Phòng bệnh viêm phổi không khó, tuy nhiên tùy vào độ tuổi mà có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Viêm phổi có thể mắc ở mọi lứa tuổi vì thế cách tốt nhất là tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Viêm phổi là bệnh lý về đường hô hấp khá phổ biến nhưng lại khó phát hiện sớm, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Bệnh thường diễn tiến nhanh hơn, nặng hơn do đó cần chú ý dấu hiệu quan trọng để nhận biết viêm phổi.
Bệnh viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nặng tại phổi như: Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển; áp-xe phổi; viêm phổi mạn tính… Ngoài ra, còn có những biến chứng về tim mạch, tiêu hóa và thần kinh… Đặc biệt, với người càng cao tuổi, viêm phổi càng nguy hiểm do cơ địa đã mắc nhiều bệnh khác như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, tai biến mạch máu não, sẽ rất dễ mắc viêm phổi và dễ bị biến chứng suy hô hấp nặng. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng rất dễ bị suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời.
Tùy vào từng đối tượng, lứa tuổi mà có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Phòng bệnh viêm phổi cho trẻ nhỏ
– Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài cho đến khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi. Cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhất là trong độ tuổi ăn dặm.
– Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ trẻ chống lại các mầm bệnh gây viêm phổi, tiêu chảy và các bệnh khác.
– Nơi ở của trẻ phải đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Khử sạch không khí ô nhiễm trong nhà, đặc biệt là khói từ các bếp lò không an toàn sẽ giúp làm giảm nguy cơ viêm phổi ở trẻ.
– Phát hiện và điều trị sớm khi trẻ có biểu hiện sớm mắc bệnh viêm đường hô hấp như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở…
2. Phòng bệnh viêm phổi đối với người cao tuổi
– Giữ môi trường sống sạch, giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân. Tránh bị nhiễm lạnh đột ngột. Khi không cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm và đêm khuya. Không nên tắm lâu, tắm nước quá lạnh.
– Ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu. Thường xuyên tập thể dục để rèn luyện sức khỏe và nâng cao sức đề kháng.
Tuy nhiên cần chú ý lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe, thời tiết. Không nên tập thể dục quá sớm, vì trời lạnh và nhiều sương dễ bị nhiễm lạnh gây viêm phổi và suy hô hấp.
– Người cao tuổi cần điều trị tốt các bệnh mạn tính (tim mạch, hô hấp). Không dùng kháng sinh tùy tiện gây kháng thuốc.
Phòng bệnh viêm phổi ở người cao tuổi và trẻ em cần phải tuân thủ theo những biện pháp nêu trên sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, để có sức khỏe tốt, chúng ta cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể để kịp thời xử lý, tránh các biến chứng nguy hiểm.