Vắc-xin là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin cho những người dưới 18 tuổi, vẫn luôn là một vấn đề cần được quan tâm và cân nhắc kỹ lưỡng. Nhiều phụ huynh thắc mắc liệu trẻ em dưới 18 tuổi có được tiêm vắc-xin hay không, và nếu có, những yếu tố nào cần lưu ý trước khi quyết định. Nhằm giúp phụ huynh đưa ra quyết định đúng đắn cho sức khỏe của con em mình, bài viết này sẽ phân tích vấn đề tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Dưới 18 tuổi có được tiêm vắc-xin?
1.1. Quy định về việc tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 18 tuổi
Việc tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 18 tuổi thường được quyết định dựa trên các quy định của tổ chức y tế, cụ thể là các cơ quan y tế quốc gia và quốc tế. Những vắc-xin có chỉ định cho trẻ em phải được nghiên cứu và chứng minh về hiệu quả cũng như độ an toàn khi sử dụng cho nhóm đối tượng này.

Việc tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 18 tuổi thường được quyết định dựa trên các quy định của tổ chức y tế.
Tại Việt Nam, việc tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 18 tuổi được thực hiện theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Những loại vắc-xin bắt buộc như vắc-xin viêm gan B, lao, bạch hầu (vắc-xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu), ho gà (vắc-xin phối hợp có chứa thành phần ho gà), bại liệt (vắc-xin bại liệt uống đơn giá hoặc vắc-xin bại liệt tiêm đa giá), sởi (vắc-xin sởi đơn giá hoặc vắc-xin phối hợp có chứa thành phần sởi), Hib (vắc-xin Hib đơn giá hoặc vắc-xin phối hợp có chứa thành phần Hib), viêm não Nhật Bản, rubella (vắc-xin phối hợp có chứa thành phần rubella), uốn ván (vắc-xin uốn ván đơn giá hoặc vắc-xin phối hợp có chứa thành phần uốn ván) đều được cấp phát miễn phí cho trẻ em từ khi sinh ra cho đến khi đủ 18 tuổi. Quy trình tiêm phòng này đã được thử nghiệm lâm sàng và chứng minh là an toàn và hiệu quả cho trẻ.
Tuy nhiên, đối với các loại vắc-xin khác ngoài danh mục vắc-xin bắt buộc, việc tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi sẽ phụ thuộc tình trạng sức khỏe và sự đánh giá của bác sĩ. Những loại vắc-xin này có thể là vắc-xin cúm, vắc-xin HPV (phòng ngừa ung thư cổ tử cung)…
1.2. Lý do trẻ em dưới 18 tuổi cần được tiêm vắc-xin
Trẻ em dưới 18 tuổi cần được tiêm vắc-xin để bảo vệ sức khỏe không chỉ của trẻ mà còn của cộng đồng. Hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, tiêm vắc-xin giúp cơ thể trẻ có khả năng chống lại các mầm bệnh hiệu quả (trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm, gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời). Những trẻ đã tiêm phòng ít có khả năng mắc bệnh và lây bệnh cho những người xung quanh, tạo nên một cộng đồng miễn dịch. Ví dụ, vắc-xin sởi-quai bị-rubella không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ sởi-quai bị-rubella bùng phát trong cộng đồng. Đặc biệt, vắc-xin không chỉ có hiệu quả bảo vệ ngắn hạn mà còn có hiệu quả bảo vệ dài hạn. Trẻ tiêm vắc-xin đầy đủ từ sớm, nhất là những loại vắc-xin phòng ngừa ung thư, sẽ ít nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành.

Vắc-xin không chỉ có hiệu quả bảo vệ ngắn hạn mà còn có hiệu quả bảo vệ dài hạn.
2. Tiêm vắc-xin có an toàn cho trẻ em dưới 18 tuổi không?
Đảm bảo an toàn luôn là yếu tố được quan tâm nhất khi tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Các loại vắc-xin được tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi đều phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng chặt chẽ và được cơ quan y tế có thẩm quyền phê duyệt trước khi đưa vào sử dụng. Mặc dù vắc-xin có thể gây ra một số phản ứng phụ nhẹ như sốt, sưng tấy tại vị trí tiêm, nhưng những phản ứng này là bình thường và chỉ kéo dài trong vài ngày.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, trẻ có thể gặp phải phản ứng phụ nghiêm trọng như dị ứng. Trước khi tiêm vắc-xin, bác sĩ sẽ khám và đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ có tiền sử dị ứng, bệnh lý mạn tính hoặc các vấn đề sức khỏe đặc biệt, bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị phù hợp. Nếu trẻ đang có bệnh lý cấp tính, bác sĩ có thể tạm hoãn việc tiêm vắc-xin cho đến khi tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định. Điều này được thực hiện nhằm giảm các rủi ro và phản ứng phụ không mong mu, đảm bảo việc tiêm vắc-xin không gây nguy hiểm và mang lại hiệu quả bảo vệ sức khỏe tối ưu cho trẻ. Sau khi tiêm vắc-xin, bác sĩ luôn khuyến cáo nên theo dõi trẻ trong ít nhất 30 phút để kịp thời phát hiện và xử trí các dấu hiệu bất thường.

Bác sĩ sẽ khám và đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ, trước khi tiêm vắc-xin.
Về phía gia đình, khi quyết định tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 18 tuổi, phụ huynh cần lưu ý một số yếu tố quan trọng dưới đây để đảm bảo an toàn cho trẻ:
– Thứ nhất, cần xác định rõ loại vắc-xin cần tiêm và thời điểm tiêm thích hợp. Một số vắc-xin có thể được tiêm từ khi trẻ còn sơ sinh, trong khi những vắc-xin khác lại yêu cầu tiêm khi trẻ đủ tuổi hoặc đủ điều kiện sức khỏe nhất định.
– Thứ hai, phụ huynh cần chú ý đến tiền sử bệnh lý của trẻ. Nếu trẻ có tiền sử bệnh lý như dị ứng với một số thành phần trong vắc-xin hoặc có hệ miễn dịch yếu, việc tiêm vắc-xin cần được xem xét kỹ lưỡng và thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ.
– Cuối cùng, an toàn khi tiêm vắc-xin không chỉ phụ thuộc vào loại vắc-xin hay tiền sử bệnh lý của trẻ mà còn phụ thuộc vào nơi thực hiện tiêm. Việc tiêm vắc-xin cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi và trang thiết bị y tế hiện đại. Các cơ sở này không chỉ giúp thực hiện quy trình tiêm vắc-xin một cách chuyên nghiệp mà còn có khả năng xử lý các tình huống khẩn cấp nếu chúng xảy ra.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi “Dưới 18 tuổi có được tiêm vắc-xin?”. Tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 18 tuổi là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, phụ huynh cần nắm rõ các quy định, lựa chọn vắc-xin phù hợp và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định tiêm cho con em mình. Vắc-xin là công cụ mạnh mẽ giúp bảo vệ sức khỏe, nhưng chỉ khi được sử dụng đúng cách và đúng lúc.