Theo thống kê của WHO, ung thư xương được xếp vào nhóm gây tỷ lệ tử vong cao nhất. Bệnh tiến triển từ từ và thường không có triệu chứng rõ ràng. Chính vì vậy, tầm soát ung thư xương là cách tốt nhất để phòng tránh hiệu quả căn bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tổng hợp kiến thức về bệnh lý ung thư xương và phương pháp tầm soát hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư xương là gì?
Cơ thể của chúng ta có tới 206 chiếc xương với độ dài ngắn khác nhau. Tất cả các xương được liên kết với nhau tạo thành 1 bộ xương hoàn chỉnh có chức năng nâng đỡ, bảo vệ cơ thể của con người nhằm tránh khỏi những va chạm và hạn chế tối đa các chấn thương.
Ung thư xương là khối u ác tính có xuất phát từ những tế bào của xương, trong đó thường gặp nhất là ung thư liên kết tạo xương và tạo sụn. Bệnh ung thư này có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó đối tượng hay gặp nhất là thiếu niên và thanh niên, đặc biệt là trong độ tuổi từ 12 đến 20 (nam giới gặp nhiều hơn so với nữ giới).
1.1 Dấu hiệu ung thư xương
Ung thư xương sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Mỗi giai đoạn lại có những biểu hiện riêng:
Ở giai đoạn đầu, ung thư xương sẽ có một số biểu hiện như:
- Đau mỏi chân tay, đặc biệt là người trẻ ở độ tuổi 30 hoặc 40
- Đau xương và có cảm giác vùng xương nào đó ấm hơn so với những vùng còn lại
- Các chi yếu hơn, tê hoặc đau nhức
Ở giai đoạn ung thư đã tiến triển người bệnh thường xuất hiện những dấu hiệu:
- Mệt mỏi, sút cân không và có dấu hiệu sốt nhẹ
- Dấu hiệu đau xương tăng dần và có sử dụng thuốc giảm đau nhưng không cảm thấy đỡ
- Vị trí xương bị bệnh sưng to
- Gãy xương không phải do chấn thương
1.2 Nguyên nhân gây ung thư xương
Ung thư xương có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó các nguyên nhân chủ yếu bao gồm:
- Rối loạn di truyền: Do các tác nhân bên trong cơ thể liên quan đến các quá trình phân bào có gen biến dị.
- Do chấn thương: Trên thực tế thì có một số ung thư xương đã được hình thành tại các vùng da bị va đập hoặc gãy (đặc biệt là ở vùng đầu trên xương chày).
- Do một số bệnh về xương gây nên như: Bệnh paget của xương, loạn sản cơ xương,…
- Do bức xạ ion hóa: Việc tiếp xúc với tia phóng xạ trong một khoảng thời gian dài cũng là một trong những nguyên nhân gây nên ung thư xương.
2. Những điều cần biết khi tầm soát ung thư xương
Tầm soát ung thư xương được xem là một trong những biện pháp hiệu quả giúp đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của người bệnh đồng thời phát hiện ung thư xương ngay cả khi chưa có dấu hiệu của bệnh. Trường hợp phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và chi phí điều trị. Vậy đối tượng nào nên tầm soát ung thư xương và phương pháp nào giúp tầm soát hiệu quả?
2.1 Đối tượng nên tầm soát ung thư xương
Ung thư xương có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, do đó về mặt lý thuyết ai cũng nên đi tầm soát ung thư. Tuy nhiên một số đối tượng dưới đây nên tham gia sàng lọc (tầm soát) ung thư xương:
- Mắc hội chứng di truyền gen: Những người mắc hội chứng Fraumeni hoặc u nguyên bào võng mạc di truyền sẽ có nguy cơ mắc ung thư xương cao hơn so với người bình thường khác.
- Bệnh Paget xương: Đây là một chứng rối loạn bất thường ở phần cấu trúc xương. Thường trong quá trình hình thành và xây dựng cấu trúc xương các tế bào cũ sẽ được thay thế bởi những tế bào mới. Tuy nhiên nếu mắc Paget xương thì khả năng thay thế sẽ bị ngăn cản khiến cho nhiều tế bào xương mới không kịp để thay thế những tế bào xương cũ. Về lâu dài những phần xương này sẽ dễ bị yếu và gãy.
- Những người làm việc hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường phóng xạ.
2.2 Các phương pháp tầm soát ung thư xương
Sàng lọc ung thư xương có rất nhiều các phương pháp khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay:
- Xét nghiệm máu: Đây là bước đầu tiên cần thực hiện khi đánh giá ung thư xương. Nồng độ phosphatase kiềm (ALP) và nồng độ lactate dehydrogenase (LDH) có trong xét nghiệm máu sẽ là một trong những căn cứ để giúp các bác sĩ xác định nguy cơ ung thư.
- Chụp X-Quang: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tiên thường được các bác sĩ chỉ định khi người bệnh bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đau xương. Thông qua X-Quang các bác sĩ có thể xác định được số lượng cũng như vị trí của những tổn thương ở xương.
- Chụp cắt lớp vi tính: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này giúp phát hiện được u xương, kích thước hình dạng và vị trí chính xác của khối u (nếu có).
- Chụp MRI: Bên cạnh việc phát hiện được khối u thì phát hiện tình trạng xâm lấn tủy hay là các mô xung quanh.
- Sinh thiết xương: Từ các vị trí phát hiện các tổn thương các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu và đem đi sinh thiết xem đó có phải khối u ác tính hay không. Đây cũng là phương pháp không thể thiếu trong tầm soát bệnh lý ung thư xương.
Ngoài ra, trong quá trình tầm soát bệnh ung thư xương các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng và tiến hành thêm một số các xét nghiệm như: Chụp xạ hình xương, chụp PET/CT, xét nghiệm mô tế bào… để chẩn đoán được chính xác tình trạng của người bệnh.
3. Lưu ý khi tham gia tầm soát
Khi tham gia sàng lọc ung thư xương bạn nhất định phải chú ý những điều sau:
- Đặt lịch thăm khám: Hãy đặt lịch trước để đảm bảo quá trình thăm khám được diễn ra nhanh chóng và thuận tiện.
- Mặc quần áo rộng rãi thoải mái: Có thể trong quá trình tầm soát bạn sẽ phải thay một đồ, do đó hãy mặc quần áo thoải mái để quá trình thăm khám diễn ra thuận lợi hơn.
- Nhịn ăn trong vòng từ 6 – 8 tiếng trước khi tiến hành một số xét nghiệm
- Không sử dụng các chất kích thích hoặc chứa cồn trước khi thăm khám
- Lựa chọn cơ sở thăm khám uy tín để tham gia tầm soát
Ung thư xương được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, do vậy để phòng tránh bệnh này hiệu quả thì thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ là điều vô cùng cần thiết. Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi năm nên thăm khám từ 1 – 2 lần. Do vậy, hãy chủ động thăm khám để bảo vệ sức khỏe của mình bạn nhé.