Thai ngoài tử cung thoái triển có bị vỡ không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Mang thai ngoài tử cung là điều mà không chị em nào mong muốn. Hầu hết mang thai ngoài tử cung đều cần can thiệp để lấy khối thai ra ngoài. Tuy nhiên không ít trường hợp thai tự thoái triển. Trong trường hợp này, nhiều chị em băn khoăn thai ngoài tử cung thoái triển có bị vỡ không, có cần can thiệp gì không?

1. Thai ngoài tử cung thoái triển là gì?

Thai ngoài tử cung là hiện tượng thai làm tổ ngoài buồng tử cung. Các trường hợp thai ngoài tử cung đều không thể tiếp tục duy trì phát triển bởi khi phát triển ngoài tử cung, bộ phận phôi thai bám vào làm tổ sẽ không thể đáp ứng được sự phát triển của thai nhi và diễn ra quá trình thai ngoài tử cung thoái triển.

Thai ngoài tử cung thoái triển là tình trạng thai ngừng phát triển. Ở giai đoạn sớm, thai ngoài tử cung thoái triển khi thai còn nhỏ sẽ tự đào thải ra ngoài. Tuy nhiên nếu thai quá lớn không can thiệp kịp thời, quá trình thoái triển sẽ diễn ra gây vỡ thai, xuất huyết và đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người mẹ.

Thai ngoài tử cung có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, phổ biến là vòi trứng và buồng trứng

Thai ngoài tử cung có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, phổ biến là vòi trứng và buồng trứng

2. Dấu hiệu thai ngoài tử cung thoái triển

Mang thai ngoài tử cung gây ra các tình trạng mệt mỏi, ốm nghén như mang thai thông thường. Ngoài ra, người mẹ còn cảm thấy đau bụng âm ỉ một bên, có thể đau trực tràng, rong huyết nhẹ. Một số chị em bị ngất xỉu do mất máu quá nhiều. Tuy nhiên, khi bước vào tình trạng thoái triển sẽ có các dấu hiệu sau đây:

2.1. Thai ngoài tử cung thoái triển giai đoạn sớm

Thai ngoài tử cung thoái triển sớm là tín hiệu tốt vì hầu hết cơ thể sẽ tự đào thải thai ra ngoài và an toàn cho mẹ. Khi đó, mẹ sẽ thấy có những dấu hiệu sau:

– Các triệu chứng ốm nghén mất đột ngột. Mẹ bầu không còn cảm giác mệt mỏi, nhạy cảm về mùi,…

– Nồng độ hormone HCG giảm dần trong mỗi lần xét nghiệm máu

– Xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo do thai đào thải từng phần

– Xuất hiện tình trạng đau bụng nhẹ

Thai ngoài tử cung có thể gây đau bụng, chảy máu

Thai ngoài tử cung có thể gây đau bụng, chảy máu

2.2. Thai ngoài tử cung thoái triển muộn

Ở giai đoạn muộn, thời điểm thai ngoài tử cung thoái triển bị vỡ phụ thuộc vào áp lực và kích thước của thai nhi.Khi thai ngoài tử cung có kích thước quá lớn vượt qua giới hạn áp lực của vị trí thai đậu sẽ gây vỡ. Mẹ bầu sẽ có biểu hiện đau dữ dội, tái xanh, mất máu nhiều và ngất xỉu. Đây là cấp cứu sản khoa vô cùng nguy hiểm vì có thể lấy đi tính mạng của mẹ rất nhanh bởi xuất huyết ổ bụng, mất máu, nhiễm trùng,….

Để tránh tình trạng này, nếu quá trình thoái triển không xảy ra sớm cần can thiệp bằng các biện pháp sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để giúp thai nhi được đẩy ra ngoài, đảm bảo an toàn cho mẹ.

3. Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung, để tránh tình trạng thai thoái triển và vỡ, các bác sĩ luôn khuyên chị em nên theo dõi và có biện pháp chủ động đình chỉ khi thai không tự đào thải sớm.

3.1. Ở giai đoạn sớm – ống dẫn trứng chưa vỡ

Chị em có thể lựa chọn điều trị nội khoa dùng thuốc ngăn chặn phôi phát triển, giúp thai tự tiêu hoặc đẩy ra ngoài. Ngoài ra còn có phương pháp điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật nội soi để bảo tồn ống dẫn trứng, xử lý các vấn đề chảy máu và loại bỏ phôi thai.

Điều trị nội khoa đùng thuốc sẽ diễn ra lâu hơn. Phẫu thuật nội soi sẽ giải quyết vấn đề nhanh chóng. Tuy nhiên cả hai phương pháp đều cần theo dõi trong và sau điều trị.

3.2. Giai đoạn muộn – ống dẫn trứng bị vỡ

Nếu thai ngoài tử cung thoái triển gây vỡ ống dẫn trứng bắt buộc phẫu thuật khẩn cấp để bảo vệ tính mạng của mẹ. Các bác sĩ sẽ cố gắng để bảo tồn buồng trứng và ống dẫn trứng. Tuy nhiên nếu không thể bảo tồn, chị em sẽ phải chấp nhận loại bỏ các bộ phận tổn thương nặng để tránh nguy cơ hoại tử.

Thai ngoài tử cung thoái triển có bị vỡ không? - Khi kích thước thai lớn sẽ gây vỡ vùng thai đậu

Thai ngoài tử cung thoái triển có bị vỡ không? – Khi kích thước thai lớn sẽ gây vỡ vùng thai đậu

4. Làm thế nào để tránh mang thai ngoài tử cung?

Theo số liệu thống kê, trong 1000 phụ nữ sẽ có khoảng 4 đến 10 phụ nữ gặp phải tình trạng thai ngoài tử cung, chiếm khoảng 0,045% – 0,1 % trong số các ca mang thai. Mặc dù tỷ lệ thai ngoài tử cung không cao, song các bà mẹ không được chủ quan trong chăm sóc sức khỏe sinh sản để giảm thiểu nguy cơ này. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thai ngoài tử cung có xác suất cao hơn ở các nhóm bà mẹ sau:

– Từng có tiền sử mang thai ngoài tử cung.

– Đang bị bệnh lý phụ khoa như viêm nhiễm âm đạo, âm hộ, viêm vùng chậu, nhiễm nấm,…

– Có cấu trúc tử cung bất thường.

– Tử cung, buồng trứng,… từng thực hiện phẫu thuật dẫn đến có sẹo.

– Mang thai muộn sau 35 tuổi.

– Có thói quen dùng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,…. hoặc tiếp xúc các chất độc hại thụ động.

Để tránh thai ngoài tử cung, chị em nên chuẩn bị một sức khỏe tốt trước khi mang thai. Thăm khám phụ khoa để biết đã đủ điều kiện mang thai hay chưa, đặc biệt là khi thuộc các nhóm trên. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và vận động cho cả hai vợ chồng để có thai kỳ thuận lợi nhất.

Trong trường hợp bị mang thai ngoài tử cung, chị em không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh xử lý theo các hướng dẫn của bác sĩ. Chị em cần xác định tư tưởng rằng các trường hợp không mong muốn này không thể giữ thai. Trường hợp thai ngoài tử cung thoái triển sớm là điều vô cùng may mắn bởi không cần can thiệp quá nhiều. Ngoài ra, cần có các biện pháp chủ động để thai ngoài tử cung thoái triển không tiến triển đến tình trạng vỡ nguy hiểm.

Sau điều trị thai ngoài tử cung, hãy giữ tinh thần ổn định, cân bằng, chăm sóc sức khỏe và đợi ít nhất 6 tháng trước khi có kế hoạch mang thai lại, đồng thời hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ.

Trên đây là một số thông tin giải đáp và tư vấn cho câu hỏi thai ngoài tử cung thoái triển có bị vỡ hay không. Hi vọng rằng với những thông tin này sẽ giúp chị em trang bị thêm những kiến thức hiểu biết về sức khỏe sinh sản.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital