Nguyên nhân tiềm ẩn khiến trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài
Trẻ bị suy dinh dưỡng hiện đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại của sức khỏe cộng đồng. Tình trạng này không chỉ làm chậm quá trình phát triển thể chất mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về trí tuệ, hệ miễn dịch và khả năng tiếp thu của trẻ. Điều đáng chú ý là không ít trường hợp suy dinh dưỡng kéo dài nhưng nguyên nhân lại khó nhận biết ngay từ đầu.Vậy đâu là những yếu tố tiềm ẩn khiến tình trạng này cứ âm thầm bám riết lấy trẻ nhỏ?
1. Trẻ bị suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không nhận đủ hoặc không hấp thu hiệu quả các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Bé bị suy dinh dưỡng thường có dấu hiệu nhẹ cân, thấp còi, gầy yếu hoặc chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí não. Tình trạng này được phân loại thành nhiều mức độ khác nhau như suy dinh dưỡng thể nhẹ, vừa và nặng; đồng thời được chia thành các thể như thấp còi (thiếu chiều cao so với tuổi), gầy còm (thiếu cân so với chiều cao) hoặc thiếu cân (thiếu cân so với tuổi).
Tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng hiện đang khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài
Cha mẹ có thể nhận biết tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài ở trẻ thông qua một số dấu hiệu điển hình như: cân nặng không tăng hoặc thậm chí bị sụt giảm liên tục trong nhiều tháng; trẻ biếng ăn, ăn rất ít hoặc kén chọn thực phẩm; làn da nhợt nhạt, xanh xao, tóc khô xơ, móng tay dễ gãy; thường xuyên mắc các bệnh vặt do sức đề kháng kém; đồng thời, tốc độ phát triển về chiều cao và cân nặng của trẻ chậm hơn so với các mốc tăng trưởng tiêu chuẩn theo độ tuổi.
3. Nguyên nhân tiềm ẩn khiến trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài
Nhiều bậc phụ huynh khi thấy bé bị suy dinh dưỡng thường chỉ chú trọng cải thiện bữa ăn hàng ngày mà chưa thực sự nhận diện và xử lý tận gốc những nguyên nhân sâu xa. Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố âm thầm tác động đến sự phát triển thể chất của trẻ, khiến tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài, chậm cải thiện. Dưới đây là những nguyên nhân tiềm ẩn mà cha mẹ không nên bỏ qua:
3.1.Hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả dẫn đến giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng
Không phải cứ ăn nhiều là trẻ sẽ đủ chất. Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu bé bị suy dinh dưỡng kéo dài là do hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả. Các bệnh lý như loạn khuẩn đường ruột, viêm ruột, nhiễm ký sinh trùng (giun, sán), hoặc tình trạng tiêu chảy kéo dài… khiến ruột non bị tổn thương, dẫn đến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng bị suy giảm. Đáng chú ý, tình trạng này thường diễn ra âm thầm, không có dấu hiệu rõ rệt. Trẻ vẫn ăn uống bình thường nhưng lại không tăng cân, người gầy yếu, hay ốm vặt – là những dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề.
3.2. Thiếu vi chất dinh dưỡng – Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị suy dinh dưỡng
Vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, i-ốt, vitamin A, D,… tuy chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi thiếu hụt, trẻ dễ rơi vào trạng thái biếng ăn, giảm đề kháng, chậm tăng trưởng chiều cao và suy giảm thể lực. Điều nguy hiểm là việc thiếu vi chất thường khó nhận biết ngay và dễ bị nhầm với biểu hiện “lười ăn, chậm lớn thông thường”. Nhiều trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt, hay còi xương do thiếu vitamin D nhưng lại không được phát hiện sớm, dẫn đến hậu quả kéo dài là suy dinh dưỡng mạn tính.
Trẻ bị suy dinh dưỡng thường do nhiều nguyên nhân gây ra.
3.3. Trẻ mắc bệnh lý mạn tính hoặc bẩm sinh
Các bệnh lý bẩm sinh như tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, hoặc bệnh lý mạn tính như hen phế quản, thận hư, đái tháo đường, suy giáp bẩm sinh… khiến trẻ có nhu cầu năng lượng cao hơn bình thường. Tuy nhiên, việc ăn uống và chuyển hóa ở nhóm trẻ này thường bị hạn chế do mệt mỏi, chán ăn, hoặc tác động của thuốc điều trị. Kết quả là dù được chăm sóc kỹ lưỡng và ăn uống theo chế độ đặc biệt, trẻ vẫn có nguy cơ suy dinh dưỡng kéo dài do không thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển về thể chất.
3.4. Các yếu tố tâm lý và môi trường sống cũng góp phần ảnh hưởng đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng
Ít ai ngờ rằng môi trường sống và tâm lý cũng ảnh hưởng sâu sắc đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Những em bé sống trong gia đình căng thẳng, thiếu tình cảm, hoặc bị áp lực học hành, thường xuyên bị la mắng, có thể rơi vào trạng thái stress – từ đó dẫn đến chán ăn, ăn uống thất thường, kéo dài tình trạng suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, trẻ sống trong điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn thực phẩm hay môi trường chăm sóc không đảm bảo vệ sinh – an toàn cũng là yếu tố cản trở quá trình phát triển lành mạnh.
3.5. Chế độ dinh dưỡng không tương xứng với nhu cầu phát triển theo độ tuổi
Một nguyên nhân phổ biến nhưng thường bị bỏ qua là sai lầm trong cách xây dựng chế độ ăn cho trẻ. Việc cho ăn dặm quá sớm, quá muộn hoặc kéo dài thời gian bú mẹ một cách thụ động có thể làm gián đoạn việc cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất. Ngoài ra, nếu khẩu phần ăn không đa dạng, thiếu cân đối giữa các nhóm chất (đạm, tinh bột, chất béo, vitamin, khoáng chất), hoặc trẻ bị ép ăn, ăn theo sở thích mà không được kiểm soát, thì việc mất cân bằng dinh dưỡng là điều khó tránh khỏi.
4. Làm gì khi trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài?
Khi phát hiện bé bị suy dinh dưỡng kéo dài, cha mẹ nên:
– Đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để đánh giá chính xác thể trạng, mức độ thiếu hụt và các nguyên nhân đi kèm
Thấy trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài, cần đưa đi khám dinh dưỡng càng sớm càng tốt.
– Xây dựng thực đơn khoa học với đầy đủ các nhóm chất: đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
– Bổ sung vi chất nếu cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.
– Chăm sóc hệ tiêu hóa của trẻ bằng men vi sinh, thực phẩm dễ tiêu, hạn chế thức ăn khó tiêu.
– Tạo môi trường tích cực, nhiều tương tác để khuyến khích trẻ ăn uống và vận động lành mạnh.
Hiểu rõ các nguyên nhân tiềm ẩn khiến bé bị suy dinh dưỡng kéo dài là chìa khóa để giúp cha mẹ có phương pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả. Việc chăm sóc dinh dưỡng không đơn thuần là cho ăn đủ, mà còn cần đánh giá toàn diện từ thói quen, tâm lý đến sức khỏe bên trong của trẻ. Đừng để suy dinh dưỡng trở thành rào cản lớn trong hành trình phát triển toàn diện của con yêu.