Hiện nay thụ tinh nhân tạo IUI được coi là phương pháp “cứu tinh” mang lại niềm vui làm bố làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Vậy phương pháp này là gì, ưu nhược điểm cụ thể ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Thụ tinh nhân tạo IUI là gì?
Thụ tinh nhân tạo IUI là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay trong điều trị vô sinh hiếm muộn. Bản chất của IUI (intrauterine insemination) là đưa tinh trùng khỏe mạnh của người chồng đã qua chọn lọc vào tử cung của người vợ vào đúng thời điểm trứng rụng để gia tăng cơ hội thụ thai.
2. Những ai là đối tượng của phương pháp thụ tinh IUI?
IUI là phương pháp hỗ trợ sinh sản, được thực hiện với những nhóm đối tượng sau
2.1. Vợ chồng hiếm muộn không rõ nguyên nhân
Khi các cặp đôi hiếm muộn không rõ nguyên nhân thì IUI là phương pháp đầu tiên được áp dụng trong quá trình điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng các thuốc hỗ trợ kích trứng để quá trình IUI được thành công hơn.
2.2. Nam giới có tinh trùng yếu, gặp vấn đề về xuất tinh
Nguyên nhân hiếm muộn có thể tới từ phía nam giới do tinh trùng yếu, xuất tinh ngược dòng. Nếu gặp một trong các vấn đề về tinh trùng như: số lượng tinh trùng ít, tinh trùng kém hoạt động, hoặc có thể tinh trùng dị tật về kích thước,… thì các bác sĩ sử dụng phương pháp IUI, chọn lọc tinh trùng để hỗ trợ thụ tinh giúp tỷ lệ mang thai cao hơn.
2.3. Các vấn đề vô sinh có liên quan tới chức năng của cơ quan sinh dục nữ
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây hiếm muộn liên quan trực tiếp tới cấu trúc và chức năng của cơ quan sinh dục nữ:
– Lớp nhầy tử cung quá dày khiến tinh trùng không thể vượt qua và thụ tinh
– Dị tật ở cổ tử cung, sẹo tử cung cản trở di chuyển của tinh trùng
– Có các vấn đề về rụng trứng hoặc suy giảm lượng trứng
2.4. Nữ giới bị dị ứng với tinh dịch của người nam
Trong tinh dịch của nam giới ngoài tinh trùng còn chứa rất nhiều loại protein. Một số thành phần protein trong số đó có thể khiến chị em gặp phải tình trạng dị ứng gây nên viêm nhiễm, sưng tấy, giảm khả năng thụ thai trong quá trình giao hợp. Trong trường hợp này, phương pháp IUI sẽ giúp loại bỏ những protein gây dị ứng, tạo điều kiện tinh trùng gặp trứng và thụ thai.
2.5. Mẹ đơn thân được pháp luật bảo hộ
Ngoài các nguyên nhân trên thì mẹ đơn thân có nhu cầu mang thai cũng là đối tượng được pháp luật cho phép nhận hiến tặng tinh trùng. Mẹ đơn thân vẫn có thể mang thai và có con. Tuy nhiên cần đảm bảo vấn đề thông tin để tránh các tình huống hôn nhân cận huyết sau này.
3. Phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI có tỷ lệ thành công là bao nhiêu?
IUI là một trong những phương pháp hiện đại hiện nay mang đến rất nhiều tin vui cho cặp đôi hiếm muộn. Theo kết quả thống kê, nếu tinh trùng và trứng đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ thành công của phương pháp trung bình từ 15 – 20%, cụ thể:
– Trong điều kiện trứng rụng tự nhiên, tỷ lệ thành công là 6%.
– Sử dụng thuốc kích thích trứng, tỷ lệ thành công lên tới 26%
Xác suất mang đa thai nhờ IUI là 23 – 30 % trong tổng số các ca IUI thành công. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chất lượng tinh trùng, chất lượng trứng, nguyên nhân gây nên tình trạng hiếm muộn…
4. Những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp IUI
Được sử dụng phổ biến trong điều trị vô sinh, hiếm muộn song phương pháp IUI vẫn có những ưu điểm và nhược điểm sau
4.1. Ưu điểm của phương pháp IUI
– Phương pháp có thể thực hiện với nhiều nhóm đối tượng. Điều này mở ra những cơ hội có con tới nhiều gia đình.
– Dễ dàng thực hiện và hoàn toàn an toàn: IUI giúp tinh trùng “tiết kiệm sức lực” khi không phải di chuyển quãng đường quá xa để tới gặp trứng và thụ tinh. Trong trường hợp này, cơ hội thụ thai lớn hơn so với thông thường.
– Tiết kiệm kinh phí: So với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, phương pháp IUI tiết kiệm rất lớn về mặt kinh phí. Điều này giúp cho các gia đình chưa có điều kiện tốt về kinh tế cũng có thể tiếp nhận một cách dễ dàng.
– Quá trình thụ thai diễn ra là hoàn toàn tự nhiên, IUI chỉ hỗ trợ tinh trùng gặp trứng. Vì vậy nên mọi thay đổi kể từ khi xảy ra quá trình thụ thai người mẹ sẽ dễ dàng cảm nhận.
4.2. Nhược điểm của phương pháp IUI
– Cần sự có mặt của cả hai vợ chồng. Nếu phải làm IUI nhiều lần, có thể sẽ gây ảnh hưởng tới công việc của hai người. Bên cạnh đó sau khi thực hiện IUI, chị em cần đến nơi thực hiện để theo dõi quá trình có thành công hay không.
– Tỷ lệ mang đa thai của IUI khá cao. Trong trường hợp mang đa thai, người mẹ có thể đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn trong thai kỳ.
– Khi thích thích trứng quá mức, chị em dễ gặp phải hội chứng OHSS gây ra tình trạng đau bụng dưới, khó chịu và có thể buồn nôn.
5. Quy trình thực hiện IUI
Các bước thực hiện thụ tinh IUI gồm có:
Bước 1: Kiểm tra sức khỏe tổng thể của vợ và chồng
Việc kiểm tra sức khỏe sinh sản của vợ và chồng giúp các bác sĩ tìm hiểu tình trạng sức khỏe của cả 2 và tìm ra nguyên nhân gây hiếm muộn. Điều này vô cùng quan trọng vì sẽ giúp bác sĩ thực hiện IUI một cách chuẩn xác. Bên cạnh đó, nếu người vợ đang gặp các bệnh lý phụ khoa sẽ cần điều trị trước khi tiến hành IUI.
Bước 2: Kích thích buồng trứng
Buồng trứng được kích thích bằng sử dụng thuốc kích thích trứng dạng uống hoặc tiêm. Sau khi kích trứng, chị em sẽ được theo dõi thông qua siêu âm và lựa chọn cho thụ tinh với tinh trùng khỏe mạnh đúng thời điểm.
Bước 3: Chọn lọc tinh trùng
Tinh trùng của người chồng được chọn lọc đáp ứng yêu cầu khỏe mạnh, không dị tật, độ hoạt động tốt. Ngoài ra,các bác sĩ sẽ tiến hành lọc bỏ những thành phần tinh trùng gây dị ứng và cô đặc lại từ 0,2, – 0,3 ml.
Bước 4: Tiến hành IUI
Vào thời điểm trứng rụng, các bác sĩ sẽ tiến hành đưa tinh trùng trong buồng tử cung để giúp trứng thụ tinh. Sau khi thực hiện, chị em cần nghỉ tại chỗ ít nhất 30 phút trước khi di chuyển.
6. Sau khi thực hiện IUI, chị em có biểu hiện như nào?
Sau khi tiến hành IUI, nhiều chị em lo lắng khi thấy xuất hiện những biểu hiện bất thường như dưới đây:
– Bị đau bụng nhẹ vùng âm đạo
– Âm đạo có thể bị chảy máu nhẹ. Tình trạng này sẽ biến mất sau vài ngày
– Ngực căng tức do tác dụng của hormone kích trứng
– Tuy nhiên nếu bị đau đầu, choáng hoặc có dấu hiệu sốt 38 độ, băng huyết,… hãy nhanh chóng tới cơ sở thực hiện IUI để thăm khám kịp thời.
Trên đây là một số kiến thức về phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI. Hi vọng rằng với chia sẻ trên, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về phương pháp này, đặc biệt với các cặp vợ chồng đang hiếm muộn sẽ biết thêm cơ hội có thể làm cha, làm mẹ.