Phải làm gì khi mắc chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng rất dễ gặp phải ở mọi đối tượng trong bất cứ độ tuổi nào. Rối loạn tiêu hóa khi kéo dài thường gây ra nhiều cảm giác khó chịu và bất tiện cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày. Hãy cùng tìm hiểu những biện pháp nên làm khi bạn mắc phải chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài trong bài viết dưới đây.

1. Rối loạn tiêu hóa kéo dài là thế nào?

Rối loạn tiêu hóa được hiểu là tình trạng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường dẫn đến đau bụng và những thay đổi trong vấn đề tiêu hóa thức ăn. Khi các triệu chứng rối loạn kể trên diễn ra từ 6 tháng trở lên sẽ được gọi là rối loạn tiêu hóa kéo dài.

1.1. Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa kéo dài

Rối loạn đại tiện

Rối loạn tiêu hóa khi kéo dài sẽ khiến việc đại tiện bị ảnh hưởng theo, tuy tình trạng này tiến triển chậm nhưng mức độ sẽ tăng dần và ngày càng nghiêm trọng theo thời gian.

Các biểu hiện rối loạn đại tiện có thể kể đến như: khi thì táo bón, lúc lại tiêu chảy xen kẽ nhau hoặc kết hợp cả hai, đại tiện nhiều lần trong một ngày, đại tiện không đều đặn như trước,… Khi đại tiện có thể kèm chảy máu, phân màu đen hoặc có nhiều chất nhầy.

Tình trạng này nếu xảy ra dai dẳng không dứt, nhất là tiêu chảy sẽ khiến bạn thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

Đau bụng

Hầu hết những người bị rối loạn tiêu hóa trong một thời gian dài đều phải chịu những cơn đau bụng âm ỉ, đau từng cơn hoặc đau quặn thắt. Những cơn đau này có thể ở vùng thượng vị (vùng mỏ ác), có thể ở bên trái dưới bụng hoặc có thể đau khắp bụng.

Ban đầu cơn đau xuất hiện nhẹ nhàng, sau đó ngày càng lan rộng và nặng hơn, nhất là sau khi bạn ăn đồ cay nóng, đồ quá chua hoặc bị ngộ độc thực phẩm.

Nếu đau bụng mạn tính (kéo dài trên 6 tháng) thì có thể sẽ xuất hiện những cơn kịch phát với mức độ đau đớn trội hẳn lên.

Rối loạn tiêu hóa kéo dài thường biểu hiện bằng những cơn đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn thắt từng cơn

Rối loạn tiêu hóa kéo dài thường biểu hiện bằng những cơn đau bụng âm ỉ hoặc quặn thắt từng cơn

Các triệu chứng khác

– Chướng bụng, đầy hơi khó tiêu: bạn sẽ luôn cảm thấy bụng căng cứng khó chịu, nhất là sau khi ăn xong.

– Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua

– Có cảm giác buồn nôn, nôn mửa

– Chán ăn, thấy miệng đắng, hôi miệng

1.2. Nguyên nhân gây nên rối loạn tiêu hóa kéo dài

Chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, có thể đến từ chính chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của bạn hoặc đó cũng có thể là hậu quả của một số bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa.

Chế độ ăn uống không hợp lý

Ăn uống thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.

Một chế độ ăn uống không hợp lý sẽ dễ dàng khiến bạn bị đau tức bụng, buồn nôn, khó tiêu hoặc tiêu chảy trong nhiều ngày liên tục.

Uống rượu, bia, hút thuốc lá

Chất cồn có trong bia, rượu có thể tác động làm tăng khả năng co bóp của dạ dày, khiến dạ dày tiết ra nhiều acid dịch vị gây cảm giác khó chịu, cồn cào.

Tương tự, chất nicotin trong thuốc lá vừa có thể gây co thắt, vừa làm tổn hại đến niêm mạc dạ dày, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển nhanh chóng.

Lạm dụng thuốc kháng sinh

Một nguyên nhân khác chính là lạm dụng thuốc kháng sinh, thường hay gặp phải ở trẻ nhỏ. Khi sử dụng kháng sinh, các lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa sẽ vô tình bị tiêu diệt cùng với các vi khuẩn gây hại, làm cho sức đề kháng của cơ thể bạn bị suy giảm đáng kể.

Do một số bệnh lý

Tình trạng rối loạn tiêu hóa diễn ra liên tục có thể là hậu quả của một số bệnh lý, chủ yếu liên quan đến đường tiêu hóa như viêm dạ dày, loét dạ dày – hành tá tràng, viêm đại tràng,…

Hệ vi sinh vật trong đường ruột bị mất cân bằng

Lợi khuẩn và hại khuẩn bị mất cân bằng khiến cho quá trình tiêu hóa thức ăn cũng bị ảnh hưởng, gây ra rối loạn tiêu hóa trong một thời gian dài và thường là trên cơ thể trẻ nhỏ.

2. Phải làm gì khi mắc chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài?

Tùy theo từng nguyên nhân mà người bệnh có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau.

2.1. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp vệ sinh

– Ăn chín, uống sôi, không nên ăn các món lạ

– Tránh ăn nhiều món chua cay nóng

– Hạn chế đồ ăn chứa nhiều mỡ và đồ ngọt

– Không uống bia, rượu, cafe, đồ uống có ga, sử dụng các chất kích thích

– Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, hoa quả tươi, vitamin cho cơ thể

– Bệnh nhân tiêu chảy mạn tính không nên ăn các thực phẩm có quá nhiều chất xơ

Chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị rối loạn tiêu hóa kéo dài

Chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị rối loạn tiêu hóa kéo dài

2.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt

– Ăn chậm rãi, nhai kỹ

– Ăn đủ bữa và ăn đúng giờ

– Không ăn quá no, không để bụng quá đói

– Không thức quá khuya

– Tăng cường vận động cơ thể, tập thể dục, chơi thể thao đều đặn

Ngăn chặn và chấm dứt rối loạn tiêu hóa kéo dài bằng cách rèn luyện thân thể hàng ngày

Ngăn chặn và chấm dứt rối loạn tiêu hóa kéo dài bằng cách rèn luyện thân thể hàng ngày

2.3. Bổ sung các loại men vi sinh

Uống men vi sinh được coi là cách nhanh nhất để chữa khỏi rối loạn tiêu hóa, bởi với cách làm này, bạn có thể cung cấp ngay lập tức một lượng lợi khuẩn nhất định cho hệ tiêu hóa, thúc đẩy quá trình chuyển hóa thức ăn diễn ra trơn tru.

2.4. Sử dụng thuốc hoặc điều trị tại bệnh viện

Các trường hợp rối loạn tiêu hóa diễn ra dai dẳng trên 6 tháng do bệnh lý và có xu hướng tiến triển nặng nên được thăm khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

Hiện tượng rối loạn đường tiêu hóa rất phổ biến nhưng khi tiến triển thành rối loạn tiêu hóa kéo dài thì có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe và tâm lý của bạn. Chính vì vậy, hãy chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt và làm việc thật khoa học để có một cơ thể khỏe mạnh.

Khi phát hiện ra các dấu hiệu bất thường liên quan đến rối loạn đường tiêu hóa, bạn nên đến bệnh viện ngay hoặc tham khảo lời khuyên từ các bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị kịp thời và phù hợp, tránh để lại các biến chứng không mong muốn cho cơ thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital