axit cao như: Đồ ăn cay nóng, nước có ga, các loại quả chua (chanh, quất, dứa,…).

Có thể thấy các biện pháp cải thiện chứng trào ngược rất dễ để thực hiện nếu có sự kiên trì. Tất cả mọi người dù đang có bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay không đều nên thực hiện để bảo vệ hệ tiêu hóa và sức khỏe bản thân.

Như vậy, trào ngược dạ dày là căn bệnh thường gặp, nếu kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy xây dựng thói quen sinh hoạt – ăn uống điều độ, khoa học và chủ động thăm khám, nội soi tiêu hóa định kỳ để ngăn ngừa các nguy cơ của chứng trào ngược cũng như các bệnh lý tiêu hóa nói chung.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital