Hiện nay, mổ nội soi lấy sỏi mật là phương pháp điều trị sỏi mật được nhiều người lựa chọn nhằm giải quyết nhanh chóng tình trạng bệnh. So với mổ hở, đây là phẫu thuật ít xâm lấn. giảm đau đớn cho người bệnh, thời gian phục hồi nhanh hơn.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là mổ nội soi lấy sỏi mật?
Túi mật có nhiệm vụ dự trữ dịch mật do gan tiết ra. Thành phần của dịch mật chủ yếu là nước, cholesterol, muối mật và acid mật đảm nhiệm chức năng tiêu hóa chất béo. Khi nồng độ các thành phần này trong dịch mật thay đổi, các tinh thể cholesterol hoặc sắc tố mật có thể lắng đọng và kết tụ với nhau tạo thành sỏi mật.
Sỏi mật nếu có kích thước nhỏ có thể được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên khi sỏi có kích thước lớn hoặc đã xuất hiện biến chứng, người bệnh cần cân nhắc tiến hành phẫu thuật lấy sỏi mật. Trước đây, phẫu thuật lấy sỏi được thực hiện bằng phương pháp mổ hở với đường rạch lớn trên bụng gây nhiều đau đớn cho người bệnh. Hiện nay, mổ lấy sỏi mật đã được thực hiện bằng phương pháp nội soi lấy sỏi. Sử dụng các dụng cụ nội soi đưa vào ổ bụng thông qua những vết rạch rất nhỏ.
2. Khi nào cần mổ nội soi lấy sỏi mật?
Khi mắc sỏi mật, những viên sỏi này có thể làm tắc ống dẫn mật gây ra tình trạng đau bụng dữ dội, sốt cao và ớn lạnh, vàng da, niêm mạc, thậm chí có thể gây viêm và hoại tử túi mật. Mổ nội soi lấy sỏi mật thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Số lượng sỏi nhiều, chiếm 2/3 thể tích túi mật. Sỏi nằm tại cuống túi mật gây tắc dòng chảy của dịch mật.
- Sỏi có biến chứng viêm túi mật cấp tính và mãn tính tái phát nhiều lần.
- Thành túi mật bị vôi hóa (canxi hóa)
- Sỏi mắc kẹt tại ống dẫn mật nhưng không thực hiện được bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
- Người bệnh có biến chứng áp xe túi mật, hoại tử túi mật…sẽ được chỉ định mổ gấp để đề phòng thủng túi mật.
- Trong túi mật vừa có sỏi mật, vừa có polyp túi mật.
- Người bệnh sỏi mật đi kèm suy giảm miễn dịch.
3. Quy trình nội soi lấy sỏi mật
Mổ nội soi lấy sỏi được tiến hành theo quy trình sau:
Người bệnh được gây mê toàn thân và chèn một cây kim qua rốn để bơm CO2 cho dễ quan sát. Vết mổ thứ nhất ở rốn để đưa ống nội soi có gắn camera đi vào ổ bụng. Xác định vị trí có sỏi qua màn hình tivi kết hợp với phim chụp X-quang. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một vết mổ nữa để đưa dụng cụ phẫu thuật vào trong ổ bụng. Qua đó sẽ gắp sỏi ra khỏi ống dẫn mật hoặc loại bỏ túi mật chứa sỏi và đưa ra ngoài qua vết rạch. Sau khi hết sỏi, khâu và băng lại các vết rạch, và chuyển bệnh nhân về phòng hồi sức.
4. Ưu điểm của phương pháp
So với phương pháp mổ hở, mổ nội soi lấy sỏi có nhiều ưu điểm vượt trội hơn:
- Phẫu thuật ít xâm lấn hơn, giảm đau đớn cho người bệnh.
- Vết mổ nhỏ, gần như không để lại sẹo, có tính thẩm mỹ cao hơn.
- Thời gian nằm viện ngắn hơn, tiết kiệm chi phí sau mổ. thời gian phục hồi nhanh hơn so với mổ hở, chỉ từ 1-3 ngày.
- Hạn chế tối đa các biến chứng trong và sau mổ so với mổ hở: mất máu, nhiễm trùng, dính ruột,..
5. Một số biến chứng có thể gặp
Mặc dù điều trị sỏi mật bằng phương pháp nội soi được đánh giá là an toàn nhưng nó vẫn tiềm ẩn một số rủi ra sau:
- Đau và mệt mỏi: thường gặp nhất. Người bệnh nên nghỉ ngơi tuyệt đối trong 2 -3 ngày đầu và tránh vận động nặng trong vòng 1 tuần.
- Buồn nôn và nôn: có thể được điều trị bằng cách tiêm và thuốc chống nôn trước khi mổ.
- Tổn thương ống mật chủ; là biến chứng nghiêm trọng nhất, gây rò rỉ dịch mật.
- Sót sỏi: ít khi xảy ra.
Người bệnh cần liên hệ cho bác sĩ phẫu thuật ngay nếu gặp phải một trong các triệu chứng sau:
- Sốt cao trên 38 độ.
- Vết mổ đau, sưng tấy, mưng mủ.
- Có mùi hôi hoặc dịch chảy ra từ vết mổ.
6. Chăm sóc người bệnh sau khi mổ nội soi lấy sỏi
Sau khi thực hiện lấy sỏi, bên cạnh việc tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh cũng cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống và luyện tập để duy trì sức khỏe.
6.1 Chăm sóc vết mổ sau nội soi lấy sỏi mật
- Sau khoảng 6-8 giờ sau phẫu thuật, người bệnh đã có thể ăn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu như canh, cháo, súp. Không được ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, béo.
- Sẽ mất khoảng 2-3 tuần đến khi sức khỏe trở lại bình thường. Trong thời gian này, bạn nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế đi lại và vận động mạnh.
- Sau khi ra viện, bạn cần thay băng, vệ sinh vết mổ hàng ngày và kiểm tra những bất thường nếu có. Trong 2 tuần đầu, bạn nên tắm vòi sen thay vì ngâm bồn tắm để tránh tổn thương vết mổ.
- Một số trường hợp người bệnh cần dẫn lưu dịch mật do sót sỏi ống mật chủ hoặc để thông dịch mật. Lúc này, bạn cần quan sát số lượng và màu sắc dịch chảy ra hàng ngày. Nếu có bất thường cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
6.2 Chế độ dinh dưỡng sau nội soi lấy sỏi mật
- Rối loạn tiêu hóa: khó tiêu, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy,.. là những biến chứng thường gặp sau khi cắt túi mật. Để làm giảm các triệu chứng này, bạn nên ăn nhiều rau xanh, các thực phẩm ít chất béo và tập luyện thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày.
- Tránh các thực phẩm giàu cholesterol: Cholesterol là thành phần chính tạo nên sỏi mật. Sau khi mổ lấy sỏi mật, bạn nên tránh sử dụng các thực phẩm giàu chất này như: lòng đỏ trứng, hải sản, thịt mỡ, phủ tạng động vật, thức ăn nhanh,…
Giống như các phương pháp điều trị khác, nội soi lấy sỏi túi mật cũng có những ưu điểm và nguy cơ có thể xảy ra. Vì vậy, để phẫu thuật thành công, hạn chế tối đa biến chứng, người bệnh nên lựa chọn điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa uy tín, với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại.