Tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ là phương pháp hiệu quả giúp phòng nhiều bệnh truyền nhiễm cùng một lúc, đồng thời giúp giảm bớt số mũi tiêm cho trẻ. Chính vì thế, hiện nay nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn mũi 5 trong 1 để tiêm phòng cho trẻ. Vậy khi tiêm vắc xin 5 trong 1, cha mẹ cần lưu ý những điều gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho cha mẹ về việc tiêm 5 trong 1 cho trẻ. Hãy cùng theo dõi nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về vắc xin 5 trong 1 cho trẻ
1.1. Vắc xin 5 trong 1 là gì?
Vắc xin 5 trong 1 là vắc xin kết hợp với 5 thành phần kháng nguyên để phòng 5 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tùy vào từng loại vắc xin 5 trong 1 có thể phòng được 5/6 loại bệnh khác nhau sau đây:
– Bệnh ho gà: Đây là bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella gây ra. Bệnh có thể lây từ người này qua người khác khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
– Bệnh bạch hầu: Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể lây từ người sang người qua đường hô hấp.
– Bệnh uốn ván: Đây là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao do vi khuẩn uốn ván Clostridium Tetani gây nên. Vi khuẩn uốn ván có thể thâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở.
– Viêm màng não, viêm phổi do vi khuẩn Haemophilus Influenzae týp B (Hib): Hib là loại vi khuẩn gây viêm phổi, viêm màng não và các bệnh xâm lấn khác. Bệnh dễ để lại di chứng về thần kinh vĩnh viễn, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm thượng vị và viêm màng não do vi khuẩn.
– Viêm gan B: Là bệnh nhiễm trùng tại gan gồm 2 dạng là cấp tính hoặc mãn tính. Viêm gan B có thể gây tổn thương gan, khiến suy gan và có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
– Bệnh bại liệt: Đây là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa và đường hô hấp do virus Polio gây nên. Bệnh có thể lây lan từ người sang người, có thể xâm nhập vào não, tủy sống của người bệnh gây tê liệt toàn thân.
1.2. Các loại vắc xin 5 trong 1 được sử dụng hiện nay
Hiện nay, có hai loại vắc xin 5 trong 1 đang được sử dụng phổ biến:
– Vắc xin ComBe Five (Ấn Độ): Vắc xin được sản xuất bởi Công ty Biological E. ComBe Five là vắc xin thế hệ mới, cũng có thành phần tương tự vắc xin Quinvaxem (đã ngừng sản xuất). Hơn 400 triệu liều vắc xin ComBE Five đã được sử dụng tại 43 quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, vắc xin ComBE Five được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ 2017 thay thế cho vắc xin Quinvaxem và sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
– Vắc xin Pentaxim (Pháp): Vắc xin được sản xuất bởi công ty sản xuất dược phẩm Sanofi Pasteurs. Pentaxim là loại vắc xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ, được tiêm tại các cơ quan trong và ngoài công lập. Loại vắc xin này đang được sử dụng nhiều và được nhiều cha mẹ tin chọn vì có chứa thành phần ho gà vô bào (chỉ chứa thành phần kháng nguyên ho gà đặc hiệu sau khi loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn ho gà). Vì vậy, vắc xin được đánh giá là có phản ứng sau tiêm nhẹ hơn cũng như ít sốt hơn cho trẻ.
1.3. Đối tượng được chỉ định và chống chỉ định tiêm phòng vắc xin 5 trong 1
Theo khuyến cáo của bác sĩ, vắc xin 5 trong 1 được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, dựa vào tình hình thực tế mà lịch tiêm của từng trẻ có thể thay đổi (do hết vắc xin hoặc trẻ bị ốm). Nếu bị tiêm muộn, cần tiêm ngay khi có vắc xin hoặc trẻ đã khỏi bệnh. Tránh để tiêm quá muộn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Trước khi tiêm, cha mẹ cần cho trẻ khám sàng lọc trước tiêm và tư vấn của bác sĩ để đảm bảo mũi tiêm hiệu quả và an toàn.
2. Lịch tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 cho trẻ
2.1. Lịch tiêm 5 trong 1 cho trẻ với vắc xin Pentaxim (Pháp)
Lịch tiêm vắc xin Pentaxim được áp dụng như sau:
– 3 mũi tiêm đầu: tiêm cho trẻ vào lúc đủ 2, 3, 4 tháng tuổi.
– Mũi tiêm 4 (mũi tiêm nhắc lại): tiêm khi trẻ tròn 16 đến 18 tháng tuổi.
2.2. Lịch tiêm 5 trong 1 cho trẻ với vắc xin ComBE Five (Ấn Độ)
Lịch tiêm vắc xin ComBE Five được áp dụng như sau:
– Mũi tiêm 1: tiêm lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi.
– Mũi tiêm 2: tiêm phòng sau mũi 1 một tháng.
– Mũi tiêm 3: tiêm phòng sau mũi 2 một tháng.
– Mũi tiêm 4 (mũi tiêm nhắc lại): tiêm khi trẻ tròn 12 đến 18 tháng tuổi.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ bị trễ lịch tiêm, trẻ có thể được tiêm sớm ngay sau đó mà không phải tiêm lại từ đầu.
3. Các phản ứng phụ có thể gặp phải khi tiêm 5 trong 1 cho trẻ và cách xử trí
3.1. Phản ứng phụ xảy ra sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ
Trên thực tế, khi đi tiêm 5 trong 1 cho trẻ, trẻ có thể gặp một vài phản ứng phụ ngoài ý muốn, đó là:
– Tình trạng sưng, đau ở vị trí tiêm.
– Trẻ quấy khóc nhiều hơn bình thường, bú kém.
– Sốt nhẹ.
Các phản ứng trên thường nhẹ và không gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ, cha mẹ chỉ cần theo dõi, chăm sóc bé cẩn thận. Sau 1 đến 2 ngày tình trạng trên sẽ biến mất, trẻ sinh hoạt lại như bình thường.
Tuy nhiên, một số ít trường hợp trẻ nhỏ sau tiêm vắc xin 5 trong 1 bị sốc phản vệ với các triệu chứng như thở khò khè, quấy khóc nghiêm trọng, co giật và sốt cao. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và xử trí kịp thời.
3.2. Cách xử trí khi trẻ gặp phản ứng phụ sau tiêm
Khi thấy trẻ bị sốt, cha mẹ không nên vội vàng cho con sử dụng thuốc hạ sốt, chỉ cho trẻ dùng thuốc dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Thay vào đó, cha mẹ nên thay trang phục thoáng mát, thoải mái cho bé và để bé nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát. Các bác sĩ cũng khuyên cha mẹ nên dùng khăn thấm nước ấm, lau chân, tay và nách cho trẻ.
Khi trẻ sơ sinh bị sốt, cơ thể sẽ mất nhiều nước, lúc này cha mẹ hãy bổ sung nước hoặc cho con bú mẹ nhiều hơn.
Trên đây là những lưu ý khi tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ mà cha mẹ cần nắm rõ. Đây là vắc xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ngoài ra cha mẹ có thể lựa chọn tiêm vắc xin dịch vụ 6 trong 1 tại Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI cho trẻ nâng hiệu quả bảo vệ lên 6 bệnh, tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí tiêm chủng. Mong rằng, thông qua những thông tin trên, cha mẹ sẽ có kế hoạch và sự chuẩn bị khi tiêm chủng cho con tốt nhất.