Tán sỏi niệu quản là phương pháp điều trị ngoại khoa sỏi niệu quản tân tiến nói chung, bao gồm các kỹ thuật tán sỏi cụ thể là: Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser. Vậy bạn đã biết gì về quy trình tán sỏi niệu quản, cách thức thực hiện các phương pháp tán sỏi niệu quản kể trên như thế nào, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. 3 phương pháp tán sỏi niệu quản hiện nay
Sỏi niệu quản được phân chia nhỏ hơn thành các loại sỏi niệu quản dựa trên vị trí và cấu tạo của niệu quản gồm: Sỏi niệu quản ⅓ trên, sỏi niệu quản ⅓ giữa, sỏi niệu quản ⅓ dưới. Cũng dựa vào sự phân chia này từ đó các phương pháp tán sỏi phù hợp sẽ được chỉ định cụ thể cho từng vị trí sỏi niệu quản như sau.
– Đối với sỏi niệu quản ⅓ trên sát bể thận có kích thước < 1cm: Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ không mổ là phương pháp được chỉ định sử dụng.
– Đối với sỏi niệu quản ⅓ trên có kích thước >1.5 cm: Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser là phương pháp được sử dụng và mang lại hiệu quả vượt trội cho người bệnh.
– Đối với sỏi niệu quản ⅓ giữa và sỏi niệu quản ⅓ dưới: Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là kỹ thuật được sử dụng để xử lý, loại bỏ sỏi hàng đầu.
2. Quy trình thực hiện 3 phương pháp tán sỏi niệu quản công nghệ cao
Như đã đề cập phía trên, tán sỏi niệu quản không chỉ đơn thuần là một phương pháp mà gồm có 3 phương pháp áp dụng cho sỏi có vị trí và kích thước khác nhau. Vì vậy quy trình tán sỏi đối với mỗi phương pháp điều trị cũng sẽ khác nhau.
2.1 Quy trình tán sỏi niệu quản – Tán sỏi niệu quản ngoài cơ thể bằng sóng điện từ
Phương pháp này giúp người bệnh loại bỏ sỏi mà không có bất kỳ xâm lấn, rạch mổ nào trên cơ thể, mà hoàn toàn sử dụng năng lượng sóng điện từ để phá vỡ sỏi. Từ đó gián tiếp đưa vụn sỏi theo dòng nước tiểu ra ngoài. Quy trình cơ bản thực hiện một ca tán sỏi niệu quản bằng kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng sóng điện từ.
Bước 1: Bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm cần thiết và thủ tục trước khi vào phòng phẫu thuật
Bước 2: Khi được vào phòng tán sỏi, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn:
– Cách nằm: Bệnh nhân nằm sao cho bóng của nguồn phát sóng tiếp cận với vị trí của lưng có khoảng cách xuyên vào thận gần nhất. Và được bôi gel chuyên dụng vào vị trí tiếp xúc với nguồn phát sóng điện từ.
– Cách hít thở: Trong quá trình tán sỏi bệnh nhân cần hít thở đều.
Bước 3: Dưới sự định vị của X-Quang bác sĩ sẽ điều chỉnh sao cho sóng chiếu hội tụ chính xác vào viên sỏi, sau đó phát sóng để tán sỏi.
Sóng sẽ được phát từng nhịp sao cho sỏi sẽ được vỡ vụn ra thành những kích thước nhỏ phù hợp để di chuyển ra bên ngoài theo dòng nước tiểu. Trung mỗi mỗi liệu trình tán sỏi bác sĩ sẽ sử dụng <3000 nhịp sóng trở xuống để đảm bảo an toàn cho nhu mô thận và làm vỡ được sỏi.
Bước 4: Sau khi sỏi đã vỡ hoàn toàn, kết thúc quá trình tán sỏi bệnh nhân được lau gel và có thể ngồi dậy, nghỉ ngơi vài tiếng trước khi ra về.
2.2 Quy trình tán sỏi niệu quản – Tán sỏi niệu quản qua da đường hầm nhỏ bằng laser
Đây là phương pháp được xem là bước tiến trong điều trị sỏi thận, sỏi niệu quản trên kích thước lớn mà không cần mổ mở, chỉ với vết rạch siêu nhỏ trên da 5mm, có quy trình thực hiện cơ bản như sau.
Bước 1: Bệnh nhân cũng được thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá đủ điều kiện tiến hành tán sỏi
Bước 2: Bệnh nhân được đưa vào phòng tán sỏi và tiến hành gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh nằm với tư thế phù hợp nhất để tiến hành thực hiện tán sỏi.
Bước 3: Tiếp đến bác sĩ sẽ rạch trên da vùng lưng hoặc thắt lưng với kích thước 5mm-10mm. Dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc X-Quang sẽ chọc dò thiết lập một đường hầm nhỏ từ bên ngoài da vào thận.
Bước 4: Một máy nội soi sẽ được đưa vào đường hầm vào thận, niệu quản để tìm vị trí của sỏi
Bước 5: Dưới định vị của máy nội soi, một dây dẫn năng lượng laser tiếp tục được đưa vào để tán vỡ sỏi niệu quản ⅓ trên thành những mảnh nhỏ.
Bước 6: Cũng thông qua đường hầm nhỏ sỏi được hút gắp ra ngoài và bệnh nhân được đặt một ống thông sonde JJ để giúp lưu thông tốt hơn, hỗ trợ phục hồi niệu quản nếu có tổn thương.
2.3 Quy trình thực hiện tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser
Nội soi niệu quản ngược dòng là một kỹ thuật hiện đại được sử dụng trong tán sỏi, loại bỏ sỏi trực tiếp qua đường tự nhiên của cơ thể mà không hề có rạch mổ, hay tác động của dao kéo. Quy trình cơ bản để thực hiện phương pháp tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng như sau:
Bước 1: Cũng tương tự như 2 phương pháp tán sỏi trên, bệnh nhân cần thực hiện những xét nghiệm cần thiết, đảm bảo không có chống chỉ định trong tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng.
Bước 2: Bệnh nhân được đưa vào phòng tán sỏi, bác sĩ thực hiện các công đoạn chuẩn bị và bệnh nhân được gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân.
Bước 3: Bắt đầu tiến hành đưa máy nội soi đi ngược từ niệu đạo (một ống dẫn nước tiểu từ bàng quang hay bọng đái ra bên ngoài cơ thể) đến bàng quang và lên niệu quản, tiếp cận vị trí sỏi ở niệu quản ⅓ dưới hoặc ⅓ giữa.
Bước 4: Sau khi đã xác định được sỏi, thông qua hình ảnh từ máy nội soi một dây dẫn năng lượng laser được đưa vào để phá vỡ sỏi. Bác sĩ sẽ điều chỉnh và thao tác sao cho mỗi lần phát năng lượng sẽ chính xác vào sỏi và vỡ thành những kích thước phù hợp nhất.
Bước 5: Vụn sỏi sẽ được lấy ra ngoài bằng rọ chuyên dụng, bệnh nhân được đặt sonde JJ niệu quản và kết thúc quá trình tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng.
3. Kết luận
Với mỗi phương pháp tán sỏi niệu quản khác nhau sẽ có những quy trình thực hiện khác nhau. Các bước thực hiện cơ bản trên đây đã được mô phỏng đơn giản nhất để giúp người bệnh có thể hiểu được cách thức hoạt động của mỗi phương pháp tán sỏi niệu quản khi được chỉ định điều trị.