Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp phân biệt thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp là hai dạng thường thấy của bệnh thoát vị bẹn. Đây là một trong những bệnh lý phổ biến nhất về thoát vị mà chúng ta có thể mắc phải ngay khi mới sinh ra. Để hiểu rõ hơn về bệnh thoát vị bẹn cũng như biết thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp phân biệt thế nào, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Thoát vị bẹn là gì?

Thoát vị bẹn là hiện tượng một tạng trong ổ bụng chui qua ống bẹn hoặc qua điểm yếu trên thành bụng để xuống bìu. Đây là loại thoát vị thường gặp nhất trong số các bệnh lý thoát vị thành bụng.

Trên thực tế, toàn thế giới có khoảng 5% dân số bị thoát vị, thoát vị bẹn chiếm khoảng 80% trong số đó.

Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ bẩm sinh cho tới người trưởng thành hay người cao tuổi. So với nữ giới, thoát vị bẹn thường dễ gặp ở nam giới hơn.

Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp - Thoát vị bẹn là gì

Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào ở mọi lứa tuổi khác nhau

Phân loại các kiểu thoát vị bẹn

Có rất nhiều cách để phân loại các kiểu thoát vị bẹn, nhưng theo cách dễ hiểu nhất thì bệnh lý này thường tồn tại ở hai dạng: thoát vị bẹn trực tiếp và thoát vị bẹn gián tiếp.

Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp

Thoát vị bẹn trực tiếp

Thoát vị bẹn trực tiếp xảy ra khi khối thoát vị chui qua nơi yếu nhất của thành bụng là hố bẹn trong, đây là thoát vị bẹn mắc phải.

Dạng thoát vị bẹn này chỉ xuất hiện ở nam giới, thường là ở người trưởng thành.

Thoát vị bẹn trực tiếp được hình thành khi liên tục có áp lực đè nặng lên khối cơ ở thành bụng, dần dần sẽ tăng nặng hơn nếu người bệnh thường xuyên làm việc quá sức, khiêng vác vật nặng, ho kéo dài, táo bón lâu ngày,…

Thoát vị bẹn gián tiếp

Thoát vị bẹn gián tiếp xảy ra khi khối thoát vị đi qua ống phúc tinh mạc xuống bìu, đây là dạng thoát vị bẹn bẩm sinh.

Thoát vị bẹn gián tiếp thường phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Sau khi sinh ra, ống phúc tinh mạc thường được bít lại ngay.

Cách phân biệt thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp

Thoát vị bẹn trực tiếp và thoát vị bẹn gián tiếp có thể được phân biệt dựa trên hướng xuất hiện, vị trí và bằng các phương pháp chẩn đoán lâm sàng.

Thoát vị bẹn trực tiếp

  • Hướng xuất hiện:

Khối thoát vị trực tiếp xuất hiện ở tam giác bẹn, di chuyển theo hướng từ sau lưng ra trước bụng, nhanh chóng xẹp xuống rồi lại phồng lên khi người bệnh thay đổi tư thế từ nằm thành đứng.

  • Vị trí:

Khối thoát vị trực tiếp nằm ngang hoặc trên nếp bụng mu thấp, rất ít khi di chuyển qua lỗ bẹn nông xuống bìu.

  • Chẩn đoán:

Nếu lỗ bẹn nông đủ rộng, khi chặn hai ngón tay thấy khối thoát vị chạm vào mặt cạnh của ngón tay thì đó chính là thoát vị trực tiếp.

Thoát vị bẹn gián tiếp

  • Hướng xuất hiện:

Khối thoát vị gián tiếp di chuyển chéo theo nếp bẹn, từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong.

  • Vị trí:

Khối thoát vị nằm sát gốc dương vật, gần đường giữa và dưới vùng nếp gấp thấp nhất của bụng dưới, đã đi qua khỏi lỗ bẹn nông và có thể xuống tới bìu. Chỉ khi bệnh nhân ho mạnh thì khối thoát vị mới xuất hiện.

  • Chẩn đoán:

Nếu lỗ bẹn nông đủ rộng, khi chặn hai ngón tay thấy khối thoát vị chạm vào đầu ngón tay thì đó chính là thoát vị gián tiếp.

Các triệu chứng của thoát vị bẹn

Bệnh thoát vị bẹn thường được biểu hiện thành các triệu chứng như sau:

  • Bị phình một hoặc cả hai bên háng
  • Khối phình có thể tăng lên nhiều khi ho hoặc đứng lên và biến mất tạm thời khi nằm xuống
  • Nam giới có thể thấy bìu bị sưng đỏ
  • Vùng bẹn bìu bị đau, căng tức
  • Bìu có xu hướng giãn lớn hơn
  • Có cảm giác áp lực, đè nặng ở vùng bẹn
  • Khi tập thể dục, nâng vác vật nặng sẽ thấy đau nhói ở bẹn
  • Cảm giác đau đớn giảm dần hoặc biến mất khi người bệnh được nghỉ ngơi

Biến chứng của thoát vị bẹn

Bệnh thoát vị bẹn gây ra nhiều cảm giác khó chịu, đau đớn cho cơ thể người bệnh, nhất là khi gắng sức làm việc.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thoát vị bẹn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thoát vị bẹn nghẹt

Đây là biến chứng thường gặp nhất, chỉ tình trạng ruột hoặc mạc nối lớn bị mắc kẹt trong túi thoát vị.

Trong trường hợp này, người bệnh không thể tự đẩy khối thoát vị lên được nên phải chịu đựng rất nhiều đau đớn. Cách xử lý duy nhất là phải đi khám ngay và làm cấp cứu.

Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp - Biến chứng

Biến chứng thoát vị bẹn nghẹt cần được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời

Tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới

Thoát vị bẹn có thể góp phần gây ra hiện tượng xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn. Những hiện tượng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản ở nam giới.

Ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi

Ở phụ nữ, thoát vị bẹn không làm ảnh hưởng gì đến khả năng thụ thai nhưng trong thời gian mang thai, áp lực từ ổ bụng có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng.

Việc can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật) trên cơ thể mẹ sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhất định đến sự phát triển của thai kỳ. Vì vậy, nếu bạn phát hiện những dấu hiệu của bệnh thoát vị bẹn khi chuẩn bị mang thai thì nên đến gặp bác sĩ và điều trị bệnh ổn định trước đã.

Điều trị thoát vị bẹn

Phương pháp điều trị dứt điểm được bệnh thoát vị bẹn là phẫu thuật.

Mục tiêu của phương pháp này là tìm ra và đóng lại lỗ thoát vị, cắt bỏ túi thoát vị và tái tạo lại thành bụng bằng mô tự thân hoặc các tấm lưới nhân tạo.

Có hai cách phẫu thuật thoát vị bẹn:

Mổ hở truyền thống

Khi mổ hở, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ ở vùng bụng hoặc cột sống, gây mê toàn thân hoặc kết hợp cả hai nếu cần thiết.

Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một đường ở vùng bẹn, đưa khối thoát vị trở lại đúng vị trí ban đầu rồi dùng mũi khâu để cố định lại các khối cơ.

Thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp - Cách điều trị

Trong phương pháp mổ hở, bác sĩ sẽ dùng mũi khâu để cố định lại các múi cơ

Mổ nội soi

Một phương pháp phẫu thuật khác tiện lợi và nhanh chóng hơn chính là mổ nội soi.

Khi mổ nội soi, người bệnh cần được gây mê toàn thân. Thông qua một số vết rạch nhỏ ở vùng bụng dưới, bác sĩ sẽ chèn thiết bị và thực hiện thủ thuật mổ nội soi.

Mổ nội soi diễn ra trong thời gian ngắn, sau khi mổ xong người bệnh cũng không có cảm giác đau đớn, có thể ngồi dậy ngay và phục hồi rất nhanh. Hơn nữa vết mổ nội soi rất nhỏ, có tính thẩm mĩ cao.

Mong là những kiến thức về thoát vị bẹn cũng như cách phân biệt các dạng thoát vị bẹn trên đây sẽ giải đáp được thắc mắc của bạn. Hãy đến bệnh viện hoặc các cơ sở uy tín ngay khi phát hiện các triệu chứng của bệnh thoát vị bẹn để được các bác sĩ thăm khám và xây dựng phác đồ điều trị hợp lý.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital