Tháo vòng tránh thai khi có ý định sinh con tiếp sau thời gian kế hoạch, khi vòng tránh thai đã hết hạn sử dụng… rất cần thiết. Tháo vòng tránh thai có đau không? Khi nào cần tháo vòng? Hãy tìm hiểu ngay thông tin mà chúng tôi cung cấp sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Tháo vòng tránh thai có đau không?
Tháo vòng có đau không là băn khoăn của nhiều bạn nữ. Nhiều chị em nghĩ rằng tháo vòng sẽ gây đau, do vòng đã được định vị tại buồng tử cung trong thời gian dài. Nhưng bạn nữ không nên quá lo lắng vấn đề này. Khi chị em lấy ra sớm hơn hoặc đúng thời hạn thì việc tháo vòng chỉ hơi đau, cảm giác như khi bạn đặt vòng. Thủ thuật tháo vòng cũng khá nhanh chóng, đơn giản. Việc tháo vòng quá thời hạn quy định có thể sẽ gây đau vì lúc này vòng bám vào thành tử cung, đôi khi có hiện tượng chảy máu âm đạo nhẹ.
2. Tháo vòng tránh thai lúc nào?
Đặt vòng là phương pháp tránh thai tiết kiệm, an toàn, cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, có một số thời điểm bạn nữ nên tháo vòng:
– Khi vòng đã hết hạn sử dụng: Mỗi loại vòng tránh thai có thời hạn khác nhau 5-7 năm, 10 – 15 năm. Vượt quá thời gian sử dụng mà không tháo vòng, có thể gây một số hệ quả như đau vùng chậu, dính tử cung… Khi tháo vòng, nếu không có ý định sinh con nữa thì bạn nên đặt vòng mới, nếu muốn sinh con thì không tiếp tục đặt vòng.
– Tháo vòng là cần thiết với những chị em đã hết tuổi sinh sản.
– Tháo vòng tránh thai khi vòng không đúng vị trí, gây đau bụng khó chịu…
– Khi phụ nữ muốn sinh con trở lại
– Tháo vòng khi bị viêm chậu cấp tính mà việc điều trị bệnh không dứt điểm, hoặc ở những phụ nữ bị u ác tính ở tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung…
3. Một số lưu ý khi tháo vòng tránh thai
– Trước khi tháo vòng, chị em cần được bác sĩ thăm khám sức khỏe tổng thể, sức khỏe vùng kín. Nếu sức khỏe quá yếu, hoặc bị mắc một số căn bệnh cấp tính thì cần phải nghỉ ngơi để cho đến khi phục hồi sức khỏe, nếu bị viêm nhiễm phụ khoa phải điều trị sau đó mới tháo vòng.
– Nên tháo vòng vào ngày cuối kỳ kinh, lúc này tử cung mở rộng nên việc lấy vòng ra dễ dàng hơn.
– Đặt vòng là đưa dụng cụ tránh thai vào buồng tử cung, dù ngắn hay dài thì cũng đều ảnh hưởng đến tử cung, do đó không nên có con ngay sau khi tháo vòng, phải cần có thời gian cho tử cung ổn định lại như ban đầu.
– Sau tháo vòng, nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, uống thuốc chống viêm và kháng sinh đúng liều nhằm hạn chế tình trạng viêm nhiễm, dính buồng tử cung.
– Sau khi tháo vòng, nếu thấy chảy máu âm đạo, nên lập tức gặp bác sĩ kiểm tra xem có phải tổn thương gì không. Nếu có, nên tiến hành điều trị kịp thời, tránh nhiễm trùng gây ảnh hưởng cho sức khỏe.
– Sau khi tháo vòng sẽ có một số biến đổi về tâm sinh lí như: hay bực dọc, khó chịu, không được thoải mái… sau khi cơ thể tự điều chỉnh hormone về mức phù hợp, cơ thể sẽ bình thường trở lại.