Trong bài viết này, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu về viên uống Pancres 170mg điều trị các vấn đề rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chán ăn,.. cũng như cách để sử dụng thuốc đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao.
Menu xem nhanh:
1. Pancres là thuốc gì?
Pancres là một sản phẩm dược phẩm chứa thành phần chính là Pancreatin. Pancreatin là một hợp chất enzyme được chiết xuất từ tuyến tụy của động vật, thường được sử dụng để hỗ trợ quá trình tiêu hóa trong cơ thể.
Pancres được sản xuất dưới dạng viên nén 170mg, bao phim tan trong ruột. Thuốc thường được chỉ định trong điều trị một số vấn đề về tiêu hóa. Các ứng dụng của loại thuốc này bao gồm điều trị các vấn đề về tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, cảm giác đầy bụng, mất hứng thú với thức ăn, thèm ăn nhiều và khó tiêu.
Ngoài ra, thuốc cũng có thể hỗ trợ trong điều trị bệnh xơ nang tụy, tiêu hoá sau khi phẫu thuật cắt bỏ tụy hoặc khi có tắc nghẽn ống tụy. Ngoài ra, Pancres cũng được sử dụng trong các trường hợp thiếu enzym tụy như viêm tụy mạn.
Về chống chỉ định, thuốc Pancres không được sử dụng cho những bệnh nhân mẫn cảm với thành phần của thuốc.
2. Những điều cần biết khi dùng Pancres điều trị các vấn đề tiêu hóa
2.1. Lưu ý về liều dùng Pancres khuyến nghị
Việc sử dụng Pancres hoặc bất kỳ sản phẩm nào chứa Pancreatin cần phải được chỉ định và giám sát bởi một bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, đặc biệt là trong trường hợp điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hóa và tụy. Bởi vậy, liều dùng của thuốc sẽ do bác sĩ kê đơn sau quá trình thăm khám kỹ lưỡng tình trạng.
Tuy nhiên, thông thường liều dùng khuyến cáo của thuốc như sau: Người lớn có thể sử dụng Pancres theo liều lượng mỗi lần 2 viên, và có thể lặp lại từ 2 đến 3 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, không khuyến nghị sử dụng do tính an toàn chưa được xác định.
Cần lưu ý rằng thông tin về liều lượng chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh và dựa theo chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
2.2. Cách sử dụng thuốc Pancres 170mg
Khi sử dụng, Pancres được uống cùng bữa ăn. Bạn nên nuốt viên thuốc nguyên vẹn, không nghiền nát vì việc nghiền nát có thể gây kích ứng cho niêm mạc miệng.
2.3. Lưu ý các tác dụng phụ và tương tác thuốc
Khi sử dụng Pancres, có thể xuất hiện các tác dụng phụ không mong muốn (ADR), bao gồm:
– Phát ban, kích ứng miệng và vùng quanh hậu môn khi sử dụng ở liều cao.
– Phản ứng dị ứng, tuy nhiên phản ứng dạng này khá hiếm khi xảy ra.
Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu của các tác dụng phụ này hoặc bất kỳ tác dụng phụ nào khác, hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn để được xử lý kịp thời và tư vấn thêm.
Đối với tương tác thuốc Pancres, người dùng cần chú ý như sau:
– Với Acid folic: Có thể làm giảm hấp thu acid folic trong cơ thể.
– Với các loại antacid và thuốc kháng histamin H2: Có thể làm giảm sự hoạt động của enzym.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng Pancres, quan trọng phải thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các bệnh lý khác bạn đang mắc phải.
2.4. Xử trí ra sao khi quên/ dùng quá liều?
Nếu bạn hoặc ai đó đã uống quá liều Pancres và gặp bất kỳ biểu hiện bất thường nào, bạn cần liên lạc với bác sĩ và cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe, số lượng Pancres đã uống quá liều và thời gian uống để giúp chuyên gia y tế có thể đưa ra các chẩn đoán và cách xử trí. Tránh tự làm mọi biện pháp mà không có hướng dẫn từ bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
Khi nhận ra đã quên một liều thuốc, hãy bổ sung liều ngay lập tức nếu thời gian giữa liều quên và liều tiếp theo còn đủ lâu. Tuy nhiên, nếu thời gian giữa hai liều quá ngắn, bạn nên bỏ qua liều đã quên và tiếp tục theo lịch dùng thuốc bình thường, không được dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bỏ lỡ.
2.5. Lưu ý khác
Thận trọng khi sử dụng thuốc trong một số trường hợp đặc biệt như sau
– Hạn chế sử dụng liều cao ở bệnh nhân có xơ nang
– Không nghiền viên thuốc trước khi dùng, việc này có thể gây kích ứng cho niêm mạc miệng và dạ dày, do đó hãy nuốt viên thuốc nguyên vẹn.
– Bảo đảm cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, duy trì lượng nước đầy đủ trong thời gian điều trị bằng thuốc để giúp cơ thể hấp thụ thuốc một cách hiệu quả.
– Cảnh giác với nguy cơ nhiễm Salmonella, Pancreatin có thể bị nhiễm salmonella, dẫn đến nguy cơ gây nhiễm trùng Salmonella cho người sử dụng. Do đó, hãy luôn kiểm tra nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm trước khi sử dụng.
– Đối với phụ nữ có thai, chỉ sử dụng khi có chỉ định cụ thể từ bác sĩ. Ngoài ra, trong thời gian cho con bú cũng nên thận trọng khi sử dụng. Tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng Pancres cũng như bất kỳ loại thuốc nào khác.
Trên đây là những thông tin về thuốc Pancres điều trị một số vấn đề về tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chán ăn,… Người dùng, tốt hơn hết nên thăm khám khi có các vấn đề về tiêu hóa để được chẩn đoán và chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp, đem lại hiệu quả cao trong điều trị.