Thoát vị đĩa đệm (Herniated Disc) là bệnh phổ biến ở độ tuổi 30-60, gây đau nhức, tê bì tay chân kéo dài và có thể dẫn đến tàn phế.
Menu xem nhanh:
1. Thoát vị đĩa đệm là bệnh gì và được phân loại như thế nào?
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý chỉ tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường ở trong vòng sợi, chèn ép lên ống sống và các rễ dây thần kinh nên gây đau nhức cột sống.
Dựa vào vị trí đĩa đệm bị lệch, Herniated Disc được phân loại thành các nhóm cơ bản như sau:
– Thoát vị cổ
– Thoát vị cổ ngực
– Thoát vị ngực
– Thoát vị lưng ngực
– Thoát vị cột sống thắt lưng
Phân loại bệnh theo vị trí
– Thoát vị ra sau: đây là nhóm bệnh phổ biến. Triệu chứng nổi bật là đau mỏi, cơn đau nhức nhối kèm cảm giác tê bì.
– Thoát vị ra trước: trường hợp này người bệnh không xuất hiện cơn đau vì nhân nhầy không chèn ép vào thần kinh, tủy sống.
Phân loại bệnh theo sự chèn ép vào thần kinh và tủy sống
– Thoát vị trung tâm: ở loại bệnh này, nhân nhầy thoát ra sẽ trực tiếp chèn lên tủy sống. Tê bì chân tay sẽ thường xuyên xuất hiện. Đây cũng là nhóm bệnh thoát vị nguy hiểm vì nhân nhầy chèn ép tủy sống nhiều có thể làm mất hoàn toàn chức năng vận động và không thể kiểm soát hệ bài tiết.
– Thoát vị cạnh trung tâm: nhân nhầy sẽ chèn ép cả tủy sống và rễ thần kinh.
– Thoát vị đĩa đệm chèn rễ thần kinh: nhân nhầy có thể chèn ở bên phải hoặc bên trái.
2. Triệu chứng phổ biến của bệnh Herniated Disc
Một số triệu chứng khi bệnh nhân bị thoát vị bao gồm:
– Đau nhức ở tay hoặc chân: bệnh nhân bị đau đột ngột ở vùng cổ, thắt lưng, vai gáy, cổ và chân tay. Sau đó cơn đau lan dần ra vùng vai gáy, chân tay. Đau có thể hành hạ trong vài ngày, vài tuần, vài tháng, có thể từ âm ỉ thành dữ dội. Người bệnh cảm thấy đau nhức hơn khi đi lại, vận động.
– Tê bì tay chân: nhân nhầy của đĩa đệm lệch ra ngoài sẽ chèn ép rễ thần kinh gây đau nhức, tê bì ở thắt lưng, vùng cổ sau đó dần dần xuống mông, đùi, bẹn chân và gót chân. Đôi khi người bệnh cảm thấy như bị kiến bò trong người.
– Yếu cơ, bại liệt: dấu hiệu cảnh báo bệnh đã ở giai đoạn nặng. Giai đoạn này người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại, vận động. Dần dần dẫn tới teo hai chân, teo cơ, liệt vận động và phải ngồi xe lăn.
Một số trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng gì cụ thể. Lưu ý bệnh nhân cần tới bệnh viện khi có những biểu hiện nghiêm trọng sau:
– Đau, tê bì, yếu cơ nghiêm trọng, không thể sinh hoạt như bình thường.
– Bị són tiểu hoặc bí tiểu
– Bị mất cảm giác tại các vùng bắp đùi trong, phía sau chân, vùng quanh hậu môn.
3. Nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh Herniated Disc
3.1. Các nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm
– Bị chấn thương ở cột sống sau tai nạn giao thông.
– Tai nạn lao động do thường xuyên mang vác đồ năng trên cổ, lưng. Tư thế khuân vác sai cách dẫn tới đĩa đệm bị chệch. Thói quen đang đứng rồi cúi xuống để nhấc vặng nặng thay vì ngồi xuống bê đồ rồi đứng lên, hành động này dễ gây chấn thương cột sống lưng và tác động xấu đến đĩa đệm.
– Thoái hóa cột sống: khi các lớp nhân nhầy và vòng xơ bị bào mòn, cấu trúc xương dưới sụn bị biến đổi, từ đó xuất hiện các hốc xương và thậm chí mọc gai xương. Với tác động và sức ép từ trọng lượng của cơ thể, vòng xơ của đĩa đệm bị rách và lớp nhân phía trong thoát ra ngoài, chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống.
– Một số nguyên nhân nguy cơ: yếu tố di truyền, mắc các bệnh lý bẩm sinh ở vùng cột sống.
3.2. Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm được sử dụng phổ biện hiện nay
Khi đến khám, người bệnh được thăm khám lâm sàng để xác định nguyên nhân và vị trí tổn thương. Tiếp đó sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như chụp cộng hưởng từ, CT scan, X-quang cột sống… để đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
– Dùng thuốc
Một số loại thuốc với mục đích cải thiện triệu chứng lệch đĩa đệm là thuốc giảm đau acetaminophen, thuốc chống viêm non steroid hoặc corticosteroid, giãn cơ, chống đau thần kinh… Những loại thuốc này nếu lạm dụng có thể dẫn đến tác dụng phụ là chóng mặt, buồn nôn, dị ứng, nguy hiểm hơn gây viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan thận, loãng xương… Do vậy cần sử dụng theo đơn từ bác sĩ có chuyên môn.
– Vật lý trị liệu
Bên cạnh điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể kết hợp cùng tập vật lý trị liệu để khắc phục các cơn đau, hạn chế sự chèn ép các dây thần kinh. Bệnh nhân nên tìm chuyên viên và kỹ thuật viên có kinh nghiệm để có kết quả tốt. Không tự ý tập luyện để tránh việc tập sai cách, sai tư thế khiến tình trạng tệ hơn.
– Phẫu thuật
Dành cho trường hợp đã điều trị nội khoa mà bệnh không thuyên giảm hoặc tiến triển nặng.
3.3. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ gây ra các di chứng gì?
Bệnh Herniated Disc nếu không được điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nguy hại với người bệnh và gia đình:
– Trường hợp nếu nhân nhầy chui vào trong ống sống, chèn ép rễ thần kinh, làm hẹp khoang sống có thể gây ra nguy cơ bị liệt nửa người hoặc bại liệt cả người.
– Hội chứng đuôi ngựa: rễ thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép gây ra hậu quả đi đại tiện mất kiểm soát.
– Không vận động lâu ngày sẽ khiến cơ bị suy yếu, bị teo, các chi teo nhanh, chân tay bị yếu và bé đi, hạn chế khả năng di chuyển, vận động.
– Rối loạn cơ vòng: tổn thương rễ thần kinh có thể ảnh hưởng đến cơ vòng đường tiểu: bí tiểu, sau đó đi tiểu dầm dề, nước tiểu chảy ra thụ động.
3.4. Các lưu ý trong quá trình điều trị bệnh Herniated Disc
Chế độ sinh hoạt phù hợp sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt cơn đau, tăng hiệu quả điều trị, người bệnh nên:
– Hạn chế các hoạt động quá sức, dành thời gian nghỉ ngơi và có thể tập luyện nhẹ nhàng theo lời khuyên của bác sĩ.
– Theo dõi sức khỏe và đi khám ngay nếu thấy các triệu chứng nặng hơn như: tê liệt chân, đau vùng bàn tọa, gặp khó khăn trong tiểu – đại tiện, suy yếu bất kỳ một bộ phận nào trên cơ thể.
– Tránh nằm một chỗ quá nhiều, nghỉ ngơi một thời gian rồi nên đứng lên đi lại hoặc tập luyện nhẹ nhàng để tránh cứng khớp và yếu cơ.
Khi có các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm, bạn nên đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ dẫn đến tàn phế.