Menu xem nhanh:
1. Các thành phần trong máu có chức năng gì?
Máu gồm hai thành phần chính là tế bào máu (bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu) và huyết tương.
Bạch cầu: Có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện các yếu tố gây bệnh.
Hồng cầu: Chứa huyết sắc tố, có khối lượng nhiều nhất, hồng cầu đảm nhận chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và nhận CO2 từ mô lên đào thải ở phổi.
Tiểu cầu: Có chức năng tham gia cầm máu tạo các cục máu đông để bịt miệng vết thương.
Huyết tương có màu vàng, thành phần chủ yếu là nước, ngoài ra còn chứa các chất quan trọng như albumin, kháng thể, đường, vitamin,…
2. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu cho biết điều gì?
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu là một trong những xét nghiệm cơ bản nhất trong xét nghiệm lâm sàng được thực hiện thường quy, để đánh giá sức khỏe tổng thể và phát hiện các rối loạn trong cơ thể.
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu gồm đếm số lượng các loại tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong mỗi ml máu, đo kích thước tế bào hồng cầu và tính toán kích thước trung bình của chúng, xác định tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu có chứa trong máu, định lượng hemoglobin trong tế bào hồng cầu… cho biết một số vấn đề sau:
2.1. Đếm tế bào hồng cầu, hemoglobin và hematocrit
Nếu các số đo trong ba chỉ số này thấp hơn bình thường, bạn bị thiếu máu. Thiếu máu gây ra mệt mỏi, suy nhược,… có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu trong đó bao gồm thiếu một số vitamin, sắt, mất máu hoặc một số bệnh tiềm ẩn.
Nếu một trong ba chỉ số này cao hơn bình thường có thể bạn đang gặp phải một số bệnh như đa hồng cầu hoặc bệnh tim.
2.2. Đếm tế bào bạch cầu
Số lượng tế bào bạch cầu thấp có thể được gây ra bởi một số tình trạng như rối loạn tự miễn phá hủy các tế bào bạch cầu, các vấn đề về tủy xương hay ung thư hoặc do tác dụng của một số thuốc.
Số lượng bạch cầu cao có thể do bạn bị nhiễm trùng hoặc viêm, rối loạn hệ thống miễn dịch, do cơ thể phản ứng với thuốc…
2.3. Đếm tiểu cầu
Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Khi xảy ra chảy máu, các tiểu cầu phình lên, kết cụm lại với nhau và hình thành một nút chặn giúp cầm máu, nếu có quá ít tiểu cầu sẽ dẫn đến chảy máu không kiểm soát được.
3. Khi nào bạn nên thực hiện tổng phân tích tế bào máu?
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu nhằm mục đích sau:
– Để tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược, sốt, bầm tím hoặc sụt cân;
– Để kiểm tra xem mình có bị thiếu máu không;
– Để kiểm tra một số bệnh: bạch cầu, nhiễm trùng, đa hồng cầu…;
– Để kiểm tra phản ứng của cơ thể với một số loại thuốc điều trị hay xạ trị;
– Để sàng lọc trước khi phẫu thuật;…
4. Những điều cần lưu ý trước khi thực hiện tổng phân tích tế bào máu
Hãy nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà mình đang dùng vì rất có thể một số loại thuốc sẽ ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm này.
Mang thai thường làm cho số lượng tế bào hồng cầu thấp và ít gặp hơn là số lượng tế bào bạch cầu cao.
Số lượng tế bào bạch cầu hoặc nồng độ của một số loại chất béo quá cao có thể làm cho giá trị của hemoglobin cao giả tạo.
Tiến hành thêm các xét nghiệm khác để làm rõ nguyên nhân bởi vì những bất thường trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.