Tư vấn kế hoạch hóa gia đình là cách để hướng dẫn các gia đình sinh con phù hợp với tình hình sức khỏe và khả năng của gia đình. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn 6 bước tư vấn kế hoạch hóa gia đình hiệu quả nhất.
Menu xem nhanh:
1.Tại sao nên tư vấn kế hoạch hóa gia đình từ sớm?
Kế hoạch hóa gia đình là phương pháp để kiểm soát sinh con phù hợp với điều kiện kinh tế, tình hình sức khỏe của người mẹ, hoàn cảnh gia đình và quy định trong nước. Đất nước thực hiện kế hoạch hóa gia đình tốt sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của người phụ nữ, có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển xã hội.
Kế hoạch hóa gia đình giúp bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, giúp họ chủ động hơn trong sinh nở, mang thai, giảm tỉ lệ nạo phá thai và lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục(đặc biệt là HIV/AIDS). Từ đó giảm thiểu những ảnh hưởng về tinh thần và sức khỏe gia đình, đặc biệt là người phụ nữ.
Thông qua điều này, kế hoạch hóa gia đình cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo cuộc sống. Những đứa trẻ sinh ra do “nhỡ”, không theo mong muốn và kế hoạch của gia đình sẽ thường khó nhận được sự nuôi dưỡng toàn diện về vật chất hoặc tinh thần. Từ đó dẫn tới áp lực tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Tư vấn là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác kế hoạch hóa gia đình, nhằm giúp mẹ bầu lựa chọn được biện pháp tránh thai phù hợp, thỏa đáng nhất.
Để đạt hiệu quả tư vấn kế hoạch hóa gia đình cao, tư vấn viên cần tuân thủ sáu bước để tư vấn kế hoạch hóa gia đình cơ bản.
2. Hướng dẫn các bước để tư vấn kế hoạch hóa gia đình
2.1 Những bước chuẩn bị tư vấn kế hoạch hóa gia đình
Gặp gỡ
Thái độ ban đầu của người tư vấn hết sức quan trọng để tạo niểm tin cũng như xóa bỏ ngăn cách đối với mẹ bầu. Người tư vấn nên nắm bắt được các thông tin cơ bản về mẹ bầu (tên tuổi, tình trạng hôn nhân…) ngay từ ban đầu.
Sự nhiệt tình, quan tâm nhất định đến gia đình cũng giúp cho tư vấn viên có được thiện cảm hơn và từ đó tạo điều kiện thuận lợi và gần gũi hơn để trò chuyện với mẹ bầu.
Gợi hỏi
Để mẹ bầu có tâm lý thoải mái chia sẻ, tư vấn viên cần gợi hỏi những chủ đề liên quan để bắt đầu cuộc trò chuyện với mẹ bầu và người thân trong gia đình.
Tư vấn viên cần hỏi mẹ bầu các thông tin liên quan đến sức khoẻ và nhu cầu tránh thai để lượng giá xem mẹ bầu đã hiểu biết các vấn đề đó thế nào. Lắng nghe để biết rõ nhận thức của mẹ bầu và không phê phán những nhận thức chưa đúng của mẹ bầu về kế hoạch hóa gia đình.
Giới thiệu
Bước tiếp theo, tư vấn viên cần bắt đầu hướng đến kế hoạch sinh đẻ của mẹ bầu, hướng mẹ bầu đến sự lựa chọn an toàn nhất.
Giới thiệu những biện pháp tránh thai hiện đang được áp dụng tại bệnh viện, cung cấp các ưu điểm và nhược điểm, tác dụng phụ và biến chứng của từng phương pháp để mẹ bầu nắm bắt rõ hơn.
2.2 Những bước quan trọng để tư vấn kế hoạch hóa gia đình
Giúp đỡ
Mẹ bầu có thể còn lạ lẫm hoặc lúng túng khi lựa chọn biện pháp tránh thai, người tư vấn nên giúp đỡ mẹ bầu lựa chọn phương pháp thích hợp nhất với họ.Tuy nhiên người tư vấn không được áp đặt mẹ bầu theo ý chủ quan của mình.
Bên cạnh đó, nên nhẹ nhàng động viên, trấn an tinh thần cho mẹ bầu để có được tâm lý thoải mái, an toàn hơn.
Giải thích
Khi mẹ bầu đã chấp nhận một biện pháp tránh thai, cần giải thích đầy đủ về cách sử dụng và quy trình tiến hành biện pháp đó, hoặc nêu rõ nguyên nhân có thể dẫn đến thất bại và cách xử trí.
Trình bày rõ cho mẹ bầu nhận biết các tác dụng phụ có thể gặp và cách xử trí tại nhà và khi nào cần đi khám lại. Nói rõ khả năng có thai trở lại sau khi ngừng sử dụng biện pháp tránh thai và giải thích đầy đủ mọi thắc mắc hoặc hiểu chưa đúng của mẹ bầu.
Gặp lại
Khi kết thúc buổi tư vấn kế hoạch hóa gia đình, cần dặn dò mẹ bầu những điểm quan trọng nhất, cung cấp các tư liệu truyền thông nếu có và hẹn thời điểm tái khám. Đồng thời cần dặn dò mẹ bầu về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trên đây là sáu bước để tư vấn kế hoạch hóa gia đình mà tư vấn viên cần nắm bắt và thực hiện đầy đủ để giúp mẹ bầu hiểu hơn cũng như lựa chọn cho mình biện pháp tránh thai phù hợp nhất.