“Tất tần tật” thông tin về nội soi dạ dày

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa
Trước thực trạng số lượng người mắc các bệnh lý về dạ dày đang ngày càng tăng như hiện nay thì việc phải thực hiện nội soi dạ dày không còn là “chuyện hiếm”. Vì đây là phương pháp tối ưu nhất giúp phát hiện sớm các tổn thương ở dạ dày, chẩn đoán chính xác các bệnh về dạ dày để có cách điều trị kịp thời. Nội soi dạ dày thường được chỉ định rộng rãi tuy nhiên nên lựa chọn các bệnh viện uy tín có đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro.
tất tần tật thông tin về nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày là một thủ thuật được áp dụng để thăm khám bên trong đường tiêu hóa trên nhờ một camera được gắn ở đầu ống nội soi mềm. 

Nội soi dạ dày là gì?

Nội soi dạ dày là phương pháp thăm khám trực tiếp phần trên của ống tiêu hóa (gồm thực quản, dạ dày, tá tràng) bằng cách đưa một ống nội soi mềm nhỏ qua đường miệng hoặc đường mũi. Ống nội soi này có gắn camera và nguồn sáng, camera sẽ ghi lại hình ảnh chi tiết bên trong dạ dày truyền lên màn hình nội soi bên ngoài. Quan sát những hình ảnh này bác sĩ sẽ nhận biết được các thương tổn hoặc dấu hiệu bất thường đang xảy ra bên trong.

Trong quá trình nội soi dạ dày, bác sĩ cũng có thể sử dụng dụng cụ chuyên biệt để cắt bỏ polyp (nếu có) hoặc lấy mẫu sinh thiết (lấy một mẫu mô nhỏ của dạ dày) chuyển tới phòng thí nghiệm, sau đó làm các xét nghiệm phân tích tìm các dấu hiệu viêm, tế bào ung thư; hoặc tìm tác nhân gây bệnh như vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori hay Hp), nấm…

Khi nào cần thực hiện nội soi dạ dày?

Bệnh nhân thường được chỉ định nội soi dạ dày để:

Chẩn đoán bệnh lý, xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng bất thường như:

  • Đau thượng vị, buồn nôn sau khi ăn
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Nôn ra máu, thiếu máu, đi ngoài phân đen
  • Ợ chua, ợ hơi, trào ngược thức ăn
  • Nuốt nghẹn
  • Đau ngực sau khi đã kiểm tra tim mạch bình thường

Nếu cần thiết, bác sĩ có thể tiến hành làm một số xét nghiệm trong quá trình nội soi như: lấy mẫu sinh thiết tìm dấu ấn ung thư hoặc  làm Clo- test để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori  (HP).

Điều trị

Sử dụng những dụng cụ chuyên biệt đưa qua ống nội soi, bác sĩ có thể điều trị các bệnh lý liên quan như xuất huyết đường tiêu hóa, lấy dị vật trong đường tiêu hóa, cắt polyp

Các phương pháp nội soi dạ dày

tất tần tật thông tin về nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày gây mê nhẹ nhàng, êm ái, không đau, người bệnh chỉ như vừa mới trải qua một giấc ngủ ngon.

Nội soi thường: đây là phương pháp nội soi “cổ điển”, người bệnh sẽ được uống một loại thuốc để loại bỏ dịch nhầy trên niêm mạc, sau đó được xịt thuốc tê nhẹ ở miệng để làm giảm cảm giác khó chịu khi đưa ống soi vào. Sau đó bác sĩ sẽ đưa ống nội soi từ hầu họng qua thực quản xuống dạ dày. Hình ảnh từ camera trên đầu thiết bị nội soi sẽ truyền tải về màn hình, bác sĩ dựa vào đó để theo dõi và đưa các chẩn đoán. Bệnh nhân không thể nói được nhưng vẫn thở bình thường. Tuy nhiên phương pháp nội soi này có hạn chế là khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn, nghẹn thở hoặc khó chịu.

Nội soi gây mê: vì nội soi thường gây khó chịu nên nội soi gây mê đang rất được ưa chuộng hiện nay. Cụ thể trong phương pháp này, người bệnh sẽ được gây mê bằng thuốc an thần có tác dụng ngắn vừa đủ cho 1 cuộc soi, tỉnh sau 15 phút và không ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì thế khi người bệnh sẽ không hề có cảm giác khó chịu, tỉnh dậy khi đã hoàn thành thủ thuật. Nội soi dạ dày gây mê cũng được thực hiện qua đường miệng.

