Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Dù đã có phương pháp điều trị hiệu quả nhưng nếu không phát hiện sớm, lao có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Vậy bệnh lao là gì, con đường lây lan ra sao và làm sao để nhận biết sớm các triệu chứng phổ biến? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin về căn bệnh lao phổi
1.1. Khái quát về bệnh lao là gì
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể như: màng phổi, hạch bạch huyết, màng não, xương khớp, màng bụng, hệ sinh dục – tiết niệu, ruột… Trong đó, lao phổi là thể bệnh phổ biến nhất, chiếm từ 80 – 85% tổng số ca bệnh và là nguồn lây nhiễm chính trong cộng đồng.

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra
1.2. Nguyên nhân dẫn tới bệnh lao là gì?
Bệnh ho lao (lao phổi) là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan chủ yếu qua đường không khí. Vi khuẩn lao không tồn tại sẵn trong tự nhiên và cũng không có vật trung gian truyền bệnh.
Nguồn lây bệnh chủ yếu là từ người hoặc động vật bị nhiễm vi khuẩn lao. Khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, họ tạo ra các giọt nước bọt li ti chứa vi khuẩn lao. Các hạt này có kích thước rất nhỏ, có thể lơ lửng trong không khí nhiều giờ. Người khỏe mạnh nếu hít phải những hạt nhiễm khuẩn này vào phổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh lao. Vậy quá trình tiến triển của bệnh lao là gì và được thành bao nhiêu giai đoạn chính?
Giai đoạn lao nhiễm (sơ nhiễm lao)
– Đây là giai đoạn khởi phát sau khi vi khuẩn lao bắt đầu xâm nhập vào phổi.
– Vi khuẩn bắt đầu gây tổn thương tại phổi và có thể lan ra các cơ quan khác thông qua hệ bạch huyết hoặc hệ tuần hoàn máu.
Giai đoạn lao bệnh (phát triển thành bệnh lao)
– Không phải ai bị nhiễm lao cũng phát triển thành bệnh.
– Khoảng 10% người bị lao nhiễm sẽ tiến triển thành lao bệnh.
– Trong số các ca bệnh, 80% sẽ xuất hiện trong vòng 2 năm đầu sau khi bị nhiễm lao.
– Khoảng 50% bệnh nhân lao phổi trở thành nguồn lây nhiễm mới trong cộng đồng.
2. Triệu chứng phổ biến của bệnh lao là gì?
Người mắc lao phổi thường có các biểu hiện đặc trưng như:
– Ho kéo dài hơn 3 tuần (có thể ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu).
– Đau ngực, đôi khi kèm khó thở.
– Hay cảm thấy mệt và kiệt sức.
– Đổ mồ hôi trộm vào ban đêm.
– Sốt nhẹ, kèm theo cảm giác ớn lạnh vào buổi chiều.
– Chán ăn và sút cân nhanh không rõ nguyên nhân.
– Khi có những dấu hiệu nghi ngờ trên, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Người mắc lao phổi thường có các biểu hiện đặc trưng như đau tức ngực, khó thở
3. Đối tượng dễ mắc bệnh lao
– Người có tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh, đặc biệt là trẻ em.
– Người mắc bệnh mạn tính như loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn tính…
– Người nghiện rượu, ma túy, thuốc lá.
– Người đang sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch suốt một thời gian dài.
4. Các phương pháp phổ biến để chẩn đoán căn bệnh này
4.1. Khám lâm sàng
Các biểu hiện điển hình: ho kéo dài, ho ra máu, sốt nhẹ về chiều/tối, sút cân không rõ nguyên nhân.
4.2. Chụp X quang phổi
Thường thấy hình ảnh tổn thương thâm nhiễm ở các đỉnh phổi – vị trí đặc trưng của lao phổi.
4.3. Xét nghiệm tìm vi khuẩn lao
Nhuộm soi trực tiếp hoặc nuôi cấy mẫu bệnh phẩm như đờm, dịch phế quản, dịch màng phổi… để tìm trực khuẩn lao.
4.4. Sinh thiết tổn thương
Sinh thiết phổi, niêm mạc phế quản hoặc hạch bạch huyết có thể thấy hình ảnh đặc trưng của nang lao.
5. Cách phòng ngừa bệnh lao
Hiện nay, tiêm vắc xin phòng lao là biện pháp hàng đầu để ngừa bệnh. Vắc xin BCG (Bacillus Calmette-Guérin) được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, tiêm cho trẻ sơ sinh nhằm tạo miễn dịch chủ động, giúp cơ thể phòng chống sự xâm nhập của vi khuẩn lao.
Ngoài ra, để phòng ngừa lao phổi trong cộng đồng, đặc biệt khi tiếp xúc với người mắc bệnh lao, cần thực hiện thêm các biện pháp tự bảo vệ như:
– Hạn chế tiếp xúc gần với người mắc lao.
– Giữ cho môi trường sống thông thoáng, mở cửa thường xuyên để không khí lưu thông.
– Đeo khẩu trang đúng cách, nhất là khi ở nơi đông người hoặc tiếp xúc với bệnh nhân lao.

Tiêm vắc xin phòng lao là biện pháp hàng đầu để ngừa bệnh lao
6. Kế hoạch chăm sóc hữu ích với người bị bệnh lao
6.1. Kiểm soát lây nhiễm
– Người bệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang khi giao tiếp gần với người đối diện.
– Khi ho hoặc hắt hơi, cần che miệng đúng cách, tốt nhất bằng khăn giấy dùng một lần.
– Khạc đờm đúng nơi quy định, đựng trong dụng cụ có nắp và xử lý theo hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn.
– Đốt hoặc xử lý đúng cách các vật chứa chất thải có nguồn lây như đờm, khăn giấy, khẩu trang đã qua sử dụng.
6.2. Cải thiện môi trường sống
– Tận dụng ánh nắng mặt trời chiếu vào nhà và vật dụng của người bệnh để tiêu diệt vi khuẩn.
– Thông gió tốt, mở cửa sổ, dùng quạt hoặc các biện pháp khác để không khí trong phòng luôn được lưu thông.
6.3. Phòng ngừa và phát hiện sớm ở nhóm nguy cơ cao
– Bệnh nhân HIV/AIDS cần dùng INH 300mg/ngày trong 6 tháng để dự phòng lao.
– Những người có bệnh nền như đái tháo đường, loét dạ dày, suy giảm miễn dịch… cần được tầm soát lao định kỳ.
6.4. Tuân thủ điều trị
– Người bệnh cần uống thuốc đúng giờ, đủ liều, đủ thời gian để tránh kháng thuốc.
– Thăm khám định kỳ theo lịch hẹn và báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.
Bệnh lao hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện kịp thời và tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ. Việc nắm rõ khái niệm bệnh lao là gì cùng các triệu chứng phổ biến như ho kéo dài, sốt nhẹ về chiều, sụt cân… sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc thăm khám và phòng ngừa. Đừng chủ quan với sức khỏe của chính mình – hãy kiểm tra ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ để tránh biến chứng nguy hiểm và bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ lây lan.