Nội soi trực tràng: Quy trình và các lưu ý khi thực hiện

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Thu Hằng

Bác sĩ Gây mê hồi sức

Nội soi trực tràng là kỹ thuật thăm dò chức năng hiện đại, có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý trực tràng. Sau đây là thông tin về quy trình thực hiện và các lưu ý khi tiến hành phương pháp nội soi này.

1. Kỹ thuật nội soi trực tràng

Trực tràng là đoạn cuối của ruột già, nằm trên hậu môn. Cơ quan này có chức năng lưu trữ và đào thải các chất cặn bã ra ngoài cơ thể.

Nội soi trực tràng là thủ thuật y học sử dụng ống nội soi gắn camera và đèn soi qua hậu môn vào trực tràng để kiểm tra. Hình ảnh bên trong trực tràng sẽ được thu nhận bởi camera và hiển thị trên màn hình giúp bác sĩ quan sát trực tiếp. Đây là thăm dò chức năng được đánh giá cao trong việc phát hiện chính xác các bệnh lý trực tràng như: viêm loét, polyp, ung thư trực tràng.

Trước đây, nội soi sử dụng ống cứng có đường kính 1 – 2cm, dài từ 25 – 50cm và dụng cụ bơm hơi bằng tay nhằm làm nở lòng ruột. Tuy nhiên, phương pháp này gặp khó khăn khi cắt polyp. Nguyên nhân là do việc mở nắp kính để đưa dụng cụ vào ống cứng sẽ khiến hơi thoát ra ngoài. Lòng trực tràng xẹp lại nên không ghi được hình, khó quan sát và xử lý tổn thương.

Hiện nay phương pháp được sử dụng phổ biến hơn là nội soi ống mềm, đường kính khoảng 1.3cm, dài khoảng 65cm. Đây là phương pháp sở hữu nhiều ưu điểm, gồm: thuận tiện hơn khi quan sát, không gây tổn thương niêm mạc trực tràng, hạn chế tối đa cảm giác khó chịu.

Kỹ thuật nội soi trực tràng

Nội soi là phương pháp chẩn đoán bệnh trực tràng được đánh giá cao nhờ tính chính xác và quy trình thực hiện đơn giản

2. Chỉ định nội soi trực tràng

Kỹ thuật thăm dò chức năng này được chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý như viêm loét trực tràng, polyp, ung thư trực tràng, rò hậu môn,… Đồng thời, nó còn được ứng dụng để theo dõi hiệu quả điều trị các trường hợp đã phẫu thuật vùng trực tràng – hậu môn.

Các trường hợp được chỉ định thực hiện nội soi bao gồm:

– Đau bụng không rõ nguyên nhân, diễn ra trong thời gian dài. Vị trí đau cần chú ý là vùng bụng dưới rốn hoặc vùng bụng bên trái.

– Thường xuyên bị táo bón, và tình trạng táo bón kéo dài lâu ngày.

– Đi ngoài ra máu nhiều lần trong ngày (hơn 2 lần/ngày), mức độ nặng lên theo từng ngày.

– Phân có màng giả, có lẫn máu, chất nhầy, đờm nhớt.

– Thường xuyên có cảm giác đau rát, khó chịu vùng hậu môn khi đại tiện.

– Từng mắc các bệnh lý như: viêm loét trực tràng, polyp đại trực tràng, ung thư trực tràng, viêm loét đại tràng mạn tính, bệnh Crohn.

– Đang bị trĩ (trĩ nội hoặc trĩ ngoại); ngứa hậu môn, rò hoặc nứt hậu môn.

– Kết quả chụp X quang không thể xác định được bất thường tại trực tràng.

– Tiền sử gia đình có người mắc polyp có tính chất gia đình, ung thư trực tràng.

3. Quy trình thực hiện nội soi

Người bệnh nội soi theo 2 công đoạn chính là chuẩn bị và thực hiện nội soi.

3.1. Chuẩn bị nội soi

– Người bệnh thăm khám ban đầu với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa và được chỉ định phương pháp nội soi phù hợp.

– Chuẩn bị phòng nội soi có đủ các thiết bị, dụng cụ, ánh sáng cần thiết cho quá trình nội soi. Kỹ thuật viên sẽ kiểm tra để đảm bảo máy móc nội soi hoạt động bình thường, ổn định.

– Người bệnh làm sạch trực tràng và hậu môn, giúp ống nội soi dễ dàng đi vào và quan sát bề mặt niêm mạc. Thông thường, trực tràng sẽ được thụt rửa bằng dung dịch chuyên dụng đến khi loại bỏ hết phân trong trực tràng.

