Cấp cứu:0901793122
English
Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Thucuc | Hệ thống y tế TCI Hospital
Chăm sóc sức khoẻ trọn đời cho bạn
Tổng đài1900558892
Lưu ý cần biết khi nổi hạch cứng ở hậu môn

Lưu ý cần biết khi nổi hạch cứng ở hậu môn

Chia sẻ:

Nổi hạch cứng ở hậu môn không phải là một triệu chứng nên xem nhẹ. Dù đôi khi chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể, nhưng trong nhiều trường hợp, đây lại là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, thậm chí nghiêm trọng như ung thư hậu môn trực tràng. Nội dung dưới đây sẽ giúp bạn nhận diện các yếu tố nguy cơ và triệu chứng đáng lưu ý, từ đó chủ động phòng tránh hiệu quả.

1. Cần lưu ý gì khi về hạch cứng ở hậu môn

1.1. Biểu hiện thường gặp

Hạch cứng ở hậu môn có thể xuất hiện dưới dạng khối nhỏ giống hòn sỏi hoặc hạt đậu, thường nằm sát rìa hậu môn. Ban đầu, khối này có thể không gây đau nhưng sẽ lớn dần theo thời gian nếu liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn. Điều quan trọng là chúng ta cần lắng nghe và nhận biết các biểu hiện đi kèm để có hướng xử lý kịp thời.

– Hạch bạch huyết sưng to: Khi các bệnh lý như ung thư hậu môn di căn, chúng thường lan đến các hạch bạch huyết (các cơ quan nhỏ trong cơ thể giúp lọc chất thải từ các mô) ở vùng bẹn, hậu môn hoặc xương chậu. Các hạch bạch huyết sưng to có thể gây đau hoặc khó chịu khi chạm vào.

– Cảm giác căng tức hoặc đầy trong hậu môn: Người bệnh thường cảm thấy khó chịu, như có vật gì đó đang mắc kẹt trong ống hậu môn.

– Tiết dịch hậu môn bất thường: Chất nhầy, mủ, hoặc máu có thể chảy ra từ hậu môn trong quá trình đi tiêu hoặc tự chảy ra.

1.2. Dấu hiệu của hạch cứng ở hậu môn cần đi thăm khám bác sĩ

Không phải mọi khối cứng ở hậu môn đều là dấu hiệu bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bạn gặp những tình trạng sau, nên chủ động đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám:

– Vành hậu môn xuất hiện khối cứng kèm hiện tượng sưng đỏ, đau nhức hoặc chảy dịch mùi hôi.

– Kích thước khối u lớn dần, gây cảm giác cộm vướng hoặc làm khó khăn trong sinh hoạt, đại tiện.

– Có dấu hiệu ngứa dữ dội, chảy dịch bất thường từ hậu môn.

– Xuất hiện hạch ở bẹn hoặc vùng hậu môn rõ rệt.

– Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, sốt cao hoặc ớn lạnh mà không rõ lý do.

dấu hiệu hạch cứng ở hậu môn
Hạch cứng hậu môn có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng khác nhau

2. Nguyên nhân nổi hạch cứng ở hậu môn

2.1. Tụ máu quanh hậu môn

Tụ máu quanh hậu môn là tình trạng máu tích tụ trong các mô xung quanh hậu môn do một mạch máu bị vỡ. Tình trạng này có thể xảy ra do việc rặn quá sức khi đi đại tiện, nâng vật nặng, hoặc các cử động mạnh khác.

Một người bị tụ máu quanh hậu môn có thể xuất hiện một khối sưng phồng gần hậu môn, kèm theo cảm giác đau đớn. Thường thì khối máu tụ sẽ tự tiêu biến trong vài tuần, nhưng trong một số trường hợp có thể cần can thiệp y tế để giảm đau hoặc loại bỏ cục máu đông.

2.2. Trĩ ngoại

Trĩ là bệnh lý hậu môn trực tràng rất phổ biến, ảnh hưởng đến gần 50% người trưởng thành ở Mỹ trước tuổi 50. Trĩ ngoại là tình trạng các búi trĩ xuất hiện dưới da xung quanh hậu môn. Ở mức độ nhẹ, búi trĩ nhỏ thường chỉ gây cảm giác không thoải mái. Tuy nhiên, khi búi trĩ lớn hơn, chúng có thể gây cộm vướng, đặc biệt khi đi đại tiện hoặc vận động, gây ra nhiều phiền toái. Các triệu chứng điển hình của trĩ bao gồm:

– Đau rát: Cảm giác đau âm ỉ hoặc dữ dội quanh hậu môn, đặc biệt khi ngồi hoặc đi đại tiện.

– Ngứa: Ngứa dữ dội do kích ứng da xung quanh búi trĩ.

– Sưng tấy: Búi trĩ ngoại có thể sưng to, dễ dàng sờ thấy.

– Chảy máu: Máu đỏ tươi có thể xuất hiện trên giấy vệ sinh hoặc lẫn trong phân.

trĩ ngoại cũng có biểu hiện nổi cục cứng
Khi búi trĩ lớn hơn, chúng có thể gây cộm vướng

2.3. Ung thư hậu môn trực tràng gây ra hạch cứng ở hậu môn

Ung thư hậu môn – trực tràng có thể phát triển âm thầm với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Một trong những dấu hiệu cảnh báo là nổi hạch cứng quanh hậu môn, kèm theo chảy máu bất thường, ngứa dai dẳng, thay đổi thói quen đại tiện và sụt cân không rõ nguyên nhân.

Theo Hiệp hội Phẫu thuật Đại trực tràng Hoa Kỳ, ung thư hậu môn chiếm khoảng 1-2% tổng số các bệnh ung thư ảnh hưởng đến đường ruột. Ung thư hậu môn phổ biến hơn ở phụ nữ và những người trong độ tuổi từ 55 đến 64. Ung thư hậu môn có thể gây sưng và hình thành các khối u cứng. Các triệu chứng khác của ung thư hậu môn bao gồm:

– Ngứa trực tràng: Cảm giác ngứa dai dẳng ở vùng hậu môn.

– Chảy máu trực tràng: Máu đỏ tươi có thể xuất hiện, thường không gây đau.

– Hạch bạch huyết sưng to: Sưng hạch bạch huyết quanh hậu môn hoặc vùng bẹn.

– Đau hoặc cảm giác đầy ở vùng hậu môn: Cảm giác khó chịu hoặc có áp lực ở khu vực này.

– Tiết dịch bất thường: Dịch nhầy hoặc mủ chảy ra từ hậu môn.

– Hình thành khối u gần lỗ hậu môn: Đây chính là biểu hiện hạch cứng mà chúng ta đang đề cập.

– Thay đổi thói quen đại tiện: Ví dụ như phân bị hẹp lại.

2.4. Mụn cóc hậu môn

Mụn cóc hậu môn là dạng tổn thương do virus HPV gây ra, xuất hiện dưới dạng nốt sùi nhỏ quanh hoặc bên trong hậu môn. Đa số trường hợp không gây đau, chỉ tạo cảm giác ngứa. Tuy nhiên, nếu để lâu không xử lý, các mụn cóc có thể lan rộng, gây chảy máu hoặc nhiễm trùng.

Virus HPV có thể lây truyền qua tiếp xúc da với da, đặc biệt trong quan hệ tình dục không an toàn. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp hạn chế lây lan cũng như giảm nguy cơ biến chứng.

3. Các phương pháp chẩn đoán u hạch hậu môn

3.1. Khám hậu môn trực tràng

Trong phương pháp thăm khám này, bác sĩ sẽ sử dụng một ngón tay đã đeo găng y tế và được bôi trơn cẩn thận để đưa nhẹ vào hậu môn người bệnh. Thao tác này giúp bác sĩ cảm nhận trực tiếp được cấu trúc bên trong vùng hậu môn – trực tràng, từ đó kiểm tra xem có xuất hiện các dấu hiệu bất thường nào hay không. Những bất thường có thể bao gồm: khối u nhỏ, các vùng mô dày lên, sưng tấy, cứng bất thường hoặc có dấu hiệu tổn thương. Điều này giúp bác sĩ đưa ra các đánh giá và chẩn đoán sơ bộ, từ đó tăng cơ hội điều trị thành công nếu có bệnh lý nghiêm trọng.

3.2. Chẩn đoán hình ảnh hạch cứng ở hậu môn

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có vai trò then chốt trong việc đánh giá đặc điểm, vị trí cũng như phạm vi lan rộng của các khối u hay hạch nghi ngờ.

– Chụp CT: Cung cấp hình ảnh chi tiết vùng hậu môn và các cơ quan lân cận. Để hỗ trợ bác sĩ phát hiện các tổn thương, khối u trong hậu môn rõ ràng và chi tiết, các bác sĩ có thể sử dụng thuốc cản quang vào tĩnh mạch trước khi chụp, giúp phát hiện những điểm bất thường nhỏ nhất.

– Chụp MRI: Giúp bác sĩ quan sát cấu trúc bên trong cơ thể một cách rõ nét, đặc biệt hiệu quả trong việc xác định sự lan rộng của khối u hay viêm nhiễm.

đi khám sức khỏe để phát hiện u hạch sớm
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khối u

3.3. Nội soi siêu âm

Kỹ thuật này sử dụng một đầu dò nhỏ được đưa vào ống hậu môn để phát sóng âm siêu âm, tái tạo hình ảnh bên trong trực tràng và hậu môn trên màn hình máy tính. Ngoài ra, nội soi với ống mềm có gắn camera cũng có thể hỗ trợ bác sĩ quan sát rõ các tổn thương.

Hạch cứng có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng khác nhau. Việc phát hiện hạch cứng ở hậu môn có thể gây ra nhiều lo lắng, nhưng điều quan trọng là không nên tự chẩn đoán. Hãy lắng nghe cơ thể bạn và đến gặp bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Liên hệ ngay: 0936388288 để được tư vấn chi tiết!

Middle2 – Banner Ung bướu
1900558892
zaloChat