Meloxicam là thuốc giảm đau và chống viêm được dùng phổ biến trong điều trị cho các bệnh nhân bị viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, nhờ tác dụng giảm đau, giảm co cứng và sưng khớp. Cùng tìm hiểu về dấu hiệu của các bệnh lý này và cách sử dụng thuốc trong điều trị bệnh sao cho đạt hiệu quả tối ưu.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm khớp: Các dạng và triệu chứng cơ bản
1.1 Ảnh hưởng của bệnh viêm khớp đối với người bệnh
Viêm khớp là tên gọi để chỉ một nhóm bệnh lý về khớp tại những vị trí khác nhau, thường gặp nhất là:
– Viêm khớp gối
– Viêm khớp háng
– Viêm khớp cổ tay
– Viêm khớp cổ chân
– Viêm khớp ngón chân
– Viêm khớp dạng thấp
– Viêm cột sống dính khớp
1.2 Các triệu chứng viêm khớp
Khi mắc các bệnh này, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng bất thường tại một hoặc nhiều khớp trên cơ thể tùy vào vị trí viêm. Các dấu hiệu cảnh báo viêm khớp gồm:
– Đau nhức khớp
– Sưng, đỏ khớp
– Cứng khớp
– Hạn chế phối hợp vận động ở các khớp
– Ấm nóng khu vực xung quanh khớp bị ảnh hưởng
– Sốt, thậm chí sốt cao
– Mệt mỏi
– Khó chịu
– Có thể xuất hiện khối u và bướu
1.3 Cần làm gì khi có dấu hiệu mắc bệnh viêm khớp?
Khi xuất hiện các triệu chứng viêm khớp, cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Thông thường, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng sau đó chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm, chụp chiếu để kiểm tra chất lỏng xung quanh khớp, tình trạng sưng, nóng hoặc đỏ khớp cũng như phạm vi cử động của khớp. Khi có kết luận chính xác, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp bao gồm các phương pháp: điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu, tập luyện dinh dưỡng,…
2. Công dụng của Meloxicam trong điều trị các bệnh viêm khớp
Meloxicam thuộc nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID), thường được các bác sĩ kê trong quá trình điều trị các bệnh lý viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp… với công dụng chính là giảm đau, giảm co cứng và sưng khớp.
Trong trường hợp viêm khớp mạn tính, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn loại thuốc phù hợp và mang lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, Meloxicam còn được dùng trong điều trị các cơn đau do gout cấp tính. Thuốc chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
3. Những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc Meloxicam
3.1 Các tác dụng phụ thường gặp
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của meloxicam bao gồm: đau đầu, buồn nôn, nôn, chóng mặt, viêm họng, tiêu chảy, đau dạ dày, phát ban, ngứa… Ngoài ra, khi sử dụng thuốc trong thời gian dài, người bệnh có nguy cơ đối mặt với các tình trạng sau:
Loét dạ dày
Sử dụng Meloxicam lâu dài có thể gây chảy máu dạ dày hoặc loét dạ dày. Thậm chí người bệnh có thể tử vong nếu không điều trị bệnh dạ dày kịp thời.
Nguy cơ này đặc biệt cao ở những người lớn tuổi, thường xuyên uống rượu hoặc sức khỏe kém. Chảy máu hoặc loét dạ dày có thể không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Nếu có các triệu chứng thường gặp là đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu hoặc phân đen.
Tăng huyết áp
Sử dụng Meloxicam trong thời gian có thể gây tăng huyết áp hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp ở những người đang có bệnh huyết áp cao.
Giữ nước, gây hại cho tim, gan, thận
Tình trạng giữ nước hoặc phù có thể xảy ra khi dùng Meloxicam kéo dài. Do đó thuốc này không được dùng cho những người mắc bệnh tim. Việc sử dụng thuốc lâu dài cũng có thể gây hại cho gan, thận nên cần rất cẩn trọng nếu bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh này.
Đột quỵ
Ngay cả khi không có tiền sử bệnh tim, người bệnh cũng có nguy cơ bị đột quỵ rất cao nếu dùng thuốc này. Thông thường, NSAID không được kê đơn hay điều trị các cơn đau phát sinh do phẫu thuật ghép nối động mạch vành.
Mất ngủ
Người sử dụng Meloxicam trong thời gian dài có thể gặp phải tình trạng mất ngủ với các biểu hiện không thể đi vào giấc ngủ, luôn cảm thấy buồn ngủ và thiếu năng lượng vào ban ngày. Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, người bệnh thường xuyên lo lắng, cáu kỉnh, khó tập trung, suy giảm trí nhớ.
3.2 Liều dùng
– Đối với người cao tuổi
Nhà sản xuất khuyến cáo nên dùng 7,5 mg/lần/ngày. Người bị suy gan, suy thận ở mức độ nhẹ và vừa không cần điều chỉnh liều liều lượng. Không nên sử dụng thuốc cho những bệnh nhân suy thận nặng. Những người đang chạy thận nhân tạo không nên sử dụng liều vượt quá 7,5 mg/ngày.
– Đối với trẻ em
Liều dùng được khuyến cáo theo độ tuổi như sau:
+ Dưới 2 tuổi: Cần thận trọng khi sử dụng do hiệu quả và tính an toàn của Meloxicam với đối tượng này chưa được chứng minh.
+ Trên 2 tuổi: Liều dùng Meloxicam là 0,125 mg/kg/ngày, không vượt quá 7,5 mg/ngày.
3.3 Trường hợp nào không nên sử dụng thuốc Meloxicam?
Thuốc Meloxicam có thể gây nguy hiểm trong một số trường hợp sau:
– Người dị ứng với các loại thuốc chống viêm không steroid khác, ví dụ thuốc aspirin.
– Không dùng dạng thuốc đặt trực tràng nếu bạn có tiền sử viêm trực tràng hoặc chảy máu trực tràng.
– Không dùng thuốc Meloxicam cho những người bị suy gan nặng và suy thận nặng không lọc máu.
– Không dùng thuốc cho người đang sử dụng thuốc chống đông.
– Người đang sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, kháng thụ thể angiotensin II.
– Người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, chảy máu dạ dày hoặc chảy máu não.
– Người phẫu thuật bắc cầu nối mạch vành.
– Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng Meloxicam.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm khớp và những lưu ý khi sử dụng Meloxicam để điều trị bệnh này. Trong mọi trường hợp người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp và theo dõi các tác dụng phụ, phản ứng của cơ thể trong quá trình dùng thuốc để điều chỉnh và thay đổi phù hợp, có tham khảo của bác sĩ hoặc dược sĩ.