3.2. Tiến hành nội soi trực tràng

– Bước 1: Người bệnh nằm nghiêng sang bên trái, bác sĩ kiểm tra bên trong hậu môn của người bệnh. Bác sĩ sẽ xử lý ngay các tổn thương (nếu có) để tránh tình trạng viêm nhiễm.

– Bước 2: Người bệnh được gây tê hoặc sử dụng thuốc giãn cơ, thuốc an thần nhằm ổn định tinh thần và tránh cảm giác đau hay khó chịu.

– Bước 3: Ống nội soi được bôi trơn và đưa từ từ vào hậu môn người bệnh. Sau đó, ống soi di chuyển lên trực tràng, quan sát để phát hiện xác bất thường tại cơ quan này. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tổn thương bên trong trực tràng qua hình ảnh thu được. Trong quá trình thực hiện bác sĩ có thể sinh thiết mẫu mô trực tràng để làm xét nghiệm tầm soát ung thư.

– Bước 4: Ống soi được rút ra sau khi đã quan sát toàn bộ trực tràng. Người bệnh ổn định sức khỏe, tỉnh táo và nhận kết quả nội soi. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ nhận suất ăn nhẹ để giảm cảm giác đói mệt sau thời gian dài nhịn ăn chuẩn bị cho nội soi.

– Bước 5: Người bệnh quay lại phòng khám ban đầu để được bác sĩ chuyên khoa giải thích kết quả nội soi, đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị.

Nội soi trực tràng diễn ra nhanh chóng

Quá trình nội soi diễn ra nhanh chóng (chỉ 5 – 10 phút), nhẹ nhàng và an toàn

4. Nội soi trực tràng cần lưu ý những gì

4.1. Lưu ý trước khi nội soi

– Người bệnh nên sử dụng thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa (như súp, cháo)  trong vòng 1 ngày trước khi nội soi. Đồng thời, tránh ăn các thực phẩm khó tiêu; thực phẩm giàu chất xơ (ngũ cốc nguyên cám, nấm, các loại hạt); thực phẩm có màu đỏ (củ dền, gấc).

– Nhịn ăn trong vòng ít nhất 6 giờ trước nội soi, uống nhiều nước (nước lọc, các loại nước không màu) để đường ruột được sạch sẽ.

– Không dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá trước nội soi vì có thể ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.

– Vệ sinh hậu môn, làm sạch trực tràng để đảm bảo hiệu quả quan sát tốt nhất.

– Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, các bệnh lý đang gặp phải (đặc biệt là bệnh tim mạch, máu khó đông), tiền sử dị ứng (nếu có).

4.2. Lưu ý trong quá trình nội soi trực tràng

– Người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên nếu cảm thấy khó chịu và đau nhiều để được dùng thêm thuốc an thần, giảm đau hoặc dừng nội soi.

– Nếu thấy căng thẳng, khó thở, đau bụng dữ dội, hãy báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ giải quyết kịp thời.

Lưu ý khi nội soi trực tràng

Hãy thông báo cho bác sĩ về các triệu chứng gặp phải, các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử bệnh lý

4.3. Lưu ý sau khi nội soi

– Người bệnh có thể đi lại và về nhà trong ngày sau khi thực hiện nội soi. Trước khi ra về, người bệnh nên nghỉ ngơi trong thời gian ngắn, chờ cho đến khi hết cảm giác khó chịu ở bụng và theo dõi sức khỏe phòng các biến chứng sau nội soi như sốt, chóng mặt, đau nhiều,…

– Cảm giác đau âm ỉ ở bụng, chướng bụng, mót nhưng không đại tiện được, đi ngoài ra máu… là những phản ứng tự nhiên sau khi nội soi và có thể kéo dài từ 1 – 2 ngày.

– Liên hệ ngay với bác sĩ nếu triệu chứng đau và chảy máu kéo dài, tránh những biến chứng không mong muốn.

– Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu vài ngày sau khi nội soi để tránh các khó khăn khi đại tiện.

– Tránh các loại thực phẩm chua, cay, khó tiêu, đồ ăn nhiều dầu mỡ; nước có gas, rượu bia, cà phê; không hút thuốc lá trong những ngày đầu sau khi nội soi.

Trên đây là quy trình nội soi trực tràng và các lưu ý trước, trong và sau khi thực hiện nội soi. Mỗi người nên chủ động thăm khám và nội soi định kỳ để kiểm soát tốt nhất sức khỏe đường tiêu hóa chính mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital