Không chỉ gặp khó khăn với những cơn đau tại vết mổ đẻ ở bụng dưới, nhiều sản phụ còn phải đối mặt với những cơn đau tại vùng lưng. Tỷ lệ phụ nữ bị đau lưng sau khi mổ đẻ khá cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về nguyên nhân gây ra cơn đau này cũng như cách khắc phục sao cho hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Tình trạng đau lưng sau đẻ mổ và nguyên nhân của cơn đau này
Thực tế, có tới 70% phụ nữ đẻ mổ cho biết bản thân phải chịu đựng những cơn đau thắt, đau buốt vùng lưng sau khi sinh. Thế nhưng, hầu hết họ lại chưa hiểu đúng về cơn đau này.
1.1. Tình trạng đau lưng sau khi mổ đẻ
Đau lưng sau quá trình phẫu thuật mổ lấy thai là một tình trạng khá phổ biến ở các sản phụ. Theo các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng này có thể đến ngay sau khi các mẹ kết thúc ca sinh, thuốc gây tê tủy sống dần hết tác dụng hoặc cũng có thể đến sau vài ngày.
Chị em thường bị đau tại các vùng như phần lưng dưới, vùng thắt lưng. Mức độ cơn đau của từng người cũng khác nhau. Khi ngồi, cơn đau lưng sẽ trở nên rõ rệt hơn, khó chịu hơn. Mẹ chịu khó vận động, đi lại nhẹ nhàng sau sinh có thể giảm bớt mức độ khó chịu của cơn đau, thuận lợi hơn trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày.
1.2. Những nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng sau khi mổ đẻ
Có rất nhiều phỏng đoán được đưa ra về nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau lưng sau khi ca sinh mổ kết thúc. Theo các bác sĩ chuyên khoa, những nguyên nhân thường gặp sau đây là lý do khiến các chị em phải chịu đựng cơn đau khó chịu tại vùng lưng sau khi sinh:
– Cơ thể, cân nặng thay đổi đột ngột: Dưới sự tác động của các hormone nội tiết, tử cung mở rộng hơn khi người phụ nữ bắt đầu mang thai. Toàn bộ trọng lượng hầu hết bị dồn ra phía trước khiến cột sống, cơ bắp vùng lưng cũng phải chống chọi, chịu áp lực nhiều hơn.
Ngoài ra, việc cân nặng lên tới 10kg hoặc thậm chí là hơn trong thời gian mang thai cũng khiến khối cơ bụng yếu đi, tiếp tục dồn áp lực lên các mạch máu, dây thần kinh tại vùng lưng, khung xương chậu và vùng xương cụt, trở thành tiền đề cho tình trạng đau lưng sau sinh.
– Thay đổi tư thế: Sau sinh, sản phụ thường có hai xu hướng hoạt động là nghỉ ngơi và làm việc. Nếu chỉ nằm nghỉ ngơi suốt cả ngày dài, mạch máu khó lưu thông, tích tụ tại vùng chậu và khiến cho sản phụ bị đau lưng. Bên cạnh đó, việc hoạt động, sinh hoạt bình thường trở lại quá sớm cũng khiến cho phần dây chằng căng giãn quá mức, khiến vùng lưng xuất hiện những cơn đau kéo dài.
– Do quá trình biến đổi, tự cân bằng của hormone: Ít ai biết rằng, trong thời gian mang thai, một lượng lớn hormone relaxin trong cơ thể được sản sinh nhằm giúp cho các khớp mất dần lỏng lẻo, hỗ trợ quá trình sinh nở. Hormone này tác động tới vùng chậu, dây chằng, các khớp cột sống, làm cho trục cột sống không còn ổn định. Khoảng 3 đến 4 tháng sau sinh, hormone này vẫn ở mức cao trong cơ thể của sản phụ, dẫn tới việc bị đau lưng sau khi đẻ mổ.
– Do tâm lý căng thẳng, stress sau sinh: Rất nhiều mẹ bỉm sữa gặp phải tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí là trầm cảm sau sinh. Điều này có thể gây căng cơ, đặc biệt là cơ lưng, khiến cho cột sống phải chịu nhiều áp lực và dẫn đến cảm giác đau, căng cứng vùng lưng ở sản phụ.
– Do sản phụ bị loãng xương: Quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú, cơ thể người mẹ bị thiếu hụt canxi trầm trọng. Nếu không được cung cấp canxi thường xuyên, các mẹ có nguy cơ cao bị loãng xương, xẹp vi thể tại các đốt sống lưng trong quá trình mang thai, từ đó dẫn tới nguy cơ đau mỏi vùng lưng.
Với những thai phụ lớn tuổi, quá trình thoái hóa vùng đĩa đệm sẽ gây ảnh hưởng và có thể là nguyên nhân của những cơn đau sau sinh. Trong thời gian mang thai, cột sống bị ảnh hưởng, cùng với tác động của thoái hóa đĩa đệm khiến cho tình trạng đau lưng xuất hiện sớm hơn.
– Do các khớp bị viêm: Khi các khớp, dây chằng tại vùng lưng, cột sống bị lỏng lẻo do tác động của hormone relaxin, tình trạng viêm khớp rất dễ xảy ra. Lúc này, viêm sẽ gây ra phản ứng đau, co cứng các cơ, dây chằng. Đặc biệt, những phản ứng này càng trở nên dữ dội hơn ở giai đoạn cuối thai kỳ, sau sinh.
– Cho con bú không đúng cách: Việc cho con bú không đúng tư thế trở thành một trong số những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng đau lưng sau khi mổ đẻ. Dưới tác động của tư thế gập người, cúi cổ quá lâu, cơ bắp, dây chằng tại vùng lưng bị căng mỏi, từ đó dẫn tới những cơn đau tại vùng vai gáy, thắt lưng.
– Nhiễm lạnh, cảm lạnh: Sau sinh, đặc biệt là sau sinh mổ, cơ thể người phụ nữ còn rất yếu, dễ bị cảm lạnh, nhiễm lạnh. Lúc này, cơ thể sẽ càng thêm mệt mỏi, khó chịu. Những cơn đau tại vùng lưng cũng sẽ nghiêm trọng hơn.
– Dây chằng căng giãn, một số vùng cơ trở nên co cứng, gây đau: Trong quá trình sinh nở, một số nhóm cơ vẫn tiếp tục hoạt động khi một số khác lại không có vai trò gì. Những nhóm cơ này trở nên cơ cứng, các cơ lưng, cột sống chịu áp lực và bị đau. Dây chằng tại vùng chậu còn lỏng lẻo do tác động của hormone, khiến cho vùng lưng đau, mỏi sau sinh.
– Do quá trình gây tê tủy sống: Sinh con theo phương pháp đẻ mổ, mẹ sẽ được gây tê tủy sống tại vùng lưng. Nếu liều lượng thuốc tê không được kiểm soát, quá liều lượng, lưng của sản phụ có thể gặp một vài phản ứng, bị đau nhiều ngày sau sinh do tác dụng phụ của thuốc.
2. Khi nào những cơn đau lưng sau đẻ mổ chấm dứt?
Với những mẹ thực hiện mổ lấy thai, gây tê tủy sống, sau sinh từ 3 đến 6 tiếng, cơn đau lưng có thể “ghé thăm” chị em. Khi thuốc tê hết tác dụng, cơn đau sẽ càng trở nên rõ rệt hơn. Sau vài ngày, sản phụ còn có thể gặp phải những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, đau cổ vai gáy.
Thông thường, sau một vài tháng, cơn đau lưng sẽ dần được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cơn đau còn kéo dài và triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn mỗi khi thời tiết thay đổi.
3. Cải thiện cơn đau lưng sau khi đẻ mổ như thế nào?
Nhiều sản phụ cho rằng việc sử dụng thuốc sẽ giúp cải thiện những cơn đau lưng sau đẻ mổ. Tuy nhiên, đây chỉ là cách chúng ta đối phó với cơn đau chứ không cải thiện được tình trạng này một cách lâu dài.
Tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ của những cơn đau cũng như thể lực mà các mẹ bỉm có thể thực hiện một số biện pháp cải thiện sau:
– Nghỉ ngơi thường xuyên hơn: Các mẹ nên tận dụng tối đa thời gian để nghỉ ngơi, giúp cho các cơ được thư giãn. Đặc biệt, trong thời gian đầu sau sinh mổ, sản phụ nên tránh vận động mạnh, làm việc nặng.
– Chú ý đến tư thế cho con bú: Tư thế cho con bú cũng là nguyên nhân khiến các mẹ phải chịu đựng những cơn đau lưng sau sinh mổ. Cho con bú với tư thế đúng vừa giúp thông tia sữa dễ dàng hơn, vừa phòng tránh được những vấn đề về cổ, vai gáy cho sản phụ. Một số tư thế mà mẹ có thể áp dụng như ngồi ngả lưng góc 45 độ, bé nằm trên bụng mẹ; tựa vào ghế, thẳng lưng hoặc tư thế nằm nghiêng bên cạnh bé.
– Để tinh thần được thư giãn, tâm lý thoải mái sau sinh.
– Thực hiện các phương pháp thư giãn cơ, xương khớp như massage, giúp lưu thông khí huyết, giảm dần các cơn đau vùng lưng.
– Thường xuyên vận động, tập thể dục nhẹ nhàng để cải thiện tình trạng co cứng cơ, khớp.
– Tránh dùng thuốc giảm đau vì thành phần của thuốc không tốt cho sức khỏe của mẹ , đồng thời làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ khi cho con bú.
Trên đây là những thông tin về tình trạng đau lưng sau khi mổ đẻ. Các mẹ có thể tham khảo để có thêm kinh nghiệm, đồng thời hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn sức khỏe trước và sau sinh. Mẹ bầu chú ý nên lựa chọn sinh mổ ở những địa chỉ uy tín, có đội ngũ bác sĩ Sản khoa nhiều kinh nghiệm, chuyên môn tốt để có một hành trình sinh nở an toàn, hạn chế được những tác động, ảnh hưởng sau sinh.