Tán sỏi ngược dòng là công nghệ tán sỏi tiên tiến hiện nay. Phương pháp này điều trị hiệu quả sỏi thận và sỏi tiết niệu chỉ với một lần tán duy nhất. Cùng tìm hiểu rõ hơn về phương pháp tán sỏi này ngay trong bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Phương pháp tán sỏi ngược dòng cụ thể như thế nào?
Tán sỏi ngược dòng hay còn gọi là tán sỏi nội soi ngược dòng theo đường tự nhiên. Đây là phương pháp tán sỏi mà bác sĩ dùng một ống nội soi mềm đi ngược từ niệu đạo lên bàng quang đến niệu quản. Tiếp cận vị trí có sỏi và dùng năng lượng laser để phá vỡ viên sỏi thành nhiều mảnh vụn nhỏ. Những mảnh sỏi to sẽ được dụng cụ nội soi đưa ra ngoài theo đường tự nhiên. Những mảnh sỏi vụn nhỏ được tống xuất ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu.
2. Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp tán sỏi ngược dòng
2.1. Áp dụng phương pháp tán sỏi ngược dòng trong những trường hợp nào?
Tán sỏi nội soi ngược dòng được áp dụng trong trường hợp:
– Người bệnh có sỏi đài bể thận kích thước dưới 3cm.
– Tán sỏi đơn thuần, một viện hay phối hợp nhiều viên.
– Người bị sỏi niệu quản nhỏ hơn 5mm nhưng điều trị nội khoa không cải thiện.
– Người có sỏi niệu quản nằm ở vị trí hẹp, sỏi nằm trên polyp.
– Người có sỏi niệu quản nằm trên vị trí sa lồi niệu quản.
Trong trường hợp tán sỏi sử dụng ống nội soi bán cứng thì sẽ tán được những viên sỏi ở vị trí ⅓ trên (đối với nữ). Với nam giới chỉ nên áp dụng tán sỏi ở vị trí thấp hơn.
2.2. Không áp dụng tán sỏi ngược dòng trong những trường hợp nào?
Tuy đây là một phương pháp tán sỏi tiên tiến, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Các trường hợp sau chống chỉ định phương pháp tán sỏi này:
– Người có niệu quản bị hẹp, bị gấp khúc, bị dị dạng thận.
– Niệu quản không đặt được máy nội soi tán sỏi.
– Người bệnh có sỏi đài bể thận có kích thước lớn hơn 3cm.
– Người bệnh bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa được điều trị.
– Người bệnh bị thận ứ nước, suy giảm chức năng thận.
– Phụ nữ có thai và những bệnh nhân mắc các rối loạn về đông máu…
3. Quy trình thực hiện phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng
Thông thường tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser gồm 4 bước:
– Bước 1: Người bệnh được đưa vào phòng mổ, bác sĩ gây mê tiến hành gây mê tủy sống hoặc gây mê toàn thân.
– Bước 2: Bệnh nhân nằm trên bàn phẫu thuật ở tư thế sản khoa. Bác sĩ thao tác đặt ống nội soi theo đường tự nhiên tiếp cận vị trí sỏi cần tán.
– Bước 3: Khi tiếp cận đến vị trí sỏi cần tán, năng lượng laser sẽ giúp phá nát viên sỏi. Mảnh sỏi to sẽ được các dụng cụ nội soi gắp ra. Mảnh sỏi nhỏ có thể tự thoát khi người bệnh đi tiểu.
– Bước 4: Sau tán sỏi bác sĩ sẽ tiến hành đặt một sonde JJ từ thận qua niệu quản xuống bàng quang, đặt xông tiểu. Sonde JJ sẽ được rút theo chỉ định của bác sĩ vào lịch tái khám cụ thể.
4. Các ưu điểm và nhược điểm của phương pháp tán sỏi ngược dòng
4.1. Ưu điểm vượt trội của phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng
So với phương pháp phẫu thuật mổ mở truyền thống, tán sỏi nội soi ngược dòng là công nghệ điều trị sỏi đột phá với nhiều ưu điểm:
– Đây là phương pháp tán sỏi theo đường tự nhiên, không xâm lấn, ít đau, không chảy máu.
– Lấy hết được sỏi ngay trong 1 lần thực hiện tán sỏi.
– Hầu như không ảnh hưởng đến chức năng thận, bảo tồn các tế bào thận tốt. Bệnh nhân phục hồi nhanh, thời gian lưu viện chỉ khoảng 24 đến 48 giờ sau tán sỏi.
– Vì không mổ nên hạn chế tối đa nhiễm trùng. Không có sẹo nên loại bỏ sỏi mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ so với mổ truyền thống.
4.2. Nhược điểm của phương pháp này là
Tán sỏi nội soi ngược dòng là công nghệ tiên tiến nhưng cũng có một số nhược điểm:
– Chống chỉ định với phụ nữ mang thai, những người có rối loạn đông máu…
– Những bệnh nhân bị hẹp niệu đạo cũng không áp dụng được.
– Có nguy cơ xảy ra biến chứng thủng niệu quản do đốt laser nhầm chỗ sau tán sỏi…
5. Những biểu hiện của người bệnh sau khi thực hiện tán sỏi
5.1. Biểu hiện bình thường sau khi bệnh nhân thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng
– Trong ngày đầu tiên sau tán sỏi người bệnh cảm thấy đau nhẹ vùng lưng.
– Một vài ngày đầu, nước tiểu sẽ có màu hồng loãng. Sau đó giảm dần và hết.
– Sau khi hết thuốc tê, người bệnh hơi bị tê nhẹ hai chân.
– Do đặt sonde JJ nên sẽ bị kích thích đi tiểu thường xuyên hơn. Tình trạng này hết khi người bệnh được rút sonde JJ.
5.2. Những biểu hiện bất thường sau tán sỏi nội soi ngược dòng
– Bệnh nhân cảm thấy đau nhiều phần lưng, lan xuống bộ phận sinh dục.
– Nước tiểu có máu đỏ tươi hoặc có máu cục. Bệnh nhân đi tiểu khó hoặc không đi tiểu được.
– Bệnh nhân bị sốt, buồn nôn hoặc nôn, tình trạng này cảnh báo có nhiễm trùng.
6. Chăm sóc bệnh nhân sau thực hiện tán sỏi
Chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi có vai trò quan trọng giúp nhanh hồi phục, giảm biến chứng và phòng tái phát sỏi.
6.1. Chăm sóc dinh dưỡng bệnh nhân sau tán sỏi
– Người bệnh ăn cháo, súp 6 giờ sau tán sỏi. Những ngày tiếp theo tăng cường thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, ưu tiên hoa quả, rau củ tươi.
– Tránh các gia vị cay nóng như ớt, tiêu trong bữa ăn hàng ngày.
– Kiêng rượu, bia và các chất kích thích như cà phê, chè; không hút thuốc lá.
– Uống nhiều nước để làm loãng nước tiểu và giúp tống xuất mảnh sỏi vụn dễ dàng hơn.
6.2. Chú ý về vận động sau tán sỏi
Bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng ngay sau khi thực hiện tán sỏi. Trong vài ngày đầu tiếp tục vận động, đi lại nhẹ nhàng. Bệnh nhân có thể sinh hoạt cuộc sống hàng ngày sau từ 7 đến 10 ngày. Kiêng quan hệ tình dục trong 3 tuần sau tán sỏi.
Sau khi thực hiện tán sỏi, bệnh nhân cần tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và đến tái khám đúng lịch.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser có nhiều ưu điểm này là một kỹ thuật khó. Phương pháp này đòi hỏi phải được thực hiện tại bệnh viện lớn, nơi có đội ngũ bác sĩ giỏi và trang bị thiết bị y tế hiện đại.