Thiếu máu ở trẻ sơ sinh thường thường phát triển âm thầm. Ở giai đoạn đầu tiên, trẻ thường không có triệu chứng cụ thể. Vậy, thiếu máu ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết là gì? Thông tin trong bài viết sẽ giải đáp cho câu hỏi trên.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh thiếu máu ở trẻ sơ sinh
Thiếu máu ở trẻ sơ sinh là tình trạng lượng huyết sắc tố và hồng cầu có trong máu bị suy giảm. Kết quả cơ thể trẻ sẽ thiếu hụt oxy cung cấp đến các tế bào, gây nên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Một số tài liệu y học cho biết, khi trẻ em mắc bệnh thiếu máu sẽ gặp phải những triệu chứng điển hình dưới đây:
– Da xanh xao, nhợt nhạt, môi, mắt và dưới ngón tay đóng màng
– Thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ
– Bé cáu gắt, khó chịu, không hoạt bát
– Bỏ ti sữa mẹ, khó thở và hụt hơi
– Tim thường xuyên đập nhanh
– Chiều cao, cân nặng và chu vi vòng đầu thấp hơn so với trẻ bình thường
– Nếu bệnh lý ở giai đoạn nặng, chân tay trẻ sơ sinh có thể bị sưng
Sau đây là một số nguyên nhân gây nên bệnh lý thiếu máu ở trẻ sơ sinh các mẹ không nên bỏ qua:
– Rau bong non, rau tiền đạo
– Vỡ mạch máu bất thường ở bánh rau và dây rốn
– Truyền máu thai – bánh rau hoặc song thai
– Mất máu do chảy máu nội sọ, chảy máu dưới màng cứng
– Thiếu máu do bệnh lý: tan máu bẩm sinh, bất sản tủy, ức chế tủy xương…
– Cơ thể thiếu sắt
– Trẻ sinh thiếu tháng
Thiếu máu ngày càng phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể cũng như sự phát triển của trẻ trong tương lai.
2. Thiếu máu ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh thiếu máu có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của trẻ.
2.1. Sức khỏe cơ thể bị suy giảm
Tình trạng thiếu máu kéo dài gây thiếu hụt oxy cho cơ thể. Bé thường xuyên thiếu năng lượng, rơi vào trạng thái mệt mỏi, không chịu chơi. Thay vào đó, trẻ thường xuyên quấy khóc, bỏ ti sữa mẹ. Nếu không điều trị kịp thời bé có thể giảm cân nặng trầm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.
2.2. Hạn chế sự phát triển của hệ thần kinh
Não bộ có vai trò quan trọng đối với cơ thể. 20% oxy trong cơ thể được cung cấp cho hoạt động của cơ quan này. Trong trường hợp thiếu máu kéo dài, oxy không đủ để cung cấp lên não khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng, chậm phát triển, khả năng tư duy và nhận thức bị giảm.
2.3. Tác động lên hệ tim mạch
Khi trẻ bị thiếu máu, tim phải làm việc với tần suất cao để cung cấp máu đi nuôi dưỡng các cơ quan khác và phục vụ cho sự phát triển của tế bào. Tuy nhiên, cơ tim cũng cần có máu để nuôi dưỡng. Như vậy với tần suất làm việc nhiều hơn bình thường và thiếu hụt hồng cầu có thể gây ra một số về biến chứng về tim mạch như:
– Suy tim: Cơ tim hoạt động liên tục làm giảm khả năng bơm máu cho cơ thể. Tim dần suy yếu và xuất hiện những triệu chứng khó thở, thở hụt hơi, đau thắt ngực, ho kéo dài.
– Rối loạn nhịp tim: Đối với trẻ sơ sinh hệ tim mạch còn non yếu và đang dần hoàn thiện. Tình trạng thiếu máu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim, tim đập bất thường, có thể đe dọa tính mạng con người.
– Nhồi máu cơ tim: Biến chứng này khá hiếm gặp ở trẻ, có mức độ nặng nề cao. Tình trạng thiếu máu liên tục, trong thời gian dài gây hoại tử cơ tim, có thể gây tử vong đột ngột.
2.4. Ảnh hưởng đến hệ hô hấp
Thiếu máu dẫn đến tình trạng oxy không đủ cung cấp cho cơ thể. Từ đó gây nên tình trạng khó thở, thở gấp dẫn đến kiệt sức.
2.5. Hệ miễn dịch bị suy giảm
Máu tạo điều kiện sinh ra kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi những mầm bệnh. Tuy nhiên, thiếu máu kéo dài khiến hệ miễn dịch suy giảm, trẻ sơ sinh dễ gặp các vấn đề về sức khỏe như: tiêu chảy, viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy, cảm cúm…
Như vậy có thể thấy, thiếu máu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ sơ sinh. Để bảo vệ sức khỏe em bé, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín và điều trị kịp thời.
3. Cách chẩn đoán và điều trị thiếu máu ở trẻ sơ sinh
3.1. Phương pháp chẩn đoán thiếu máu ở trẻ sơ sinh
Để chẩn đoán bệnh thiếu máu ở trẻ sơ sinh, các bác sĩ thường thăm khám lâm sàng thật kỹ lưỡng, đặc biệt quan sát màu da của bé. Sau đó, để xác định nguyên nhân gây nên bệnh lý, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như:
– Xét nghiệm hồng cầu để quan sát số lượng, kích thước. Bên cạnh đó, xét nghiệm này còn cho biết chính xác tỷ lệ huyết tương.
– Kiểm tra lượng sắt trong máu: Mẫu máu của bé sẽ được kiểm tra về lượng hemoglobin và các hợp chất của nó nhằm phát hiện các bệnh di truyền gây ra tình trạng thiếu máu.
3.2 Chữa trị bệnh thiếu máu ở trẻ sơ sinh
Dựa vào những kết quả xét nghiệm kết hợp những triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị với từng bệnh nhân.Trong trường hợp cần thiết, trẻ sẽ được chỉ định truyền máu để khôi phục lượng oxy trong máu, hạn chế biến chứng xảy ra.
– Thiếu máu do thiếu sắt: Bổ sung sắt theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp nặng cần truyền máu.
– Thiếu máu do thiếu acid folic và vitamin B12: Mẹ nên bổ sung thêm các dưỡng chất thông qua thức ăn và thuốc uống. Như vậy thông qua sữa mẹ bé có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng đang còn thiếu.
– Thiếu máu do suy tủy: Thực hiện ghép tủy, điều trị bệnh theo nguyên nhân, truyền máu bảo toàn tính mạng cho trẻ nhỏ.
– Thiếu máu tan máu: Truyền máu định kỳ và ghép tủy càng sớm càng tốt.
– Thiếu máu tan máu miễn dịch: Bé được chỉ định sử dụng corticoid 1mg/1 ngày trong 4 tuần. Ngoài ra, đối với trường hợp nặng có thể kết hợp sử dụng thêm thuốc ức chế miễn dịch.
Phương pháp điều trị thiếu máu ở trẻ sơ sinh cần thực hiện nhanh chóng để bảo toàn sức khỏe của bé. Ngoài ra, bố mẹ nên kết hợp thực hiện các biện pháp phòng tránh thiếu máu ở trẻ nhỏ, từ đó hạn chế bệnh tái phát.
4. Biện pháp phòng ngừa thiếu máu ở trẻ sơ sinh
Bố mẹ cần nắm rõ những phương pháp phòng bệnh theo từng giai đoạn tuổi như sau:
– Phòng bệnh cho bé dưới 6 tháng tuổi: Sắt được cung cấp thông qua sữa mẹ. Ở giai đoạn này, bé nên uống khoảng 780ml sữa một ngày. Nếu bé thiếu sắt trầm trọng, cần bổ sung viên uống ngoài, mẹ cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Hạn chế thiếu máu cho bé trên 6 tháng tuổi: Thực đơn ăn uống hàng ngày của bé nên được bổ sung thêm thịt và các loại đậu có chứa chất sắt tự nhiên.
– Trẻ sinh non tháng: Mẹ cần bổ sung sắt cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Bên cạnh đó để hạn chế thiếu máu do các bệnh lý tan máu, suy tủy, mẹ cần chú ý đến sức khỏe, dinh dưỡng, thiết lập môi trường sống tốt trong quá trình mang thai. Tuyệt đối không cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
Trẻ sơ sinh bị thiếu máu có nguy hiểm không? Câu trả lời là “có”. Để bảo vệ sức khỏe cho bé, bố mẹ cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị và thăm khám theo hướng dẫn của bác sĩ.