Tăng huyết áp cấp cứu là một dạng tăng huyết áp nặng với dấu hiệu tổn thương các cơ quan đích gồm não, tim mạch, thận. Loại tăng huyết áp này có tỷ lệ tử vong hàng năm > 79% và cần được cấp cứu ngay trong 1-2 giờ, nếu không sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Menu xem nhanh:
1. Tăng huyết áp cấp cứu là gì?
Tăng huyết áp là bệnh cảnh rất phổ biến hiện nay. Trong đó bệnh nhân có thể gặp các cơn tăng huyết áp nặng, huyết áp tăng nhanh chóng so với mức bình thường. Tình trạng này có thể gặp ở 1-3% bệnh nhân có tăng huyết áp mạn tính, gồm 2 thể: tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp khẩn cấp.
Tăng huyết áp thể cấp cứu là tăng huyết áp nghiêm trọng với các đặc điểm:
– Đo huyết áp thấy huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120 mmHg.
– Có kèm theo tổn thương cơ quan đích mới xuất hiện hoặc nặng hơn gồm bệnh não do tăng huyết áp, tiền sản giật và sản giật, suy thất trái cấp có phù phổi cấp, thiếu máu cơ tim, tách thành động mạch chủ cấp và suy thận cấp.
– Các tổn thương tiến triển nhanh chóng và thường gây tử vong. Tỷ lệ tử vong hàng năm > 79%. Thời gian sống trung bình chỉ khoảng 10,4 tháng nếu không được điều trị.
Tăng huyết áp dạng này rất nguy hiểm, thường đòi hỏi phải kiểm soát huyết áp nhanh trong 1-2 giờ. Nếu trì hoãn có thể gây tổn thương thêm các cơ quan đích, không thể phục hồi.
2. Các bệnh cảnh điển hình
Tăng huyết áp dạng này có thể xuất hiện với các bệnh cảnh lâm sàng điển hình sau:
2.1 Tăng huyết áp ác tính
Huyết áp tâm trương ≥ 120 hoặc 130 mmHg. Các tổn thương đi kèm gồm:
– Tổn thương đáy mắt
– Suy thận cấp tiến triển
– Rối loạn đông máu
– Bệnh về não do tăng huyết áp
– Suy tim cấp
Nếu không được điều trị kịp thời, tiên lượng sẽ rất xấu.
2.2 Tăng huyết áp nặng đi kèm với các bệnh cảnh lâm sàng phức tạp
– Phình bóc tách động mạch chủ
– Nhồi máu cơ tim cấp
– Phù phổi cấp
– Xuất huyết não
Trường hợp này đòi hỏi phải hạ huyết áp khẩn trương.
2.3 Tăng huyết áp cấp cứu do u tuyến thượng thận, cường catecholamine
Thường có tổn thương cơ quan khác đi kèm.
2.4 Tăng huyết áp kèm sản giật hoặc tiền sản giật nặng
Triệu chứng lâm sàng tùy thuộc vào cơ quan đích nào bị tổn thương, thường là:
– Đau đầu
– Rối loạn thị giác
– Đau ngực
– Khó thở
– Chóng mặt
– Co giật
– Hôn mê
3. Phân biệt tăng huyết áp thể cấp cứu và tăng huyết áp khẩn trương
Tăng huyết áp khẩn trương cũng là tình trạng huyết áp tăng đáng kể, nhưng khác với tăng huyết áp cấp cứu ở chỗ không có bằng chứng tổn thương cơ quan đích (ngoại trừ bệnh võng mạc giai đoạn 1 đến 3).
Tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân không tuân thủ điều trị, hoặc ngưng thuốc hạ áp đang dùng. Một số khác xảy ra ở những bệnh nhân lo lắng quá độ hoặc có rối loạn giấc ngủ.
Mặc dù huyết áp của bệnh nhân tăng đáng kể nhưng hiếm khi gây biến chứng cấp tính do tăng huyết áp đã diễn tiến trong nhiều năm. Do đó việc hạ huyết áp ngay lập tức là không cần thiết. Bệnh nhân thường được chỉ định thuốc uống và để huyết áp hạ từ từ.
4. Chẩn đoán tăng huyết áp nặng thể cấp cứu
4.1 Khám lâm sàng
Bệnh nhân thường có huyết áp tăng cao rõ rệt (huyết áp tâm trương >120 mmHg), kèm theo các triệu chứng bất thường trên nhiều cơ quan như:
– Triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương: Điển hình là lẫn lộn, mất thị lực tạm thời, liệt nửa người, mất cảm giác, co giật…
– Triệu chứng tim mạch: Thường là đau ngực, khó thở.
– Triệu chứng tổn thương thận: Ít hoặc không biểu hiện triệu chứng. Các trường hợp suy thận tiến triển, bệnh nhân có thể hôn mê hoặc cảm thấy buồn nôn.
Khám thực thể vào các cơ quan đích giúp các bác sĩ tìm kiếm các rối loạn gồm:
– Giảm tri giác, biểu hiện lẫn lộn, không đáp ứng kích thích, hôn mê…
– Dấu hiệu thần kinh khu trú, gợi ý bệnh não hoặc đột quỵ
– Bệnh võng mạc giai đoạn nặng với các biểu hiện xơ hóa, xuất huyết dạng bông, hẹp tiểu động mạch, phù gai thị… thường đi kèm với bệnh não do tăng huyết áp
– Tĩnh mạch cổ nổi
– Rale ẩm đáy phổi
– Thấy tiếng tim thứ 3
– Mạch yếu bất đối xứng có thể là dấu hiệu lóc tách thành động mạch chủ
4.2 Khám cận lâm sàng chẩn đoán tăng huyết áp cấp cứu
Các xét nghiệm thường quy chẩn đoán huyết áp tăng cấp cứu bao gồm:
– Xét nghiệm máu: Xác định nồng độ BUN (lượng nito trong ure máu), Creatinine huyết thanh…
– Xét nghiệm nước tiểu: Các bất thường về nước tiểu như hồng cầu niệu, trụ hồng cầu và protein niệu là những gợi ý tổn thương về thận.
– Chụp CT: Khi bệnh nhân có các triệu chứng thần kinh cần chụp CT sọ để chẩn đoán xuất huyết não, phù não, hoặc nhồi máu não.
– Chụp X quang ngực: Bệnh nhân đau ngực hoặc khó thở.
– Điện tâm đồ: Các bất thường trên điện tâm đồ có thể là liên quan đến dấu hiệu của dày thất trái hoặc thiếu máu cơ tim cấp.
5. Điều trị tăng huyết áp thể cấp cứu
Mục tiêu của việc điều trị cấp cứu tăng huyết áp là giảm huyết áp tâm thu không quá 25% trong khoảng 1 giờ đầu, xuống 160/100mmHg trong 2-6 giờ tiếp theo nếu ổn định và đưa huyết áp về bình thường một cách thận trọng sau 24 – 48 giờ.
Một số trường hợp đặc biệt có chỉ định riêng biệt như sau:
– Bệnh nhân lóc tách động mạch chủ cần hạ huyết áp tâm thu xuống <120mmHg trong giờ đầu
– Bệnh nhân có tiền sản giật, sản giật, bệnh nhân tăng huyết áp do u tủy thượng thận: Cần làm cho huyết áp tâm thu giảm xuống < 140mmHg ngay trong giờ đầu.
Điều quan trọng khi điều trị tăng huyết áp thể này là:
– Xác định các cơ quan đích bị tổn thương bằng các biện pháp lâm sàng và cận lâm sàng
– Xác định các yếu tố làm tình trạng tăng huyết áp nặng thêm, ví dụ như sử dụng thuốc kích thích (amphetamine, cocaine…), đau, lo lắng,…
Từ đó xác định các biện pháp điều trị phù hợp. Thực tế cho thấy có khoảng 20% – 50% bệnh nhân tăng huyết áp thể cấp cứu do nguyên nhân thứ phát. Do vậy, ngoài việc hạ huyết áp, cần chẩn đoán các nguyên nhân gây khiến huyết áp tăng cao để có biện pháp điều trị phù hợp
Hiện nay, các loại thuốc điều trị tăng huyết áp thể này thường được truyền tĩnh mạch như sodium nitroprusside, nicardipine, nitroglycerine, labetalol, hydralazine… Thuốc có tác dụng nhanh, hiệu lực mạnh, tăng khả năng hồi phục, không gây nhịp nhanh, ít tác dụng phụ.
Tóm lại, tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng khẩn cấp cần được hạ áp ngay. Các loại thuốc được sử dụng cần phù hợp với từng bệnh nhân, có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu thấy huyết áp của người bệnh tăng cao, kèm theo các triệu chứng đau ngực, lưng, khó thở, tê bì, yếu liệt chi, giảm ý thức, nói khó, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn,… thì cần gọi cấp cứu ngay để được chăm sóc y tế kịp thời, giảm tối thiểu các biến chứng nặng, tránh những tổn thương nghiêm trọng đe dọa tính mạng.