Nội soi qua đường mũi: thay vì đưa ống nội soi qua đường miệng, thủ thuật mới đưa ống qua đường mũi. Bác sĩ sử dụng loại ống nội soi rất nhỏ, luồn qua đường mũi đã được xịt tê, qua ngả hầu họng xuống đến thực quản, dạ dày, hành tá tràng, tá tràng để quan sát bề mặt niêm mạc. Ưu điểm của phương pháp này là người bệnh không bị kích thích lưỡi gà, vòm khẩu cái và đáy lưỡi nên không có cảm giác khó chịu, nhiều trường hợp vẫn có thể nói chuyện bình thường với bác sĩ trong quá trình nội soi.

Vì sao nội soi được đánh giá là tối ưu nhất trong chẩn đoán bệnh dạ dày?

Ống tiêu hóa là một cơ quan rất khó chẩn đoán bệnh lý. Các phương pháp như siêu âm, chụp CT hay chụp MRI dù rất đắt tiền nhưng lại không có giá trị chẩn đoán bệnh lý ống tiêu hóa. Chụp X quang dạ dày cản quang có thể dùng trong một số trường hợp nhưng không chính xác như nội soi.

Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện được cả những tổn thương rất nhỏ, chỉ vài mm bên trong hệ tiêu hóa nhờ ống nội soi có thể đi sâu vào ống tiêu hóa. Không chỉ có vậy, trong quá trình nội soi, bác sĩ đồng thời còn có thể lấy mẫu sinh thiết tìm dấu ấn ung thư, xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn HP hoặc thực hiện cắt polyp, cầm máu xuất huyết đường tiêu hóa trong những trường hợp cần thiết…

Nội soi dạ dày có nguy hiểm không?

tất tần tật thông tin về nội soi dạ dày

Nên thực hiện nội soi tại các bệnh viện uy tín, thăm khám và tư vấn kỹ với bác sĩ chuyên khoa trước khi nội soi.

Nhìn chung nội soi dạ dày được đánh giá là an toàn, ít biến chứng nên bệnh nhân cũng không cần quá lo lắng. Mặc dù vậy bất cứ thủ thuật xâm lấn nào cũng có những biến chứng có thể xảy ra. Những biến chứng có thể gặp của nội soi dạ dày là: nhiễm trùng, chảy máu, thủng tá tràng, thực quản hoặc dạ dày hoặc shock phản vệ nếu dùng thuốc (rất hiếm).

Để giảm thiểu tối đa những nguy cơ này, người bệnh nên lựa chọn thực hiện tại các bệnh viện uy tín, có đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại. Người bệnh cũng cần nghiêm túc tuân thủ những dặn dò, lưu ý của bác sĩ trước, trong và sau khi thực hiện nội soi.

Chuẩn bị trước khi nội soi dạ dày

Để đảm bảo nội soi dạ dày an toàn, nhanh chóng và thuận lợi, người bệnh lưu ý:

  • Không dùng chất kích thích, không ăn những đồ ăn xơ cứng trước ngày soi.
  • Không uống các loại đồ uống có ga, có màu…
  • Nội soi buổi sáng phải nhịn ăn trước 6 tiếng
  • Nội soi buổi chiều phải nhịn ăn trưa
  • Trước nội soi 2 tiếng không được uống nước
  • Thông báo cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc mắc phải các bệnh lý như bệnh tim.
  • Cho bác sĩ biết về loại thuốc đang sử dụng hoặc có bị dị ứng với loại thuốc nào không, bao gồm cả thuốc gây mê.
  • Ăn mặc thoải mái, không nên đeo đồ trang sức.
tất tần tật thông tin về nội soi dạ dày

Sau khi nội soi dạ dày, người bệnh có thể ăn uống bình thường, chỉ nên ăn thức ăn dạng mềm, lỏng, nguội như sữa, bánh mì…

Chăm sóc sau khi nội soi dạ dày

Người bệnh cần lưu viện để nghỉ ngơi và theo dõi trong vòng một vài giờ sau khi nội soi. Đặc biệt các trường hợp nội soi dạ dày gây mê nên nhờ người đưa về. Bởi vì ảnh hưởng của chất gây mê và thuốc an thần sẽ khiến người bệnh sẽ cảm thấy buồn ngủ, không đủ tỉnh táo để tham gia giao thông.

Khi về nhà, bệnh nhân sẽ có một vài triệu chứng khó chịu như đầy hơi, tức bụng, quặn bụng, đau rát họng…. Những biểu hiện này sẽ nhanh chóng chấm dứt nên bệnh nhân không cần lo lắng quá. Nếu cảm thấy khó chịu hoặc  những triệu chứng nêu trên có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, hãy gọi ngay cho bác sĩ.

Về vấn đề ăn uống, khoảng 2 giờ sau khi nội soi bệnh nhân có thể dùng các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, sữa nguội… Lưu ý không dùng sữa nóng vì có thể làm dạ dày tổn thương.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital