Tán sỏi ngoài cơ thể ESWL – điều trị sỏi tiết niệu không cần mổ

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Tán sỏi ngoài cơ thể ESWL (Extracorporeal Shock Wave Lithotripsy) là bước đột phá công nghệ trong điều trị sỏi tiết niệu. Bởi đây là phương pháp điều trị ít sang chấn, được áp dụng ngày càng rộng rãi nhằm giúp người bệnh loại bỏ sạch sỏi êm ái, không cần mổ, không đau, không nằm viện.

1. Thế nào là tán sỏi ngoài cơ thể ESWL?

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu có hiệu quả cao, an toàn và nhẹ nhàng nhất hiện nay. Nguyên lý của phương pháp là sử dụng năng lượng sóng xung kích làm vỡ sỏi. Sau đó, các mảnh sỏi sẽ được đào thải ra ngoài cơ thể theo nước tiểu.

Khi mà tỷ lệ bệnh lý sỏi tiết niệu đang ngày một gia tăng và tái phát cao thì sự ra đời của phương pháp này giúp cho việc điều trị sỏi tiết niệu được thuận lợi và dễ dàng hơn. Người bệnh nhờ đó mà chủ động hơn khi phát hiện có sỏi, tránh tâm lý sợ đau, sợ phải mổ mới có thể làm sạch sỏi mà chần chừ trong việc thăm khám và điều trị.

Tán sỏi ngoài cơ thể ESWL sử dụng năng lượng sóng xung kích để phá vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ

Tán sỏi ngoài cơ thể ESWL sử dụng năng lượng sóng xung kích để phá vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ

2. Tán sỏi ngoài cơ thể áp dụng cho những trường hợp nào?

Vị trí và kích thước của sỏi ảnh hưởng đến hiệu quả tán sỏi ngoài cơ thể. Thông thường, phương pháp này được chỉ định cho các đối tượng:

  • Sỏi thận có kích thước <1.5cm
  • Sỏi niệu quản 1/3  trên sát bể thận và kích thước < 1cm.
  • Các trường hợp chống chỉ định với phương pháp này bao gồm:
  • Nam giới bị hẹp niệu đạo
  • Người bệnh bị rối loạn đông máu
  • Người bệnh bị hẹp niệu quản đoạn dài ở phía dưới sỏi.
  • Người bệnh đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu nặng. Trường hợp này muốn tán sỏi cần điều trị hết nhiễm trùng.

3. Kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể ESWL

Quy trình tán sỏi ngoài cơ thể được thực hiện qua các bước sau:

Bước 1: Bệnh nhân được hướng dẫn nằm ngửa, trên máy tán sỏi. Bác sĩ sẽ tiến hành gây tiền mê nhẹ hay thuốc giảm đau an thần. Chỉ tiến hành gây mê khi có chỉ định đặc biệt.

Bước 2: Sử dụng hệ thống định vị bằng điện quang để xác định vị trí của sỏi.

Bước 3: Năng lượng tạo ra từ sóng chấn động của máy sỏi khu trú vào viên sỏi và tán vỡ mà không gây hại các phần mô xung quanh. Thời gian tán sỏi trung bình từ 30 – 45 phút.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đã ứng dụng rất thành công phương pháp tán sỏi qua da ESWL trong điều trị sỏi tiết niệu.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đã ứng dụng rất thành công phương pháp tán sỏi qua da ESWL trong điều trị sỏi tiết niệu.

4. Một số lưu ý khi thực hiện tán sỏi:

  • Sóng chấn động sẽ phát theo đúng nhịp đập của tim, khoảng 70 – 80 lần/ phút. Trung bình mỗi liệu trình tán sỏi khoảng 2000 sóng nhưng không quá 3000 sóng để đảm bảo an toàn cho nhu mô thận.
  • Do sỏi di động theo nhịp thở nên trong quá trình tán sỏi bệnh nhân cần giữ nhịp thở đều và sâu. Nếu không, sóng xung kích sẽ không tác động đến đúng vị trí của sỏi. Số lần này tăng lên sẽ làm giảm hiệu quả điều trị và có thể tổn thương các mô xung quanh.

5. Hiệu quả tán sỏi phụ thuộc vào các yếu tố:

  • Kích thước và độ cứng của viên sỏi
  • Công suất của máy tán sỏi: Bác sĩ sẽ điều chỉnh công suất máy dựa vào độ cứng của viên sỏi theo kết quả trên X quang hoặc sự vỡ của sỏi trong quá trình tán.
  • Vị trí của sỏi: Sỏi nằm ở đài thận hay bể thận thường dễ vỡ hơn sỏi ở niệu quản.
  • Khoảng cách từ da đến sỏi: Người bệnh gầy hay béo đều ảnh hưởng đến hiệu quả tán sỏi.
  • Sự thông suốt của đường niệu: Vì sau khi tán, những mảnh sỏi sẽ được đào thải ra ngoài qua đường dẫn tiểu.
  • Chức năng thận của bệnh nhân còn tốt và còn khả năng bài tiết  nước tiểu.

6. Ưu – nhược điểm của phương pháp

6.1 Ưu điểm tán sỏi ngoài cơ thể ESWL

  • Tán sỏi ngoài cơ thể được đánh giá là phương pháp hàng đầu trong điều trị sỏi tiết niệu vì có độ an toàn cao, không xâm lấn, không đau, không để lại sẹo.
  • Phương pháp không gây ảnh hưởng đến thận và các mô xung quanh.
  • Giảm thời gian nằm viện và chi phí sau điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân có thể ra về trong ngày sau khi tán sỏi.
  • Giảm tối đa có nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng  so với phương pháp mổ hở.

6.2 Nhược điểm

  • Không áp dụng với những trường hợp sỏi có kích thước lớn: sỏi thận > 1.5 cm; sỏi niệu quản > 1cm.
  • Với những sỏi rắn hoặc có kích thước lớn chưa tán hết thì phải tán lại 2 -3 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 tuần.

6.3 Các biến chứng có thể gặp sau tán sỏi ngoài cơ thể ESWL

Khi điều trị sỏi đường tiết niệu bằng phương pháp tán sỏi ngoài  cơ thể có thể gặp một số biến chứng sau:

  • Các mảnh vụn sỏi có thể làm tắc niệu quản gây cơn đau quặn thận.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu, gây nhiễm trùng máu.
  • Tụ máu quanh thận, gan, lách. Rối loạn nhịp tim.
  • Để hạn chế tối đa các rủi ro, nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh nên lựa chọn tán sỏi ngoài cơ thể tại các địa chỉ uy tín, có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống máy tán sỏi công suất cao và chế độ chăm sóc tốt.

7. Chăm sóc người bệnh sau tán sỏi

Để quá trình tán sỏi đạt hiệu quả cao và hạn chế sỏi tái phát sau tán, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:

Sau khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, hợp lý

Sau khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, hợp lý

  • Sau khi tán sỏi xong người bệnh cần uống nhiều nước (2-3 lít nước mỗi ngày) để đẩy sỏi hết ra ngoài qua đường nước tiểu.
  • Không nên nhịn tiểu: Nhịn tiểu sẽ làm chậm quá trình phục hồi và có thể kéo sỏi trở lại.
  • Sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa giúp người bệnh hấp thu tốt hơn, dễ tiêu hóa không tạo gánh nặng khi bệnh nhân đi vệ sinh.
  • Tránh vận động mạnh, va đập vào vùng cơ thể tại vị trí tán sỏi.
  • Uống thuốc đúng theo đơn của bác sĩ và tái khám sau 1 tháng.
  • Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat, purin: rau bina, cải xoăn, bột cacao, khoang lang, thịt đỏ, đậu phộng,… vì sẽ làm tăng nguy cơ tại hình thành sỏi.
  • Khi bệnh nhân có các biểu hiện bất thường như sốt, cơ đau quặn thận,.. thì liên hệ với bác sĩ điều trị để được thăm khám ngay.

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể ESWL là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu có độ an toàn cao, thời gian phục hồi nhanh. Người bệnh có thể về nhà ngay sau khi tán sỏi và sớm quay trở lại công việc hàng ngày. Nhìn chung khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ sỏi tiết niệu nên thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Với sự xuất hiện của các phương pháp tán sỏi công nghệ cao như tán sỏi ngoài cơ thể thì việc điều trị hiện nay đã nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn rất nhiều nên người bệnh không cần quá lo lắng, càng điều trị sớm thì càng đơn giản.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital