Hiểu đúng về xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt
Xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt là một trong những cách quan trọng giúp phát hiện sớm bệnh lý phổ biến ở nam giới trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ vai trò, thời điểm nên thực hiện và những điều cần lưu ý. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về phương pháp tầm soát, giúp bạn nắm bắt những thông tin quan trọng nhất để đưa ra quyết định đúng đắn cho sức khỏe của mình.
1. Thông tin về việc xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt
1.1. Tuyến tiền liệt và vai trò quan trọng đối với nam giới
Tuyến tiền liệt là một cơ quan nhỏ nhưng đóng vai trò thiết yếu trong hệ sinh dục nam giới. Với kích thước tương đương hạt óc chó và nặng khoảng 20-25g, tuyến này nằm ngay dưới bàng quang và phía trước trực tràng, bao quanh một phần của niệu đạo (đường dẫn nước tiểu và tinh dịch ra ngoài).
Chức năng chính của tuyến tiền liệt là sản xuất một phần dịch trong tinh dịch, giúp nuôi dưỡng và bảo vệ tinh trùng, đảm bảo quá trình sinh sản diễn ra bình thường.
Kích thước của tuyến tiền liệt thường ổn định sau tuổi dậy thì, nhưng có xu hướng lớn dần khi nam giới bước vào tuổi trung niên và cao tuổi. Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào trong tuyến này bắt đầu phát triển một cách bất thường, mất kiểm soát và hình thành khối u ác tính.

1.2. Tại sao cần đi xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt?
Điểm đặc biệt của ung thư tuyến tiền liệt là khả năng phát triển chậm rãi trong nhiều năm mà không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào ở giai đoạn đầu. Do đó, không ít người chỉ phát hiện bệnh khi đã bước sang giai đoạn muộn. Thậm chí đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, làm giảm đáng kể khả năng điều trị thành công và thời gian sống của bệnh nhân.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến thứ tư trên toàn cầu với hơn 1,2 triệu ca mắc mới, và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ tám trong các loại ung thư, với gần 360.000 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, tại Việt Nam, con số này có phần thấp hơn, đứng thứ 11 về số ca mắc mới (gần 4.000 ca) và thứ 13 về số ca tử vong (hơn 1.800 ca) trong cùng năm.
Mục đích chính của việc thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến tiền liệt là để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất có thể, ngay cả khi chưa có triệu chứng. Điều này mang lại cơ hội điều trị cao hơn, giúp bảo toàn chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
1.3. Dấu hiệu nam giới đi tầm soát ung thư tiền liệt tuyến
Khi khối u phát triển lớn hơn và bắt đầu chèn ép các cơ quan xung quanh, nam giới có thể nhận thấy một số dấu hiệu bất thường:
– Khó khăn khi đi tiểu: Bạn có cảm giác buồn tiểu thường xuyên nhưng khó bắt đầu dòng nước tiểu, dòng tiểu yếu, bị ngắt quãng hoặc phải rặn nhiều khi đi tiểu.
– Đau rát khi đi tiểu hoặc xuất tinh: Cảm giác đau hoặc khó chịu khi đi tiểu hoặc xuất tinh có thể là do khối u chèn ép lên niệu đạo hoặc các dây thần kinh lân cận.
– Máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch: Đây là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng. Nước tiểu có màu hồng nhạt hoặc có vệt máu, hay tinh dịch có lẫn máu (thường là lượng nhỏ, làm tinh dịch có màu hồng nhạt) đều cần được kiểm tra ngay lập tức.
– Rối loạn cương dương: Khối u có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến dương vật hoặc các dây thần kinh liên quan, dẫn đến khó duy trì sự cương cứng trong thời gian quan hệ.
– Đau nhức vùng xương chậu, hông, lưng dưới hoặc đùi: Khi ung thư đã tiến triển và di căn đến xương, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức dai dẳng ở các vị trí này.
– Tiểu rắt, tiểu không tự chủ: Một số trường hợp có thể gặp tình trạng rò rỉ nước tiểu không kiểm soát được, hoặc cảm giác tiểu không hết.

2. Các phương pháp xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt phổ biến
2.1. Xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt bằng định lượng PSA trong máu
Xét nghiệm PSA là một trong những phương pháp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt được sử dụng rộng rãi và hiệu quả nhất hiện nay. PSA là một loại protein do tuyến tiền liệt tiết ra, có thể được tìm thấy trong máu. Ở người khỏe mạnh, nồng độ PSA trong máu thường ở mức rất thấp, dưới 4 ng/mL. Tuy nhiên, nồng độ này có thể tăng lên khi nam giới lớn tuổi hoặc khi tuyến tiền liệt gặp vấn đề như viêm tuyến tiền liệt, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH) hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
2.2. Bác sĩ khám trực tràng bằng ngón tay (DRE)
Đây là một phương pháp khám lâm sàng đơn giản và nhanh chóng. Bác sĩ sẽ đeo găng tay y tế đã bôi trơn và nhẹ nhàng đưa ngón tay vào trực tràng của bệnh nhân để sờ nắn, cảm nhận kích thước, hình dạng, độ cứng và bất kỳ điểm bất thường nào trên bề mặt tuyến tiền liệt. DRE có thể giúp phát hiện các khối u lớn hoặc các vùng cứng bất thường, nhưng khó phát hiện các khối u nhỏ hoặc nằm sâu bên trong.
Mặc dù đây là một thủ thuật chi phí thấp và dễ nhưng ít thực hiện. DRE có nhược điểm là có thể gây khó chịu nhẹ cho bệnh nhân và độ chính xác phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và cảm nhận của bác sĩ.
2.3. Siêu âm nội trực tràng
Phương pháp này giúp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh chi tiết của tuyến tiền liệt, bao gồm cả các khối u có kích thước nhỏ từ 2-4mm. Một đầu dò siêu âm nhỏ, được bôi trơn và có kích thước tương đương ngón tay, sẽ được đưa vào trực tràng. Đầu dò này phát ra sóng siêu âm, sau đó ghi nhận lại các tín hiệu phản hồi để tạo ra hình ảnh đen trắng sắc nét trên màn hình máy tính.
2.4. Sinh thiết
Nếu kết quả PSA và DRE cho thấy nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết bằng cách ấy một mẫu mô nhỏ từ tuyến tiền liệt để mang đi xét nghiệm. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ gây tê cục bộ vùng cần thực hiện. Kim mỏng sẽ được đưa qua trực tràng hoặc qua vùng đáy chậu để lấy các mẫu mô nhỏ từ tuyến tiền liệt.
3. Đối tượng cần thiết phải đi xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt
Việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt định kỳ rất quan trọng, đặc biệt đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng tăng:
– Nam giới từ 50 tuổi trở lên: Đây là nhóm tuổi có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng lên đáng kể. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến nghị nam giới có nguy cơ trung bình nên bắt đầu thảo luận với bác sĩ về việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt từ tuổi 50.
– Nam giới có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt: Nếu trong gia đình có người từng mắc ung thư, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ (dưới 65 tuổi), nguy cơ của bạn sẽ cao hơn. Trong trường hợp này, việc tầm soát có thể cần bắt đầu sớm hơn, có thể từ 40-45 tuổi.

Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh tiềm ẩn nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu phát hiện sớm. Việc lựa chọn phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh và đánh giá của bác sĩ. Hãy chủ động hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần, nếu bạn thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao.