Thuốc tuyến giáp và những kiến thức cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Ma Thị Nga

Bác sĩ Nội tiết

Tuyến giáp là tuyến nội tiết có vai trò điều hòa hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Khi xuất hiện các rối loạn tại tuyến giáp, người bệnh có thể mắc phải các bệnh lý liên quan. Vậy có những loại thuốc tuyến giáp nào giúp điều trị bệnh hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin giải đáp đến bạn.

1.Hiểu về thuốc điều trị tuyến giáp

Thuốc điều trị tuyến giáp bao gồm hai dạng chính là thuốc hormone tuyến giáp và thuốc kháng giáp. Thuốc hormon tuyến giáp sử dụng để bổ sung lượng hormone tuyến giáp thiếu hụt trong cơ thể. Trong khi thuốc kháng giáp sử dụng nhằm ức chế khả năng bài thiết hormone tuyến giáp.

Tùy theo tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp.

2. Thuốc tuyến giáp điều trị những bệnh gì?

Thuốc tuyến giáp có thể được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp người bệnh mắc bệnh suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormone), cường giáp (tuyến giáp tăng tiết hormone quá mức) và ung thư tuyến giáp.

2.1 Thuốc tuyến giáp điều trị bệnh suy giáp

Tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả dẫn đến không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Lúc này người bệnh dễ mắc bệnh suy giáp. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân bất thường, trí nhớ kém, da tóc khô, phù niêm mạc, nhịp tim chậm, huyết áp thấp, thậm chí hôn mê…

Đối với trường hợp này, người bệnh có thể được chỉ định uống thuốc hormone để đưa hàm lượng hormone tuyến giáp về mức ổn định. Phương pháp điều trị này thường diễn ra trong một thời gian dài hoặc suốt đời.

Thuốc điều trị bệnh tuyến giáp

Tăng cân là một trong nhứng dấu hiệu của bệnh suy giáp.

2.2 Cường giáp

Ngược lại với suy giáp, cường giáp là bệnh lý do tuyến giáp bài tiết quá nhiều hormone, dẫn đến đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như giảm cân bất thường dù chán ăn, xuất hiện bướu cổ, hồi hộp, đánh trống ngực, tiêu chảy, tăng tiết mồ hôi, run rẩy, mất ngủ, ngủ không ngon giấc…

Cường giáp trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến bến chứng tim mạch, mắt lồi ác tính, cơn bão giáp (có thể đe dọa tính mạng người bệnh)…

Đối với điều trị cường giáp, thuốc được chỉ định hoạt động theo cơ chế ức chế tuyến giáp sản xuất thyroxin. Ngoài ra, có thể kết hợp với thuốc điều trị triệu chứng do tuyến giáp hoạt động quá mức.

2.3 Ung thư tuyến giáp

Là tình trạng ác tính của tuyến giáp, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Ở giai đoạn đầu, bệnh biểu hiện triệu chứng rất mơ hồ. Chỉ khi ung thư đã tiến triển, người bệnh mới xuất hiện một số triệu chứng như vùng cổ phình lớn nhanh chóng, xuất hiện hạch cổ bất thường, người bệnh sút cân mất kiểm soát, thường xuyên thấy nóng, tăng tiết mồ hôi, thay đổi tâm trạng thất thường, mệt mỏi nghiêm trọng, run rẩy, yếu cơ, khó ngủ, ít ra kinh (ở phụ nữ)…

Dù là bệnh ác tính nhưng so với các loại ung thư khác, ung thư tuyến giáp vẫn được đánh giá có tiên lượng tốt với tỷ lệ điều trị thành công cao. Phương pháp điều trị bệnh phổ biến là phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể được chỉ định kèm một số loại thuốc để ức chế tế bào ung thư tái phát và thay thế hormone tuyến giáp.

3. Các loại thuốc tuyến giáp phổ biến

3.1 Thuốc thay thế hormone tuyến giáp

Có thể dùng đường uống, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp trong trường hợp điều trị bệnh suy giáp (thiếu hụt horrmone tuyến giáp).

Thuốc cần được sử dụng cẩn thận về liều lượng dựa trên đánh giá của bác sĩ về tuổi tác, tình trạng cơ thể, khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh. Theo dõi định kỳ là vô cùng quan trọng trong phương pháp này để có thể kiểm soát nồng độ các horrnone TSH, T3, T4 và đưa ra các chỉ định phù hợp trong từng giai đoạn.

Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý tăng/ giảm liều lượng thuốc vì có thể dẫn đến các tác dụng phụ như rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, run rẩy, thèm ăn, mất ngủ…

Thuốc thay thế hormone tuyến giáp

Thuốc tuyến giáp cần uống đúng liều lượng, thời gian theo chỉ định của bác sĩ để đem lại kết quả tốt.

3.2 Thuốc kháng giáp

Có thể được chỉ định đối với người lớn, trẻ em > 6 tuổi trong trường hợp tăng tiết hormone tuyến giáp quá mức (cường giáp).

Thuốc kháng giáp hoạt động dựa trên nguyên lý làm chậm quá trình sản xuất tuyến giáp hoặc ngăn không cho tuyến giáp tổng hợp hormone. Nếu được sử dụng đúng cách, bệnh có thể được kiểm soát nhanh chóng, tuy nhiên cũng dễ tái phát khi người bệnh dừng điều trị.

Quá trình điều trị cường giáp bằng thuốc suy giáp, người bệnh cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: buồn ngủ, nổi ban trên da, đau dạ dày, đắng miệng… Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến sốt, giảm bạch cầu, bệnh gan, vàng da.

3.3 Thuốc chẹn thụ thể beta 

Có công dụng chính là kiểm soát các tình trạng về tim mạch gây ra bởi cường giáp như: tăng nhịp tim, đánh trống ngực, run rẩy, hồi hộp… Do đó thuốc chẹn beta thường được sử dụng đi kèm với thuốc kháng giáp nhằm hạn chế ảnh hưởng của triệu chứng bệnh.

Tác dụng phụ của thuốc chẹn beta có thể xảy ra đối với người bệnh mắc hội chứng Raynaud, làm tăng nặng tình trạng thay đổi màu sắc ở các đầu chi khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh. Người bệnh nên trao đổi với bác khi ngay khi phát hiện trong quá trình điều trị.

4. Lưu ý an toàn khi sử dụng thuốc tuyến giáp

Thuốc tuyến giáp an toàn khi được sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng. Điều này cũng đồng thời giúp người bệnh tránh được các tác dụng phụ của thuốc (thường do sử dụng hormone quá liều).

Quá trình sử dụng thuốc cũng cần có sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ để kịp thời có những điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp. Khi liều lượng được chỉ định chính xác, tần suất phải xét nghiệm máu để kiểm tra định kỳ sẽ giảm. Thông thường thuốc tuyến giáp được kê đơn trong một khoảng thời gian nhất định, tuy nhiên nhiều trường hợp người bệnh phải sử dụng thuốc suốt đời.

Đối với những người không mắc bệnh lý tuyến giáp, tuyệt đối không sử dụng hormone tuyến giáp với mục đích giảm giảm cân, tránh nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Ngoài ra, người bệnh cũng hết sức lưu ý khi muốn sử dụng các thực phẩm hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ sản phẩm nào có tác dụng đến tuyến giáp.

Lưu ý an toàn khi sử dụng thuốc tuyến giáp

Người bệnh nên thăm khám và sử dụng thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa

Người bệnh có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến thuốc tuyến giáp, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để được tư vấn và giải đáp cụ thể. Thu Cúc TCI với đội ngũ y bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại giúp người bệnh an tâm thăm khám, cải thiện bệnh tốt hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital