Gan nhiễm mỡ là bệnh lý nguy hiểm nhưng còn không ít người chủ quan. Trên thực tế, nếu bệnh không được điều trị kịp thời và hiệu quả sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Cùng theo dõi bài viết sau để tìm hiểu tác hại của gan nhiễm mỡ.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng về 3 cấp độ của gan nhiễm mỡ
Gan là cơ quan có vai trò quan trọng với sức khỏe, có chức năng thanh lọc độc tố, chuyển hóa thức ăn dành thành các chất dinh dưỡng quan trọng đồng thời dự trữ năng lượng ở nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên, khi một lượng mỡ lớn tích tụ trong gan sẽ khiến các chức năng trên bị ảnh hưởng và không thể đảm bảo.
Ở một lá gan khỏe mạnh, lượng mỡ dao động từ khoảng từ 3-5% tổng trọng lượng lá gan. Khi con số này tăng lên ngưỡng từ 5-10% sẽ được coi là gan nhiễm mỡ.
Tùy thuộc vào hàm lượng mỡ tích tụ trong các mô gan, gan nhiễm mỡ được chia thành 3 cấp độ chính như sau, cụ thể là:
1.1. Gan nhiễm mỡ cấp độ 1
Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, hàm lượng mỡ trong gan còn ít, chiếm khoảng 5-10% tổng trọng lượng gan. Lúc này mỡ nhiễm gan chưa gây ra các triệu chứng cụ thể và chưa gây ảnh hưởng tới chức năng của gan.
1.2. Gan nhiễm mỡ cấp độ 2
Lúc này lượng mỡ thừa trong gan tăng lên khoảng 10-25%. Bước sang giai đoạn 2, mỡ trong gan đã ảnh hưởng ít nhiều đến chức năng hoạt động. Tuy nhiên, các dấu hiệu nhận biết chưa thực sự rõ ràng và khả năng điều trị, hồi phục vẫn cao.
1.3. Gan nhiễm mỡ cấp độ 3
Đây là giai đoạn cuối cùng, mức độ nguy hiểm cao. Lượng mỡ tích tụ trong gan chiếm hơn 30% trọng lượng lá gan. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối cùng, các triệu chứng bắt đầu rõ ràng và khiến người bệnh mệt mỏi, ốm yếu hơn. Ở giai đoạn 3, gan đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên việc điều trị và hồi phục chức năng gặp nhiều khó khăn. Khi gan nhiễm mỡ bước sang cấp độ cuối, dễ gây ra các biến chứng như xơ gan, suy gan, ung thư gan, …
2. Tìm hiểu các biến chứng và tác hại của gan nhiễm mỡ
Khi bị gan nhiễm mỡ giai đoạn 1 và 2, tình trạng bệnh chưa ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khỏe. Người bệnh vẫn có thể ăn uống, làm việc và sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên, nếu người bệnh không kiểm soát và điều trị, bệnh gan nhiễm mỡ có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng như sau.
2.1. Tác hại của gan nhiễm mỡ – Các biến chứng liên quan đến gan
Một trong những hậu quả nguy hiểm của gan nhiễm mỡ chính là khả năng gây ra các biến chứng bất thường đến gan bao gồm: xơ gan, suy gan, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan cổ chướng hay ung thư gan. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 70% ca bệnh ung thư gan hình thành do xơ gan. Chính vì vậy, việc điều trị gan nhiễm mỡ từ giai đoạn đầu tiên là vô cùng cần thiết. Vì khi bệnh ở cấp độ 1, cấp độ 2 khả năng điều trị khỏi cao và gan cũng có thể hồi phục tốt.
2.2. Tác hại của gan nhiễm mỡ – Chức năng gan suy giảm
Khi hàm lượng mỡ thừa tích tụ quá nhiều tại mô gan, các tế bào gan bị chèn ép liên tục. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chuyển hóa và tích trữ tại gan. Nếu kéo dài, chức năng gan suy giảm và gián đoạn nặng nề.
2.3. Gan nhiễm mỡ ảnh hưởng tới các cơ quan khác
Hậu quả của gan nhiễm mỡ không chỉ với gan mà còn ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan khác. Gan nhiễm mỡ kéo dài gây mệt mỏi, chán ăn, suy giảm hệ miễn dịch và dễ mắc các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
2.4. Ảnh hưởng tới chức năng của hệ thần kinh, huyết quả
Khi gan bị nhiễm mỡ, hàm lượng lipoprotein và phospholipid trong huyết tương suy giảm. Tình trạng này xảy ra trong thời gian dài ảnh hưởng tới huyết quản và hệ thần kinh, từ đó gây xơ vữa động mạch, suy giảm trí nhớ.
3. Bạn đã biết nguyên nhân dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ
3.1. Lạm dụng bia rượu gây ra bệnh gan nhiễm mỡ
Chất kích thích có trong bia rượu khi được đưa vào cơ thể làm tăng nguy cơ tiêu hủy lipid ở các mô ngoại biên và làm tăng hàm lượng các axit béo tự do từ mô mỡ đến gan. Kết quả là triglyceride tích tụ tại gan, gây bệnh gan nhiễm mỡ.
3.2. Rối loạn chuyển hóa
Sự rối loạn chuyển hóa mỡ ở gan cũng là nguyên nhân gây bệnh. Rối loạn chuyển hóa làm mỡ dư thừa trong các tổ chức của gan, chúng tích tụ lại và khiến gan bị nhiễm mỡ.
3.3. Nguyên nhân do biến chứng từ các bệnh lý khác
Bên cạnh những nguyên nhân trực tiếp, bệnh gan nhiễm mỡ còn có thể do các nguyên nhân khác gây nên như béo phì hoặc tiểu đường. Cụ thể, những người ăn thừa 1000 calo các thực phẩm chứa nhiều đường trong khoảng 3 tuần sẽ khiến lượng mỡ thừa trong gan tăng lên 27%.
3.4 Một số nguyên nhân khác gây bệnh gan nhiễm mỡ
Lối sống thiếu khoa học, ít vận động, ăn uống không lành mạnh cũng là nguyên nhân khiến gan tích trữ mỡ. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng thuộc nhóm nguyên nhân gây bệnh, dù tỷ lệ thấp. Một số trường hợp bị bệnh lại do tác dụng phụ của một số thuốc điều trị.
4. Một số dấu hiệu cảnh báo gan nhiễm mỡ
4.1. Mệt mỏi
Mệt mỏi là triệu chứng của nhiều bệnh lý trong đó có gan nhiễm mỡ. Người bệnh gan nhiễm mỡ có thể thường xuyên thấy mệt mỏi, uể oải, khó tập trung, mất năng lượng. Bên cạnh dấu hiệu này, bệnh nhân cũng nên để ý đến các biểu hiện đi kèm khác để phát hiện sớm bệnh gan nhiễm mỡ.
4.2. Ngứa, nổi mề đay, mẩn đỏ
Người bệnh gan nhiễm mỡ thường xuyên nổi mề đay, ngứa ngáy khắp cơ thể. Nguyên nhân gây ngứa chủ yếu là do dư thừa muối mật trong cơ thể. Khi bị ngứa do bệnh này, gãi thường không giúp giảm ngứa mà có thể làm tình trạng kích ứng nặng hơn.
4.3. Thay đổi màu nước tiểu
Thông thường, một người khỏe mạnh, uống nhiều nước, nước tiểu có màu vàng nhạt. Nhưng nước tiểu của người mắc bệnh về gan lại sẫm màu dù đã uống đủ nước mỗi ngày.
4.4. Vàng da
Bệnh gan tiến triển đến vàng da, lòng trắng mắt cũng có màu vàng. Các triệu chứng vàng da xuất hiện ở mắt và mặt rồi lan ra các phần khác trên cơ thể.
Như đã nói, gan nhiễm mỡ khó phát hiện vì triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng. Do đó, người bệnh nên thăm khám sức khỏe Gan mật thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng. Đặc biệt những người đã bị gan nhiễm mỡ cần theo dõi sát sao và tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ.