Tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) là một bệnh mãn tính của đường hô hấp, gây ra sự tắc nghẽn và viêm nhiễm tại đường thở. Bệnh lý này thường phát triển dần và không có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát và cải thiện bằng việc hiểu về bệnh và những biện pháp phòng ngừa. Qua bài viết dưới đây, bạn sẽ hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính
1.1. Thông tin về bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính là gì?
Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) là một bệnh lý xảy ra ở phổi, đặc trưng là tình trạng tắc nghẽn mạn tính của luồng khí đi qua phổi, gây cản trở quá trình hô hấp bình thường và khó có thể hồi phục hoàn toàn. Đây là tình một tình trạng viêm mãn tính của các đường thở nhỏ trong phổi, dẫn tới đường thở này bị thu hẹp và gây khó thở
1.2. Những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tắc nghẽn phổi mãn tính
– Hút thuốc lá: Nguyên nhân chính gây ra bệnh COPD. Thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, gây kích thích và tổn thương cho các mô trong đường thở, dẫn đến sự tắc nghẽn và viêm nhiễm.
– Ô nhiễm không khí: Là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh lý này. Các chất ô nhiễm trong không khí như bụi mịn, khí độc và hóa chất có thể gây tổn thương cho các mô trong đường thở và dẫn đến viêm nhiễm. Ngoài ra, việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm này trong thời gian dài cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc COPD.
– Ô nhiễm môi trường làm việc: Đối với một số ngành như công nhân xây dựng, công nhân mỏ, người thường xuyên làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh nếu tiếp xúc thường xuyên trong một thời gian dài.
1.3. Các triệu chứng để nhận biết tình trạng này là gì?
– Khó thở: Đường dẫn khí trong phổi bị sưng, viêm và tổn thương khiến đường thở bị thu hẹp dẫn đến tình trạng khó thở và người bệnh sẽ phải gắng sức để thở.
– Ho kéo dài: Tình trạng này giúp loại bỏ chất nhầy từ đường thở, giúp bảo vệ đường thở và khỏi các chất kích thích hít phải như bụi, phấn hoa hoặc khói. Ho là một trong những triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi mắc COPD. Ban đầu là ho ngắt quãng từng đợt, sau đó là ho thường xuyên có thể kèm theo có đờm hoặc không.
– Thở khò khè: Tiếng thở khò khè cũng là một triệu chứng bổ biến của bệnh lý này. Đây là âm thanh phát ra từ đường dẫn khí khi hơi thở đi qua các khu vực bị thu hẹp và có chứa chất nhầy trong phổi. Ngoài ra tăng tiết đờm cũng là triệu chứng thường gặp đi kèm với thở khò khè.
– Ngực bị dồn nén: Tình trạng thở khò khè hoặc hen suyễn là do phế nang bị sưng và bị các chất nhầy làm tắc nghẽn
– Mệt mỏi: Cơ thể dễ bị mệt mỏi là một triệu chứng phổ biến khác của những người mắc tắc nghẽn phổi. Nguyên nhân là bởi khi khó thở, cơ thể không nhận đủ lượng oxy cần thiết từ máu và dẫn tới mệt mỏi. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác là do phổi phải làm việc nhiều hơn để đưa O2 và thải khí CO2 ra ngoài.
1.4. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh tắc nghẽn phổi
Căn bệnh tắc nghẽn phổi này nếu không được phát hiện sớm sẽ gây ra một số biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống như:
– Tràn khí màng phổi: Khi người bệnh ở giai đoạn nặng có thể dẫn tới làm tắc nghẽn đường thở, dẫn tới lượng khí hít vào phế nang không thở hết ra được. Lượng khí tích tụ tăng lên làm cho phế quản bị căng dãn và mỏng dần, lâu ngày dẫn tới bị vỡ khoang màng phổi và gây ra tràn khí màng phổi.
– Bệnh tim: Tổn thương phế quản và phế nang càng nhiều khiến tăng áp lực trong máu. Tuần hoàn phổi tăng, tim phải làm việc nhiều hơn lâu ngày dẫn tới tình trạng giãn hoặc thậm chí là suy tim.
– Giảm tuổi thọ: Mắc bệnh COPD ở mức độ nhẹ thì thời gian sống thọ cũng thấp hơn so với người bình thường, nên những người mắc bệnh càng nặng thì thời gian sống càng ngắn.
– Tăng áp lực động mạch phổi: Phế nang giãn nhiều khiến cho các mao mạch phổi bị chèn ép. Thêm vào đó việc không được cung cấp đủ oxy thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến các tiểu động mạch bị co thắt và tăng áp lực động mạch phổi.
– Biến chứng thần kinh: Bệnh lý này sẽ gây ra tình trạng đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, rối loạn ý thức do thiếu O2 và tăng CO2 trong máu. Có rất nhiều trường hợp do lượng CO2 tăng lên quá cao khiến người bệnh bị hôn mê dẫn đến giảm và mất khả năng làm việc trí óc.
2. Cách đề phòng bệnh tắc nghẽn phổi hiệu quả tránh ảnh hưởng tới sức khỏe
– Tránh xa các chất kích thích: Hút thuốc lá là các yếu tố nguy cơ chính dẫn tới tắc nghẽn phổi. Bên cạnh đó hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhẫn tới bệnh lý này. Do vậy để phòng ngừa hiệu quả COPD đó là không sử dụng thuốc lá.
– Tránh tiếp xúc với ô nhiễm môi trường: Bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật, khói từ phương tiện giao thông… là những tác nhân khiến tắc nghẽn phổi dễ tái phát. Do đó, cần giữ không khí trong nhà, phòng ngủ và môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, thông thoáng thì mới hạn chế tối đa khả năng tái phát bệnh.
– Sử dụng thuốc điều trị: Là một phương pháp quan trọng để kiểm soát các triệu chứng của tắc nghẽn phổi. Các loại thuốc thông thường được sử dụng bao gồm: Thuốc giãn phế quản (làm giảm sự tắc nghẽn trong đường thở và làm cho việc thở dễ dàng hơn), thuốc kháng viêm (giúp giảm viêm nhiễm trong phổi và làm giảm các triệu chứng như ho và đau ngực), thuốc kháng kích thích (làm giảm sự kích thích trong đường thở, giúp giảm ho và khó thở).
– Tránh nhiễm trùng đường hô hấp: Cảm lạnh, cúm có thể làm cho tình trạng khó thở, ho khan, thở khò khè trở lên nặng hơn.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Đối với những người mắc bệnh lý này nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và chữa trị bệnh kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới phổi, tim mạch, thần kinh…
Bài viết trên là những thông tin cụ thể mà mỗi người nên biết về tình trạng tắc nghẽn phổi này. Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu như trên, bạn nên thực hiện kiểm tra sức khỏe sớm. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào cần tư vấn thêm, hãy liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ!