Phương pháp tán sỏi thận ngược dòng bằng laser là bước tiến mới trong điều trị sỏi thận. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn, an toàn, thời gian hồi phục nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn mới, chưa được nhiều người biết đến. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin tổng quan nhất về phương pháp tán sỏi thận ngược dòng.
Menu xem nhanh:
1.Tán sỏi thận ngược dòng là gì?
Tán sỏi thận ngược dòng với tên đầy đủ là nội soi ngược dòng tán sỏi thận laser bằng ống soi mềm. Đây là kỹ thuật sử dụng ống nội soi đi từ niệu đạo qua bàng quang, lên niệu quản và tiếp cận trực tiếp với viên sỏi. Sau đó, sử dụng năng lượng laser để phá vỡ viên sỏi rồi tiến hành bơm rửa hoặc gắp lấy vụn sỏi.
Các yếu tố ảnh hưởng:
- Kích thước sỏi: phù hợp nhất với các trường hợp sỏi có kích thước dưới 10mm. Tuy nhiên, khi sỏi có kích thước 10-15mm thì cũng có thể làm sạch bằng phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi. Sỏi có kích thước lớn, nhất là trên 25mm không được khuyến khích lựa chọn phương pháp này.
- Chức năng bài tiết của thận: Thận có chức năng bài tiết tốt sẽ cho kết quả tống sỏi tốt hơn.
- Số lượng sỏi: Số lượng sỏi càng nhiều thì càng là bất lợi cho nội soi tán sỏi thận ngược dòng.
- Lưu thông niệu quản: Nội soi tán sỏi thận ngược dòng chỉ định khi có sự lưu thông tốt của đường niệu, không có hẹp niệu quản.
1.1 Các trường hợp chỉ định tán sỏi thận ngược dòng
Bệnh nhân được chỉ định tán sỏi ngược dòng khi đảm bảo các điều kiện sau:
- Sỏi đài bể thận có kích thước < 25mm, đơn thuần, phối hợp, nhiều viên.
- Sỏi thận sót lại hoặc tái phát sau khi mổ mở.
- Sỏi niệu quản trên di chuyển trong thận sau tán sỏi nội soi ngược dòng.
- Sỏi niệu quản trên di chuyển vào thận sau khi phẫu thuật nội soi lấy sỏi sau phúc mạc.
- Sử dụng ống soi mềm phối hợp trong trường hợp tán sỏi nội soi qua da khó tiếp cận hoặc trong trường hợp mở bể thận kết hợp ống soi mềm lấy sạch sỏi.
1.2 Chống chỉ định với các trường hợp
Phương pháp này không được chỉ định trong những trường hợp:
- Dị dạng thận, chít hẹp đường niệu phía dưới sỏi. Không tiếp cận được qua đường ngược dòng.
- Sỏi đài bể thận có kích thước > 25mm
- Sỏi đài dưới với góc LIP < 30 độ, IW < 5 mm và IL > 30mm
- Bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa được điều trị, thận ứ nước mất chức năng.
- Trường hợp có chống chỉ định về gây mê, hồi sức.
- Bệnh nhân đang có rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông; bệnh nhân suy thận, thận mất chức năng.
2. Ưu nhược điểm của phương pháp
2.1 Ưu điểm của tán sỏi thận ngược dòng
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi thận, với các phương pháp mổ hở hay mổ nội soi có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng, đau sau mổ, hẹp niệu quản. Việc ứng dụng năng lượng laser vào điều trị sỏi thận đã khắc phục được những nhược điểm của các phương pháp truyền thống:
- Thời gian phẫu thuật ngắn, khoảng 30 – 60 phút.
- Không đau, ít phải chăm sóc sau mổ.
- Ngay sau phẫu thuật nội soi 3-6 tiếng, bệnh nhân có thể ăn nhẹ và ra viện ngay sau 1-2 ngày.
- Có thể tán được hầu hết các loại sỏi.
- Đạt tỷ lệ sạch sỏi 100%
- Không để lại sẹo, không gây chảy máu, nhiễm khuẩn.
- An toàn, ít gây tổn thương đến niệu quản.
- Tỷ lệ biến chúng rất thấp, rút ngắn thời gian điều trị và chi phí nằm viện.
2.2 Nhược điểm của tán sỏi thận ngược dòng
- Phương pháp này không áp dụng với những bệnh nhân hẹp niệu đạo hay đang bị viêm nhiễm đường tiết niệu.
- Phương pháp đòi hỏi kỹ thuật cao, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm nên mới chỉ thực hiện được ở các bệnh viện lớn.
- Chi phí cho một phẫu thuật tán sỏi thận ngược dòng còn khá cao
2.3 Các biến chứng có thể gặp
Điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi ngược dòng có độ an toàn và hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong quá trình tán sỏi, bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp phải một số biến chứng sau: thủng niệu quản (do đốt laser nhầm vị trí hoặc bị lan), sốt, đi tiểu ra máu sau khi thực hiện, không đặt được ống nội soi để tiếp cận vào vị trí có sỏi,…
3. Quy trình nội soi ngược dòng tán sỏi thận bằng laser
Bệnh nhân được tê tủy sống, nằm ngửa ở tư thế sản khoa. Bác sĩ dùng ống nội soi niệu quản qua đường niệu đạo vào các đài thận đến sỏi. tiếp đến là luồn dây dẫn tia laser đến sỏi. Tùy theo độ cứng của sỏi, bác sĩ sẽ dùng tia laser cường độ lớn hay nhỏ bắn vào sỏi. Sỏi được tán vỡ sẽ theo nước tiểu xuống bàng quang và đi ra ngoài. Nếu mảnh sỏi lớn hơn 3mm, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để đưa sỏi ra ngoài. Sau tán sỏi, bệnh nhân sẽ được đặt một dây dẫn tạm từ thận qua niệu quản xuống bàng quang và đặt sonde bàng quang. Các sonde này có thể rút sau 3-5 ngày tùy thuộc vào tình trạng sỏi và niệu quản. Sau đó bệnh nhân có thể ra viện nếu tình trạng sức khỏe đã ổn định, không có vấn đề bất thường.
4. Đề phòng và tránh sỏi thận tái phát
Để đề phòng và tránh sỏi tái phát, sau khi tán sỏi, bệnh nhân cần lưu ý một số điểm sau:
- Sau khi thực hiện tán sỏi, nên uống nhiều nước (2-3 lít) mỗi ngày để đẩy hết sỏi ra ngoài có thể. Không được nhịn tiểu.
- Bổ sung nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin A và vitamin B6 như: thịt, cá, gan động vật, cải bó xôi, đậu hà lan, bông cải xanh, ớt chuông, cà rốt, chuối,…Vitamin A giúp điều hòa hệ thống bài tiết nước tiểu, chống hình thành sỏi. Còn vitamin B6 hạn chế hình thành sỏi thận do làm giảm khả năng kết tủa oxalate.
- Hạn chế bổ sung đạm, các loại thịt đỏ do làm tăng lượng axit, canxi trong nước tiểu. Do đó, người bị sỏi thận chỉ nên ăn 200g protein mỗi ngày.
- Ăn ít muối, đường và thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều oxalate: dưa chuột, măng tây, rau muống, dâu tây, me chua,..
Tán sỏi thận ngược dòng là phương pháp điều trị sỏi thận hiện đại, an toàn và giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên phương pháp tán sỏi này đòi hỏi trang thiết bị hiện đại. Vì vậy, khi có ý định thực hiện phương pháp này, người bệnh cần tìm đến những cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được tư vấn và điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất.