Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm cầu thận cấp là gì?
Bệnh viêm cầu thận cấp là một đợt viêm cầu thận xảy ra bất ngờ và đột ngột. Khi tình trạng viêm xảy ra trong thận, các mô sẹo sẽ hình thành và thay thế mô thận bình thường. Viêm cầu thận cấp có thể xảy ra với các bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.
Trong đó, trẻ em từ 4-7 tuổi mắc viêm cầu thận cấp rất phổ biến. Nguyên nhân gây bệnh cũng có nhiều, bao gồm các bệnh hệ thống, trong đó có viêm gan B – một bệnh lý phổ biến, hoặc các bệnh chỉ xảy ra trong cầu thận. Để kiểm soát được hiệu quả tình hình bệnh, có thể điều trị bằng cách ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
2. Biểu hiện của bệnh viêm cầu thận cấp
Khi bị viêm cầu thận cấp, người bệnh sẽ có những biểu hiện ra bên ngoài như sau:
- Mặt sưng húp, phù nề. Có trường hợp cả chân tay cũng sưng phù.
- Đi tiểu ít hơn bình thường.
- Màu nước tiểu ngả sang sắc tối thẫm, thể hiện có lẫn máu trong nước tiểu
- Thường xuyên bị ho do tình trạng dư thừa nước trong phổi gây ra.
- Tăng huyết áp.
3. Điều trị bệnh viêm cầu thận cấp bằng cách nào?
- Bảo đảm mức huyết áp trong giới hạn an toàn: Đây là yếu tố chính giúp bảo vệ thận, hạn chế tình trạng suy giảm chức năng thận. Để làm được điều này, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một trong các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển đổi angiotensin, thuốc ngăn chặn thụ thể angiotensin II.
- Thẩm tách máu: Áp dụng với bệnh nhân bị vêm cầu thận cấp có kèm theo suy thận cấp. Phương pháp này giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa và kiểm soát huyết áp cao.
- Chạy thận và ghép thận: Đây là các phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp lâu dài dành cho bệnh nhân giai đoạn cuối. Ghép thận là giải pháp được xem xét trước. Trường hợp không thể ghép thận thì chỉ còn lựa chọn duy nhất là chạy thận nhân tạo.
4. Hỗ trợ điều trị bệnh viêm cầu thận cấp bằng chế độ sinh hoạt
Chế độ ăn uống hàng ngày, thói quen trong sinh hoạt khoa học, phù hợp có thể hỗ trợ rất tích cực cho việc điều trị bệnh viêm cầu thận cấp. Dưới đây là các việc bệnh nhân cần làm:
- Hạn chế ăn mặn, duy trì lượng muối nạp vào cơ thể hàng ngày trong mức an toàn để ngăn chặn tình trạng ứ nước, phù nề, tăng huyết áp.
- Bớt ăn các thực phẩm chứa protein và kali nhằm giảm tích tụ các chất thải trong máu.
- Đảm bảo mức cân nặng vừa phải, tránh thừa cân, thiếu cân.
- Luôn chú ý kiểm soát mức độ đường trong máu nếu mắc bệnh tiểu đường.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc.