Phụ nữ mang bầu có nội soi dạ dày được không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trịnh Minh Hương

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Phụ nữ mang bầu có nội soi dạ dày được không là thắc mắc của nhiều chị em khi mang thai. Trong quá trình mang bầu, chị em có thể gặp một số bệnh, triệu chứng khó chịu do stress hoặc những thay đổi của cơ thể. Đau dạ dày là một trong số đó. Việc nội soi dạ dày vốn an toàn với người bình thường nhưng đối với phụ nữ mang thai thì có một số điểm cần đặc biệt lưu ý.

1. Tình trạng đau dạ dày khi mang thai

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ thay đổi dẫn đến tình trạng ốm nghén, stress, mệt mỏi, ăn không ngon… Các tình trạng này có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa hoặc đau dạ dày.

Nội soi dạ dày là phương pháp thông dụng được dùng trong chẩn đoán các bệnh lý ở dạ dày. Bởi vậy nhiều chị em băn khoăn bà bầu có nội soi dạ dày được không?

2. Bà bầu có nội soi dạ dày được không?

Phụ nữ mang thai tốt nhất không nên nội soi dạ dày. Lý do lớn nhất vì nội soi dạ dày không đau cần sử dụng thuốc gây mê. Mà loại thuốc này không nên sử dụng với thai phụ vì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi.

Ngoài ra với các phương pháp nội soi thường (không sử dụng thuốc gây mê), khi ống nội soi đi qua miệng sẽ gây buồn nôn, đau, khó chịu hoặc gặp biến chứng nhiễm khuẩn, chảy máu… Điều này đều không tốt với phụ nữ mang thai.

bầu có nội soi dạ dày được không

Một số phụ nữ mang thai gặp tình trạng đau dạ dày do stress.

 

3. Những trường hợp thai phụ được cân nhắc nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày tương đối an toàn và thông dụng, tuy nhiên vì những lý do nêu trên, phụ nữ mang thai cần tránh thực hiện thủ thuật này. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc trước khi thực hiện, xem xét yếu tố nguy cơ và tuân thủ nguyên tắc nội soi dạ dày cho phụ nữ mang thai:

– Chỉ nội soi khi các triệu chứng trở nên nặng

– Trong trường hợp cơn đau dạ dày không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người mẹ thì có thể hoãn nội soi đến tam cá nguyệt thứ hai hoặc thời điểm hợp lý để thực hiện

– Thời gian thực hiện thủ thuật nên nhanh chóng

– Theo dõi nhịp tim của thai nhi trước, trong và sau khi làm thủ thuật

– Có sự sẵn sàng hỗ trợ của sản khoa phòng trường hợp gặp biến chứng

4. Cách giảm triệu chứng đau dạ dày cho thai phụ

Để giảm triệu chứng đau dạ dày, chị em có thể bắt đầu từ việc thay đổi cách sinh hoạt:

– Thiết lập chế độ ăn đúng giờ, đủ bữa, không bỏ bữa

– Chia khẩu phần ra thành nhiều phần ăn nhỏ để ăn nhiều bữa trong ngày

– Hạn chế đồ ăn chua, cay nóng

– Không sử chất kích thích

– Không tập thể dục ngay sau khi vừa ăn xong

– Luôn giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng để giảm triệu chứng của bệnh đau dạ dày

nội soi dạ dày cho phụ nữ mang thai

Chị em nên tập cách ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày và loại bỏ đồ cay, nóng ra khỏi thực đơn hằng ngày để giảm triệu chứng đau dạ dày.

5. Những nhóm người không nên làm nội soi dạ dày

Ngoài bà bầu, những người có các bệnh, triệu chứng sau cũng không nên thực hiện thủ thuật nội soi:

– Bị bỏng do nuốt phải axit

– Thủng dạ dày hoặc các vùng trong đường tiêu hóa

– Bệnh nhân suy tim, nhồi máu cơ tim

– Bệnh nhân suy hô hấp

– Mắc bệnh tâm thần không phối hợp vì có thể làm cản trở, gây nguy hiểm cho quá trình nội soi

6. Các phương pháp nội soi dạ dày

6.1. Nội soi miệng

Trước khi thực hiện, khách hàng sẽ được uống thuốc làm sạch đường tiêu hóa để việc quan sát diễn ra thuận lợi hơn. Thuốc tê sẽ được xịt vào miệng để giảm các giác khó chịu.

Bác sĩ dùng ống nội soi mềm luồn vào từ hầu họng qua thực quản. Đầu ống có một camera truyền hình ảnh về màn hình, thông qua đó bác sĩ có thể chẩn đoán. Khi thực hiện, khách hàng không được nói nhưng vẫn có thể thở bình thường.

Phương pháp này có tính chính xác cao, phù hợp với nhiều đối tượng nhưng lại gây khó chịu, buồn nôn. Mẹo để thủ thuật diễn ra dễ chịu hơn là hãy hít một hơi thật sâu và từ từ thở ra để giảm bớt các triệu chứng.

6.2. Nội soi mũi

Thuốc tê sẽ được xịt vào họng và mũi để giảm đau cho quá trình nội soi. Ống soi được đưa qua mũi, vào sau miệng, tiếp tục đi qua thực quản để xuống dạ dày. Nếu phát hiện hình ảnh bất thường, bác sĩ sẽ chụp lại để kiểm tra.

Phương pháp này ít gây buồn nôn vì ống soi có đường kính nhỏ. Tuy nhiên nhược điểm là không thể áp dụng cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý về mũi. Chi phí nội soi mũi cũng cao hơn so với nội soi miệng.

6.3. Nội soi không đau (được dùng thuốc gây mê)

Đây là phương pháp phổ biến trong những năm gần đây vì giúp bệnh nhân “tạm quên” đi cơn đau và tránh tâm lý sợ hãi. Vì đã được gây tê, gây mê nên bệnh nhân sẽ không cảm thấy khó chịu hoặc sợ hãi khi thực hiện. Bệnh nhân không có những động tác nguy hiểm như giật ống nội soi hoặc vùng vẫy.

Tuy nhiên nhược điểm là có chi phí cao, thủ thuật phức tạp hơn so với hai phương pháp trên. Ngoài ra, bệnh nhân có thể cần thực hiện thêm một số xét nghiệm để đảm bảo an toàn trước khi nội soi.

Sau khi hoàn thành nội soi, dụng cụ nội soi luôn được rửa sạch và sát khuẩn trước khi tái sử dụng để tránh các bệnh lây nhiễm như HIV, viêm gan… Thông thường, quy trình nội soi sẽ diễn ra trong khoảng 10 – 15 phút.

nội soi dạ dày

Bác sĩ sẽ xem xét tình hình cụ thể để xác định có cần thiết nội soi dạ dày cho khách hàng nữ đang mang thai không.

Trên đây là một số giải đáp về việc bà bầu có nội soi dạ dày được không. Để được bác sĩ tư vấn kỹ hơn trong từng trường hợp cụ thể, quý khách vui lòng gọi số tổng đài của Thu Cúc TCI để đặt lịch khám nhanh chóng với các bác sĩ tay nghề cao.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital