Rượu – Thủ phạm gây tổn thương đường tiêu hóa

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Thị Thanh Hiền

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Từ xưa tới nay, khi uống rượu người ta thường nghĩ đến ảnh hưởng của nó tới gan như: gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan mà ít ai để ý rằng bia rượu quá đà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa hay viêm đại tràng, viêm loét dạ dày…

1. Dễ gây tổn thương đường tiêu hóa

Hai tổn thương cấp tính hay gặp nhất ở người thường xuyên do bia rượu đó là viêm dạ dày cấp và hội chứng ruột kích thích.

– Uống rượu nhiều và thường xuyên sẽ gây viêm dạ dày cấp với biểu hiện đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát, có khi âm ỉ, ậm ạch khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn nhiều, sốt 39 – 40oC.

Rượu - Thủ phạm gây tổn thương đường tiêu hóa

Uống rượu nhiều và thường xuyên sẽ gây viêm dạ dày cấp

Để điều trị viêm dạ dày cấp, người bệnh phải ăn những thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu và đủ dinh dưỡng để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nên ăn chậm, nhai kỹ, giữ khoảng cách đều đặn, hợp lý giữa các bữa ăn. Nếu người bệnh nôn nhiều, bị mất nước, cần được bù nước điện giải bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch. Cần tránh các thực phẩm gây tổn thương niêm mạc dạ dày như rượu, bia, ớt, tỏi…, những món ăn gây khó tiêu như chất béo, thức ăn chiên xào hay những thực phẩm gây đầy hơi như nước giải khát có ga, sữa bò…

– Uống rượu nhiều còn gây ra hội chứng ruột kích thích. Hội chứng này thường xuất hiện sau những buổi nhậu nhẹt với tình trạng điển hình là tiêu chảy cấp hoặc đại tiện sệt, lỏng ngày 3 – 4 lần, nhất là buổi sáng ngày hôm sau của những cuộc nhậu. Đi lỏng thường kèm theo với đau bụng hoặc không. Trước khi đại tiện thấy đau ê ẩm hoặc đau quặn, đại tiện xong thường thấy dễ chịu. Có người còn cảm thấy đau tức, khó chịu ở hậu môn, mót đi ngoài hoặc có cảm giác như đi chưa hết phân, có khi phải ngồi lâu mặc dù phân lỏng. Phân lỏng, nát nhưng có thể đoạn đầu cứng mà đoạn sau nát. Nhiều khi bệnh nhân còn có cảm giác ậm ạch, khó tiêu, no hơi, nặng bụng, trướng bụng, có khi buồn nôn và nôn.

Rượu - Thủ phạm gây tổn thương đường tiêu hóa

Tác hại của rượu còn ảnh hưởng tới sức khỏe, gây ra hội chứng ruột kích thích

Các biểu hiện trên có thể kéo dài vài ngày, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng trên lại tiếp tục xảy ra sau khi uống rượu, bia nhiều và nó có thể làm cho bệnh lý trở nên trầm trọng hơn, gây ra những tổn thương thực thể ở cơ quan tiêu hóa nếu không điều trị kịp thời.

2. Lời khuyên của thầy thuốc

Không lạm dụng rượu, bia. Nên chọn quán ăn có uy tín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; không sử dụng đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc. Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp, hạn chế các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi (như khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường, đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích), những thức ăn để lâu hoặc bảo quản không tốt…

Rượu - Thủ phạm gây tổn thương đường tiêu hóa

Hạn chế bia rượu là cách tốt nhất giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, dạ dày của bạn

Tuy các biểu hiện của bệnh này không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân nhưng lại làm bệnh nhân khó chịu, đau đớn, thậm chí để lâu không điều trị sẽ dẫn đến khả năng ung thư đường tiêu hóa. Chính vì thế, nên hạn chế bia rượu mọi lúc mọi nơi, nếu đã có triệu chứng bệnh, cần đến ngay bác sĩ tiêu hóa để được tư vấn và điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital